CGV Việt Nam lại bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt

Ngày 13/11/2017, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam lại phát đi thông cáo tố CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục chèn ép doanh nghiệp Việt, vi phạm Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh và cam kết WTO.

Đây là động thái tiếp theo của các nhà phát hành phim Việt sau khi 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim trong nước gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan quản lý về việc: “CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé hồi tháng 6 năm ngoái nhưng không có kết quả”.

CGV chèn ép DN Việt…?

Thông cáo của Hiệp hội cho biết, trong bối cảnh điện ảnh nhà nước không bắt kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường thì điện ảnh tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài lại đang hoạt động khá sôi động.

Sau khi có mặt tại Việt Nam, CGV đã đánh dấu sự thay đổi lớn của thị trường điện ảnh Việt Nam bằng việc mở rộng hệ thống rạp chiếu lên 51 cụm rạp trên khắp các tỉnh thành. Không chỉ áp đảo thị trường rạp chiếu mà CGV còn thâu tóm thị trường phim ngoại nhập và lấn sân sang cả lĩnh vực sản xuất và phát hành phim Việt.

Thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017.

Lỗi tại… Luật Cạnh tranh?

Điều 11 Luật Cạnh tranh quy định về DN có “vị trí thống lĩnh thị trường” như sau: "1. DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể...”.

Thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. Doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết Quý III năm 2017 là 881,6 tỷ đồng.

Nếu chiểu theo quy định này, CGV đang là doanh nghiệp có “vị thế độc quyền”. Tuy nhiên, để khẳng định cáo buộc của 8 doanh nghiệp Việt về việc CGV lạm dụng vị thế lại là câu chuyện khác. Nói như ThS Phạm Hoài Huấn – Giảng viên khoa Luật Cạnh tranh – Đại học Luật TP HCM: “Rõ ràng, với lợi thế chiếm 40% các rạp chiếu trên cả nước, trong lĩnh vực phân phối phim, lợi ích mà CGV mang lại cho nhà sản xuất sẽ cao hơn so với các nhà phân phối Việt Nam. Vì khi bản thân CGV tự mình phân phối, họ đã thu của các doanh nghiệp chiếu phim VN 55%. Trong trường hợp họ là người mua quyền chiếu phim, các nhà phân phối chỉ được 45%. Giả định là tỉ lệ ăn chia giữa các nhà phân phối VN với các nhà sản xuất cũng bằng tỉ lệ của CGV, thì giá trị mà CGV mang lại cho các nhà sản xuất sẽ nhiều hơn”.

Tuy nhiên, Điều 29 Nghị định 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh quy định: “Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong điều kiện giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh là hành vi phân biệt đối xử đối với các DN về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng trong những giao dịch mua, bán háng hóa, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hóa, dịch vụ để đặt một hoặc một số DN vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với DN khác”. Chính vì vậy, ông Huấn cũng khẳng định: “Nếu như trong 45% doanh thu còn lại, mà các nhà phân phối phải chia phần lớn cho nhà sản xuất thì có nghĩa tỉ suất lợi nhuận của họ là quá thấp. Vì lẽ đó, các nhà phân phối Việt Nam khiếu nại hành vi của CGV khi áp dụng hai mức 45% và 55% lần lượt trong trường hợp họ là người mua quyền chiếu phim và là người phân phối phim là không công bằng”.

Các nhà sản xuất phim sẽ có khuynh hướng giao bộ phim cho nhà phân phối nào mang lại doanh thu cao cho họ. Với ưu thế về cụm rạp, CGV có ưu thế để ép doanh thu các nhà phân phối phim Việt Nam xuống thấp.

Đây không phải lần đầu CGV gặp phải những tố cáo tương tự, năm 2016, họ từng bị 8 nhà sản xuất, phát hành phim trong nước: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA khiếu nại với Hiệp hội Điện ảnh về việc ăn chia thiếu công bằng, bất hợp lý tại các cụm rạp của mình.

Sau câu chuyện lình xình về việc cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam thì câu chuyện này lại phủ thêm "bóng đen" trên thị trường điện ảnh nước nhà. DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh, Khoản 2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp liên doanh. Đối với hình thức đầu tư thành lập liên doanh thì phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định” .

Hương Giang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cong-ty-tnhh-cj-cgv-viet-nam-cgv-bi-to-vi-pham-luat-dien-anh-va-cam-ket-wto-120133.html