CGV hiện thực hóa mục tiêu 'nâng tầm điện ảnh Việt'

Sau khi chia sẻ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025, CGV đã mạnh tay đầu tư thêm 200 triệu USD trong giai đoạn 2018-2020.

CGV đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế

Không ít quan ngại đặt ra khi CGV công bố mục tiêu như trên. Bởi để trở thành một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu, Việt Nam cần đạt được 2 tiêu chí là số lượng vé bán ra đạt mốc 200 triệu và thị phần phim Việt phải chiếm 60%.

Bàn về tính khả thi khi thực hiện 2 mục tiêu trên, ông Sim Joon Beom – Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam - chia sẻ: “Thị trường Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt, khoảng 25-30%/ năm. Năm 2016, số lượng vé bán ra đạt 36 triệu, năm 2017 là 45 triệu vé. Dự kiến con số này trong năm 2018 sẽ là 54 triệu vé. Do đó, mục tiêu 200 triệu vé năm 2025 hoàn toàn có thể kỳ vọng đạt được”.

Về tiềm năng phát triển của phim Việt, ông Sim phân tích thêm: “Thị phần phim Việt hiện tại đang chiếm khoảng 25-30%, dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi trên thị trường ngày càng có nhiều những bộ phim chất lượng về nội dung, đa dạng về thể loại và được công chúng đón nhận nhiệt tình, đôi khi còn hơn cả những phim bom tấn của nước ngoài. Có thể kể đến một vài ví dụ nổi bật như phim: Em chưa 18 đang giữ kỷ lục doanh thu phòng vé với 171 tỷ đồng, Siêu sao Siêu ngố đạt 108 tỷ đồng, Em là bà nội của anh đạt 102 tỷ đồng… Với đà phát triển này, mục tiêu Việt Nam lọt các quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu là rất khả thi”.

Tổng Giám đốc CGV Sim Joon Beom rất lạc quan về mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, CGV đã và đang đầu tư vào 3 trụ cột chính: Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các thể loại phim và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, dự kiến mở từ 12-15 cụm rạp lớn mỗi năm, trong đó có 5-7 cụm rạp tại các tỉnh, thành phố xa để ngày càng có nhiều người Việt Nam được đến rạp xem phim. Tính tới tháng 2/2018, CGV đang vận hành 55 hệ thống cụm rạp tại 19 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, CGV cũng không ngừng phát triển các phòng chiếu phim với công nghệ và dịch vụ hiện đại nhất hiện nay như: công nghệ 3D, 4DX, Imax, Starium, ScreenX, các phòng chiếu cao cấp Gold Class, L’amour, hệ thống âm thanh Dolby Atmos…

Bên cạnh viêc giới thiệu những phim Việt thuộc thể loại hài, hành động, kinh dị ra rạp, CGV còn xây dựng 2 phòng chiếu CGV Art House chuyên giới thiệu các bộ phim nghệ thuật tới khán giả. Đây cũng là đơn vị tiên phong hỗ trợ tối đa cho phim Việt qua chiến lược “3 trong 1”: Đồng hành từ quá trình phát triển nội dung, phát hành cho tới trình chiếu phim tại các cụm rạp. Lợi nhuận thu về từ những bộ phim này chính là nguồn động lực lớn để các nhà sản xuất tiếp tục tái đầu tư và sáng tạo nên những tác phẩm mới, thử sức với thể loại phim mới, từ đó góp phần mở rộng thị phần của phim Việt và xây dựng nền móng vững chắc cho nền điện ảnh.

Chú trọng về nhân lực phục vụ cho dịch vụ điện ảnh và các tài năng làm phim, biên kịch của ngành; CGV tiên phong xây dựng trung tâm đào tạo nội bộ tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để huấn luyện kỹ năng cho nhân viên theo chuẩn quốc tế - góp phần nâng tầm chất lượng dịch vụ cho ngành điện ảnh. Đồng thời tổ chức các hoạt động như “Lớp học làm phim Toto”, cuộc thi “Nhà biên kịch tài năng”, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những cho những nhà biên kịch, nhà làm phim tương lai. Dự kiến trong năm 2018, doanh nghiệp này sẽ lần đầu tiên tổ chức dự án “Hỗ trợ làm phim ngắn Việt-Hàn” với mục tiêu mang đến cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam cơ hội được thử thách và tỏa sáng ở các liên hoan phim uy tín trên thế giới.

Thách thức lớn nhất mà CGV đang đối mặt chính là việc huy động và sử dụng vốn. Trong hơn 10 năm qua, CGV đã đầu tư hơn 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại Việt Nam. Từ năm 2006-2017, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào thị trường Việt Nam và dự kiến sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD từ nay tới năm 2020. Toàn bộ số tiền “khủng” này được CGV huy động từ nguồn vốn đi vay và các chương trình hợp tác với các đối tác. Do đó, rủi ro về mặt tài chính là một bài toán khó, nhất là khi đa phần người dân Việt Nam còn khá e dè khi chi tiêu vào giải trí.

Mặt khác, thị trường điện ảnh đang là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhưng cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt. “Bên cạnh những tiềm năng lớn, một trong những thách thức quan trọng là làm thế nào để các đơn vị trong ngành điện ảnh cùng tập trung đầu tư theo tầm nhìn dài hạn và đóng góp vào sự phát triển chung của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề cạnh tranh cho lợi ích cá nhân” – ông Sim Joon Beom nhấn mạnh.

Bích Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/cgv-hien-thuc-hoa-muc-tieu-nang-tam-dien-anh-viet-101770.html