'Cha đẻ' của tee gỗ là một bác sĩ nha khoa

Những chiếc tee đã trở nên quá đỗi quen thuộc với golfer. Thế nhưng, không phải ai cũng biết về người đầu tiên phát minh ra phụ kiện golf hữu ích này.

Trước khi có tee gỗ, những người chơi golf tạo ra một “tee” tạm thời từ cát. Các sân golf sẽ cung cấp cho mỗi hố một hộp cát ướt và golfer sử dụng chúng để tạo nên một gò đất bằng cách sử dụng tay hoặc khuôn có hình nón.

Thất vọng với quy trình tẻ nhạt và rườm rà này, năm 1899, George Grant đã phát minh ra một cái tee golf bằng gỗ và được cấp bằng sáng chế của Mỹ số 638.920 vào ngày 12/12 cùng năm. Lịch sử cũng ghi nhận ông là “cha đẻ” của những chiếc tee gỗ ngày nay.

Sinh năm 1846, George Grant ban đầu làm công việc trợ lý tại một văn phòng nha sĩ. Khoảng thời gian làm ở vị trí này giúp ông có kinh nghiệm cần thiết để tham dự các kỳ thi, trở thành người Mỹ gốc Phi thứ hai tốt nghiệp trường Nha khoa Harvard (Harvard Dental School) và cuối cùng là giáo sư người Mỹ gốc Phi đầu tiên của ngôi trường danh giá. Ông còn phát minh ra một thiết bị điều trị hở hàm ếch, được tôn trọng và công nhận rộng rãi trong cộng đồng y khoa.

Golf là niềm đam mê của Grant. Ông thường xuyên chơi golf tại một đồng cỏ gần nhà ở Arlington Heights, Ill. Mặc dù được cấp bằng sáng chế cho tee và có thể tận dụng nó để kinh doanh nhưng Grant không làm như vậy. Ông không sản xuất, không tiếp thị và người ta chỉ có thể bắt gặp những cây tee gỗ “made in Grant” từ các thành viên trong gia đình, bạn bè của Grant. Vì thế mà cát tiếp tục là một phần của khu vực phát bóng trên sân golf.

Đến đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, một nha sĩ khác là William Lowell đã phát minh ra Reddy Tee và khiến cho tee gỗ trở nên phổ biến. Sau nhiều lần cải tiến để phù hợp với trò chơi, chúng ta thấy những chiếc tee có hình dạng như ngày nay.

Thảo Phạm/Theo GolfViet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cha-de-cua-tee-go-la-mot-bac-si-nha-khoa-1376160.html