CEO Stability AI: 'Trở thành sếp thật tệ'

Nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới không mấy vui vẻ khi phải đảm nhận vai trò điều hành. Emad Mostaque là một trong số đó.

Emad Mostaque đã xin từ chức sau một thời gian nắm giữ vị trí CEO. Ảnh minh họa: The Times.

Emad Mostaque là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Stability AI. Nhưng anh đã xin từ chức vào tháng 3 vừa qua.

“Trở thành một CEO thật tệ”, anh nói với New York Times.

Mostaque phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cách quản lý của mình đối với Stability AI. Tuy nhiên, anh ấy không phải là người duy nhất bị phê phán. Trước đó, Elon Musk nhiều lần nói rằng ông không thích trở thành lãnh đạo.

Emad Mostaque, nhà sáng lập Stability AI, đã từ chức CEO hồi tháng 3. Ảnh: Tex Bishop.

Áp lực của người đứng đầu

Việc điều hành một công ty chưa bao giờ là dễ dàng.

Sau vài năm vất vả vượt qua đại dịch, chuỗi cung ứng bị rối ren, những cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề công bằng, đa dạng về môi trường làm việc và quản trị doanh nghiệp, cộng với sự bất mãn của những nhân viên đã khiến nhiều giám đốc công ty phải từ bỏ công việc.

Theo công ty nhân sự Challenger, Gray & Christmas, số lượng CEO từ chức trong tháng 2 vừa qua đạt mức cao nhất hàng tháng kể từ khi Challenger bắt đầu theo dõi tình hình luân chuyển lãnh đạo từ năm 2002.

"Các CEO đang gặp nhiều thách thức hơn. Họ cảm nhận rõ điều này hơn so với trước đây”, Kevin Kelley, người đứng đầu toàn cầu về mảng hiệu suất tổ chức tại Boston Consulting Group, nói với Business Insider.

Công ty tư vấn lãnh đạo Russell Reynolds Associates cũng đưa ra đánh giá tương tự trong một báo cáo gần đây về tỷ lệ luân chuyển CEO.

"Những thách thức mà các CEO hiện phải giải quyết đã tăng lên đáng kể, bao gồm lạm phát cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng, khả năng tái cơ cấu trong bối cảnh triển vọng kinh tế không chắc chắn”, báo cáo nêu rõ.

Elon Musk từng nhiều lần bày tỏ thái độ chán chường với vị trí CEO.

Những lãnh đạo cô đơn

Nếu lắng nghe ý kiến từ một số lãnh đạo, không khó để hiểu lý do họ rời đi, hoặc ít nhất là muốn rời đi.

Trong bài đăng hồi tháng 1 trên X (Twitter trước đây), Brian Chesky, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Airbnb, nói rằng thành lập công ty không khiến anh cảm thấy bị cô lập, mà là việc điều hành nó.

“Tôi có hai người đồng sáng lập tuyệt vời. Tuy nhiên, sự mệt mỏi, cô độc mà tôi trải qua với tư cách là một CEO thật khó diễn tả thành lời”, anh viết.

Trường hợp tương tự là Elon Musk. Người giữ chức vụ CEO tại Tesla và SpaceX từng nói rằng ông chưa bao giờ muốn phụ trách hãng sản xuất ôtô hay bất kỳ công ty nào.

Vào năm 2021, Musk cho biết ông muốn sáng tạo, chứ không phải điều hành mọi thứ.

“Việc điều hành các công ty làm tôi đau lòng, nhưng tôi không thấy cách nào khác để biến công nghệ và thiết kế thành hiện thực”, Musk đã viết trên X vào năm 2022.

Năm 2016, sau 5 năm đầu tiên phụ trách Apple, Tim Cook nói với The Washington Post rằng là người đứng đầu thực sự rất cô đơn.

“Tôi không cần bất kỳ sự đồng cảm nào. CEO không cần sự đồng cảm", Cook nói.

CEO là một vai trò quan trọng, có trách nhiệm với mọi thứ của doanh nghiệp. Điều này nghe có vẻ tuyệt vời một số nhà quản lý tham vọng. Tất nhiên, tiền lương cho vị trí này luôn có rất nhiều số 0, thường gấp hàng trăm lần số tiền một nhân viên bình thường kiếm được.

Được trả lương cao ngất ngưởng nhưng việc trở thành người phải chịu trách nhiệm cuối cùng có thể rất mệt mỏi. Theo một đánh giá về thời gian gắn bó của các CEO, nhiệm kỳ trung bình của người đứng đầu các công ty lớn tại Mỹ đã giảm từ 6 năm (vào năm 2013) xuống còn 4,8 năm (vào năm 2022).

Jensen Huang, người đồng sáng lập Nvidia, đã chứng kiến sự giàu có của mình tăng vọt khi nhu cầu về chip hỗ trợ AI của công ty tăng vọt, nhưng ông cho biết sẽ không thành lập công ty nữa.

“Nếu biết trước mình sẽ phải đối mặt với những thách thức, sự bối rối, xấu hổ, mệt mỏi và những điều không may xảy ra… tôi nghĩ sẽ không ai dám khởi nghiệp nữa", Huang nói trên một tập podcast về công nghệ.

Thiên An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khi-ceo-ghet-lam-ceo-post1469415.html