CEO Malaysia Airlines: Bay thẳng tới Mỹ không còn khả thi về kinh tế

Dù có thị trường hàng không phát triển hơn Việt Nam, các nước láng giềng Đông Nam Á tỏ ra không mặn mà với việc bay thẳng tới Mỹ.

Những chuyến bay kéo dài 13-17 giờ đồng hồ thẳng sang bên kia bán cầu tỏ ra không mấy hấp dẫn với các hãng hàng không Đông Nam Á.

Các quốc gia có hàng không và du lịch phát triển như Thái Lan, Indonesia hiện đều không có đường bay thẳng tới Mỹ, trong khi Malaysia tuyên bố sẽ sớm ngừng khai thác.

Nhiều nơi ngừng khai thác bay thẳng tới Mỹ

Malaysia nổi tiếng với hai hãng hàng không lớn là Malaysia Airlines và AirAsia cùng thị trường hàng không phát triển bậc nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 100 triệu lượt khách bay mỗi năm.

Malaysia Airlines ngừng khai thác đường bay thẳng đi Mỹ vì không thể sinh lời. Ảnh: Aero Icarus.

Malaysia Airlines ngừng khai thác đường bay thẳng đi Mỹ vì không thể sinh lời. Ảnh: Aero Icarus.

Malaysia Airlines là một trong những hãng bay đầu tiên của Đông Nam Á có đường bay thẳng tới Mỹ. Từ tháng 7/1986, hãng đã có đường bay thẳng từ Kuala Lumpur tới Los Angeles có điểm dừng kỹ thuật tại Nhật Bản. Sau đó hãng tiếp tục mở thêm đường bay thẳng nối Kuala Lumpur tới New Jersey, dừng kỹ thuật tại Stockholm (Thụy Điển).

Tuy nhiên do không hiệu quả về lợi nhuận, đường bay thẳng tới New Jersey đã bị hãng tuyên bố ngừng khai thác vào năm 2009.

Tới tháng 4/2019, đường bay cuối cùng của Malaysia Airlines bay thẳng tới Los Angeles cũng sẽ chính thức ngừng khai thác.

CEO của Malaysia Airlines, ông Ahmad Jauhari Yahya cho hay đường bay thẳng tới Mỹ “không còn khả thi về mặt kinh tế”.

“Các yếu tố đẩy chúng tôi vào tình thế này bao gồm sự cạnh tranh khốc liệt dẫn tới lợi nhuận giảm sút, chi phí cao khi vận hành dòng máy bay B777 và áp lực từ việc giá nhiên liệu liên tục tăng”, vị này cho hay.

Đại diện Malaysia Airlines khẳng định hãng sẽ tập trung vào thị trường châu Á khi nhu cầu đang tăng cao bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng như liên vùng.

Quá cảnh một điểm hoặc bay liên danh

Tương tự với Malaysia Airlines là Thai Airways. Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đã ngừng khai thác tuyến bay thẳng từ Bangkok tới New York vào năm 2008 và sau đó là tuyến Bangkok tới Los Angeles vào năm 2012.

Với New York, Thai Airways rút hoàn toàn hiện diện còn với Los Angeles, hãng bay này chuyển sang phương án khai thác dễ thở hơn là 4 chuyến một điểm dừng mỗi tuần, quá cảnh tại sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc).

Ông lớn của hàng không khu vực, hãng bay 5 sao từng nhiều lần nhận giải thưởng Hãng hàng không tốt nhất thế giới, Singapore Airlines cũng không thể duy trì đường bay thẳng tới Mỹ vì không hiệu quả về mặt kinh doanh.

Cụ thể, từ hai đường bay thẳng đi Los Angeles và Newark, hãng đã phải chuyển sang hướng khai thác sinh lời hơn. Năm 2004, Singapore Airlines chuyển sang khai thác chặng đi Los Angeles theo hình thức quá cảnh tại Tokyo (Nhật Bản) và năm 2013, hãng dừng khai thác chặng bay đi Newark.

Singapore Airlines cũng duy trì khai thác đường bay tới New York, tuy nhiên là đường bay quá cảnh tại Frankfurt (Đức) thay vì bay thẳng.

Khi tuyên bố ngừng khai thác đường bay thẳng đi Mỹ, lãnh đạo Malaysia Airlines nhận định việc hãng ngừng bay thẳng chắc chắn sẽ không gây ảnh hưởng tới chiến lược thúc đẩy du lịch mạnh mẽ của Malaysia.

Vị này cho hay có rất nhiều lựa chọn khác kinh tế hơn cho hành khách như bay 1 điểm dừng, bay liên danh (code share). Trên thực tế, dù không có tuyến bay thẳng, hành khách từ bất kỳ thành phố lớn nào của Mỹ đều có thể bay đến Malaysia qua các chuyến bay 1 điểm quá cảnh.

Điều này diễn ra tương tự với Singapore, Thái Lan hay Indonesia. Trong khi không có chuyến bay thẳng nào giữa Mỹ và các quốc gia này, lựa chọn bay một điểm quá cảnh lại rất phổ biến với giá chỉ bằng 60-70% giá vé bay thẳng cùng giờ bay linh hoạt và ngày nào cũng có chuyến bay.

Singapore Airlines và tham vọng bay thẳng trở lại

Loạt máy bay A350-900ULR mới nhận từ Airbus đã giúp tham vọng bay thẳng Mỹ của Singapore Airlines nhen nhóm trở lại. ULR là viết tắt của Ultra Long Range, nhằm chỉ dòng máy bay được thiết kế cho những đường bay siêu dài.

Những chiếc A350-900ULR có thể bay những chặng bay dài 18.000 km, xa hơn dòng A350 thông thường 3.000 km. Đây là con số hoàn hảo để bay từ Singapore tới các thành phố của Mỹ mà không cần dừng tiếp nhiên liệu.

Khoang hạng thương gia trên chiếc A350-900ULR của Singapore Airlines. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 11/2018, chuyến bay thẳng đầu tiên từ Singapore tới New York đã được Singapore Airlines thực hiện thành công, đánh dấu sự trở lại của hãng bay này trên những đường bay thẳng tới Mỹ.

Chuyến bay của Singapore Airlines cũng là chuyến bay đi vào lịch sử khi là chuyến bay thương mại dài nhất từng được thực hiện với hành trình dài 15.348 km trong 17 giờ 25 phút.

Singapore Airlines cho hay ngoài chiếc A350-900ULR trên, hãng sẽ tiếp tục nhận thêm 6 chiếc cùng loại nữa từ Airbus trong tương lai gần. Hai chiếc trong số này sẽ phục vụ bay thẳng từ Singapore tới New Jersey trong khi 5 chiếc còn lại sẽ phục vụ đường bay thẳng Singapore - Los Angeles.

Trường hợp của Singapore Airlines cho thấy các hãng hàng không chỉ bay thẳng Mỹ khi nhìn thấy khả năng sinh lời, và để sinh lời trên những chặng bay thẳng tới Mỹ, cần có những loại máy bay chuyên biệt.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ceo-malaysia-airlines-bay-thang-toi-my-khong-con-kha-thi-ve-kinh-te-post915892.html