CEO Ứng dụng di động Xanh: 'Tôi muốn kết nối người nông dân với cơ quan quản lý'

Với việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp thông qua nền tảng ứng dụng di động, CEO Trần Viết Quân của công ty CP Ứng dụng di động Xanh có tham vọng kết nối được người nông dân với cơ quan quản lý Nhà nước một cách hiệu quả hơn.

Ông Trần Viết Quân

Tốt nghiệp trường Đại học KHXH&NV, Trần Viết Quân có lẽ đã đi đúng hướng khi làm truyền thông cho các công ty công nghệ, nhưng anh lại không gắn bó lâu dài với nó. Thay vào đó, Quân bất ngờ chuyển hướng sang startup ở một lĩnh vực được xem là khó hiện nay, đó là nông nghiệp.

Càng bất ngờ hơn, khi anh startup ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng không đơn thuần như bản chất của nó mà thay vào vào đó anh đưa ứng dụng CNTT trên di động vào nông nghiệp. Ở đây anh làm nhiệm vụ kết nối người nông dân với cơ quan quản lý nhà nước thông qua ứng dụng di động, để giúp hoạt động nông nghiệp của địa phương trở nên hiệu quả hơn.

ICTnews đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông Trần Viết Quân, để nghe những chia sẻ về startup đầy mạo hiểm này.

Thưa ông, vì sao lại chọn startup với mảng nông nghiệp, một mảng khó hiện nay?

Chúng tôi nhận thấy ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó người nông dân chúng ta vẫn là người thiệt thòi nhất trong chuỗi giá trị mà đáng lẽ họ cần được hưởng nhiều hơn. Do vậy chúng tôi tập trung đưa ra các giải pháp bằng công nghệ để giúp bà con nông dân nhận được các thông tin cần thiết và có các kết nối với cơ quan nhà nước từ đó hỗ trợ họ phát triển kinh tế nông hộ.

Thứ hai, hiện nay nhà nước rất ủng hộ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Với sự ủng hộ về chủ trương, chính sách, chúng tôi tin rằng đây là động lực lớn cho chúng tôi trong việc góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần thiết tại Việt Nam.

Dự án nông nghiệp gồm những gì?

Chúng tôi nghĩ là muốn đưa CNTT đến người nông dân thì cách tốt nhất là kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi phối hợp với Sở NN&PTNT An Giang để xây dựng phần mềm này. Cơ bản ứng dụng này gồm 2 chức năng chính, một là làm sao cung cấp được thông tin mà người nông dân cần, hai là làm sao giúp người nông dân kết nối với người, tổ chức mà họ cần.

Với hệ thống thông tin, thứ nhất chung tôi cung cấp một hệ thống giá cả thị trường nông sản (thu mua và bán lẻ) trên địa bàn toàn tỉnh được cập nhật hàng ngày. Giá cả này được xây dựng trên hệ thống gồm hơn hàng trăm người báo giá hàng ngày tại hàng ngàn khu vực khác nhau. Giá chúng tôi cung cấp là một kênh tham khảo giá khá chính xác cho bà con nông dân. Thứ hai, chúng tôi cũng cung cấp một hệ thống dữ liệu các vấn đề về cây trồng, vật nuôi. Đây được xem như là kho dữ liệu về các câu hỏi về cây trồng vật nuôi tại tỉnh.

Với hệ thống kết nối, chúng tôi tạo ra một kênh kết nối giữa cơ quan nhà nước với người nông dân. Ở An Giang, cần hỗ trợ gì người nông dân có thể gửi thắc mắc qua ứng dụng và sẽ nhận được phản hồi. Họ cũng có thể phản ánh các vấn đề về phân, thuốc nhái, giả trên địa bàn đến cơ quan chức năng một cách nhanh chóng. Ngược lại khi Sở có thông báo gì họ cũng có thể gửi ngược lại cho người nông dân.

Được biết công ty đã triển khai dự án này cho tỉnh An Giang, theo ông, các thách thức khi triển khai Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực này là gì?

Ứng dụng Nông nghiệp An Giang

Tại An Giang chúng tôi cập nhật trên 1200 đầu giá nông sản của 5 lĩnh vực là lúa gạo, thủy sản, gia súc gia cầm, trái cây và rau củ quả của 11 huyện/thị. Hơn 10.000 câu hỏi đã được chúng tôi, biên tập, hệ thống hóa để bà con nông dân có thể dễ dàng tiếp cận qua ứng dụng.

Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao có thể lấy được hơn 1200 loại giá ở hàng trăm xã và phải cập nhật hàng ngày với độ chính xác cao. Chúng tôi đã phải làm việc nhiều tháng để tạo ra giải pháp tối ưu đồng thời xây dựng một đội ngũ báo giá có độ tin tưởng cao. Ngoài ra ở khâu triển khai, phổ biến đến người nông dân cũng có nhiều khó khăn, vì người nông dân có trình độ nhận thức về công nghệ vẫn còn hạn chế. Hiện tại chúng tôi tập trung phổ biến cho nhóm các nông dân giỏi tại An Giang.

Công ty sẽ có hướng phát triển như thế nào về dự án nông nghiệp của mình trong thời gian tới?

Chúng tôi cũng lên kế hoạch nhiều giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn đầu này chúng tôi thực hiện việc cung cấp giải pháp về CNTT. Ở giai đoạn tiếp theo chúng tôi sẽ tập trung vào việc phân tích thị trường nông sản. Chúng tôi sẽ dựa trên hệ thống giá cả thu thập được và tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin khác nhau trong và ngoài nước để đưa ra những dự báo, dự đoán về khả năng tăng hay giảm giá của các mặt hàng nông sản, từ đó giúp cho người nông dân có thể chủ động hơn cho kế hoạch mùa vụ hay kế hoạch nuôi trồng.

Về ứng dụng nông nghiệp An Giang, mọi người có thể vào đây để tải về, hoặc tải từ các kho ứng dụng Google Play trên Android hoặc AppStore trên iOS.

Lê Mỹ

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/khoi-nghiep/ceo-ung-dung-di-dong-xanh-toi-muon-ket-noi-nguoi-nong-dan-voi-co-quan-quan-ly-152680.ict