CEO Techcombank: Các mục tiêu tài chính đến năm 2025 vẫn khả thi

Với kế hoạch đạt quy mô vốn hóa 20 tỷ USD vào năm 2025, Techcombank sẽ phải ghi nhận mức tăng trưởng 4,5 lần cho 3 năm tài chính tới.

Tháng 4/2021, sau khoảng nửa năm ngồi ghế tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cùng HĐQT và Ban điều hành nhà băng này đã đặt ra kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 bình quân 20%/năm với cả tổng thu nhập hoạt động, lợi nhuận trước thuế và các chỉ số tài chính khác.

Đi cùng mức tăng trưởng kế hoạch này, ông Lottner khi đó tự tin đến năm 2025, vốn hóa của Techcombank có thể đạt 20 tỷ USD, gấp 3 lần thời điểm năm 2021 và trở thành một trong 10 ngân hàng lớn nhất khu vực ASEAN.

Đến nay, sau tròn 2 năm trong kế hoạch 5 năm kể trên, những khó khăn chung của thị trường tài chính thậm chí đã khiến vốn hóa Techcombank giảm so với năm 2021, còn gần 103.000 tỷ đồng. Và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 22/4, lần đầu tiên trong một thập kỷ vừa qua, nhà băng này đã phải trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận đi lùi.

 Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank vẫn giữ quan điểm vốn hóa ngân hàng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 4,5 lần hiện tại. Ảnh: TCB.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank vẫn giữ quan điểm vốn hóa ngân hàng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, tức gấp 4,5 lần hiện tại. Ảnh: TCB.

Vốn hóa tăng 4,5 lần trong ba năm tới?

Tuy vậy, Tổng giám đốc Jens Lottner một lần nữa khẳng định mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD vào năm 2025 vẫn khả thi, đồng nghĩa với việc Techcombank phải ghi nhận mức tăng trưởng gấp 4,5 lần so với hiện tại trong 3 năm tới.

Trả lời Zing, CEO Techcombank cho biết nếu theo đúng kế hoạch với mức tăng trưởng lợi nhuận 20%/năm từ năm 2020, thì đến năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng phải đạt trên 28.000 tỷ đồng, trong khi kế hoạch ban lãnh đạo đưa ra năm nay chỉ là 22.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu cộng lũy kế lợi nhuận thực tế ngân hàng đã ghi nhận trong hai năm 2021-2022 và dự kiến 2023 thì mức lũy kế này đã cao hơn 10% so với kế hoạch từ 2020.

Theo ông Lottner, những con số dự báo về lợi nhuận Techcombank đưa ra đều dựa trên những tính toán thận trọng, tuy nhiên các chỉ tiêu này cũng phụ thuộc vào diễn biến thị trường tài chính thế giới và trong nước.

Vị CEO cho rằng những nhà băng hiện tại đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản thì trong tương lai có thể phát triển mạnh hơn nữa, “bởi nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn đó”.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của ngân hàng, Tổng giám đốc Techcombank cho biết nhà băng này vẫn đang có những chỉ số kinh doanh vượt trội so với các đối thủ như mảng quản lý gia sản, chất lượng tài sản, chỉ số CASA (tiền gửi không kỳ hạn)... và các chỉ tiêu này vẫn đang đi theo đúng kế hoạch ban lãnh đạo đề ra, thậm chí vượt so với trung bình ngành.

Ông cho rằng khó khăn của ngành ngân hàng hiện tại chủ yếu đến từ những lo lắng tạm thời về bức tranh kinh tế Việt Nam.

“Một khi tình hình ổn định hơn, nền kinh tế cho thấy dấu hiệu tích cực thì niềm tin của các nhà đầu tư sẽ quay trở lại với ngân hàng. Khi đó, chúng tôi có thể đạt được các mục tiêu đề ra”, vị CEO nói và cho biết thêm hiện các chỉ số về tổng thu nhập, lợi nhuận vẫn đi theo đúng kế hoạch đã đề ra từ năm 2021.

“Khi niềm tin trở lại với thị trường, không có lý do nào để Techcombank không đạt được mục tiêu 20 tỷ USD vốn hóa vào năm 2025”, ông Jens Lottner nhấn mạnh.

Khó khăn của bất động sản nằm ở niềm tin nhà đầu tư

Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho rằng 2022 là năm rất khó khăn với 2 lĩnh vực mà Techcombank mạnh nhất là bất động sản và trái phiếu - tài sản đầu tư. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, ngân hàng vẫn đứng vững và phát triển lành mạnh.

“Số liệu cụ thể sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh thời gian tới. Dù đặt ra mục tiêu lợi nhuận năm 2023 rất thận trọng, thực tế kết quả trong quý I của ngân hàng đang vượt so với kế hoạch đề ra”, ông chia sẻ.

Vị chủ tịch ngân hàng nhắc lại giai đoạn 2012-2014, khi thị trường tài chính gặp khó khăn lớn hơn hiện nay, Techcombank đã rất thận trọng trong việc trích lập dự phòng rủi ro dẫn tới kéo giảm lợi nhuận giai đoạn này. Nhưng sau đó, khi xử lý xong nợ VAMC, các khoản dự phòng này đã được hoàn nhập và mang lại giá trị lớn cho ngân hàng.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 ngày 22/4. Ảnh: TCB.

Với thị trường bất động sản, vị tỷ phú USD cho rằng vấn đề nằm ở niềm tin của nhà đầu tư nhiều hơn, và khi niềm tin trở lại thì cầu sẽ trở lại, từ đó các vấn đề khác sẽ được giải quyết.

“Nhu cầu đầu tư của người Việt vẫn còn rất lớn, sẽ có những bước điều chỉnh với cả thị trường bất động sản, trái phiếu, nhưng điều này càng khẳng định rằng với các khách hàng tốt, sản phẩm tốt, ngân hàng sẽ tiếp tục tạo ra sự khác biệt”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng, hiện danh mục cho vay lĩnh vực bất động sản của Techcombank có thể ở mức cao, nhưng phần nhiều là cho vay cá nhân, vay mua nhà. Còn với chủ đầu tư, dự án, ngân hàng luôn chọn những khách hàng tốt, dự án pháp lý đầy đủ và trong giai đoạn khó khăn vừa qua dự án vẫn triển khai.

Theo ông Hùng Anh, trong môi trường kinh doanh hiện tại, không riêng bất động sản hay trái phiếu mà lĩnh vực nào cũng có khó khăn như ôtô, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, sắt thép... Nhưng với các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, ông dự báo tình hình sẽ khởi sắc trong quý II và III tới.

Ông Hồ Hùng Anh cũng cho biết rất quan tâm đến cổ phiếu TCB của Techcombank, nhưng quan tâm nhiều hơn về giá trị của tổ chức và giá trị lõi mà ngân hàng đạt được.

“Tôi luôn tin rằng giá trị cổ phiếu TCB phải cao gấp 5-10 lần hiện tại. Sau khi làm được một số việc, niềm tin nhà đầu tư trở lại, khi đó thị trường sẽ trả lại những giá trị đúng với thực tế của Techcombank”, ông nhấn mạnh.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-techcombank-muc-tieu-von-hoa-20-ty-usd-nam-2025-van-kha-thi-post1424481.html