Cha mẹ cần biết điều này để không gây áp lực học lên con

Áp lực từ gia đình, học tập, cuộc sống... là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ học sinh rơi vào căng thẳng, thậm chí tự tử. Đây là thực trạng dù đã được nhiều chuyên gia phân tích, 'mổ xẻ' để tìm giải pháp, song những câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra khiến dư luận không khỏi xót xa.

Ảnh minh họa

Quyên sinh vì áp lực học tập

Ngày 10/4 vừa qua, một nam sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TPHCM) nhảy lầu tự tử tại trường, bất chấp sự can ngăn, khuyên bảo của giáo viên, bạn học. Nam sinh này đã để lại bức thư tuyệt mệnh, nội dung thư có đề cập đến việc bị áp lực trong học tập và áp lực từ gia đình muốn em có điểm số tốt hơn để đạt loại giỏi.

Trước đó, vào đầu tháng 1, em L, học sinh lớp 7, Trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử vong ngay tại lớp học. Cụ thể, sự việc xảy ra khi học sinh trong lớp đi thực hành môn Tin học tại phòng máy, riêng em L ở lại lớp. Khi giờ học kết thúc, các em học sinh trở lại lớp thì phát hiện L đã tử vong. Theo đó, em L để lại bức thư tuyệt mệnh bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Được biết, nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ việc người cha nói nặng lời với L khi kết quả học tập của con sa sút.

Thực tế, đã có một số sự việc đáng tiếc xảy ra với những học sinh vốn chăm ngoan, học giỏi, không có biểu hiện tiêu cực nào khiến thầy cô, cha mẹ hoàn toàn bất ngờ, không lường trước được. Trong đó, áp lực từ học sinh các trường chuyên, lớp chọn lớn đến mức khiến chính thầy cô các trường này phải tỏ ra lo ngại và đành trông chờ vào những giải pháp can thiệp tích cực, can thiệp sâu về tâm lý học đường.

Chỉ ra một thực tế hiện nay, học sinh căng thẳng chuyện học hành, thi cử, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Chuyện áp lực học hành như đã trở thành quy luật chung, thầy cô, cha mẹ nào cũng muốn tốt cho học trò nhưng nó có những vấn đề đi theo dẫn đến những khủng hoảng tâm lý cho học sinh. Học sinh phải tìm đến con đường tự tử chắc chắn bản thân em đó phải có những bức xúc, nên chọn cách này để giải thoát và coi đây là cách tốt nhất để thoát khỏi những áp lực”.

Chương trình nặng, phụ huynh thêm áp lực

Nếu nhìn vào lịch học của một học sinh từ Tiểu học cho tới THPT, nhiều người phải lắc đầu ngao ngán. Trong khi bố mẹ đi làm chỉ có 8 tiếng/ngày đã mệt mỏi, căng thẳng, nhưng với không ít em học sinh thì phải đi học từ tinh mơ đến khi đỏ đèn mới về tới nhà. Mọi thứ sinh hoạt của các em đều chỉ ở mức “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” bởi lịch học đang chờ đón không chỉ ở trường mà còn tại các lớp học thêm, ngoại khóa. Đối với những học sinh cuối cấp, ngoài thời gian tăng cường ôn tập là chạy “sô” hết chỗ này tới chỗ kia để ôn thi, luyện thi.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, học sinh tự tử và để lại thư tuyệt mệnh do không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, khiến người lớn rất đau lòng. Bố mẹ nào cũng có kỳ vọng vào con cái, nhưng hãy ít thôi và luôn phải đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ con. Hãy hiểu cho những nỗi niềm của con, đừng đặt mục tiêu con phải vào trường điểm, trường đại học “tốp trên”, mà hãy động viên con cố gắng, nếu không đạt được vẫn có những lựa chọn khác phù hợp hơn... Đừng để khi xảy ra việc mới thấy hối hận, giá như không trách mắng, đặt nặng kỳ vọng vào con.

Còn NGƯT Đặng Đình Đại (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) lại cho rằng: “Sau mỗi sự việc, đều cho thấy vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng. Nhất là giáo viên chủ nhiệm, cần tìm hiểu học sinh, nắm bắt được thực tế đang diễn ra trong lớp học mình quản lý, phải là chỗ dựa tin cậy để học sinh tâm sự, từ đó mới đưa ra các giải pháp giúp học sinh. Về phần gia đình, ngoài làm giảm áp lực cho con cái, các phụ huynh cũng bớt thời gian để trò truyện, nắm bắt tâm tư của con. Thông thường, học sinh ngại trao đổi với phụ huynh, nhưng từ quan sát cũng có thể thấy được một số biểu hiện, trầm cảm của con. Từ đó, phối hợp cùng với nhà trường để giảm bớt tâm lý, gỡ rối cho con”.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chương trình phổ thông hiện nay cũng là một phần nguyên nhân khiến học sinh căng thẳng, áp lực, nhất là vẫn còn nặng chuyện chạy theo thành tích, học cốt để đi thi. Chương trình hiện nay dù giảm tải nhưng thực tế vẫn còn nặng, sắp tới tiếp tục chủ trương rút gọn ở chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, lúc đó mới có thể phần nào giảm tải cho học sinh. Ngoài ra, cũng nhiều ý kiến cho rằng, công tác tham vấn học đường hiện nay còn thiếu trong các nhà trường. Học sinh thiếu kỹ năng, xử lý tình huống dẫn đến giữ kín, không chia sẻ với ai và có những hành động dại dột. Do đó, ngành Giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, nếu nhà trường tư vấn kịp thời và tốt sẽ thay đổi nhận thức của học sinh, dẫn dắt các em có hành động chuẩn mực, không đi theo xu hướng tiêu cực. Nếu không làm tốt tư vấn tâm lý ban đầu sẽ dẫn đến những căn bệnh khó chữa như trầm cảm, rối loạn tâm lý. Nếu có được hỗ trợ từ tư vấn tâm lý học đường các em sẽ vững vàng hơn rất nhiều và có suy nghĩ chín chắn cũng như hành vi chuẩn mực tốt hơn. Mô hình tham vấn học đường là rất cần thiết có trong mỗi nhà trường, đặc biệt trong xã hội hiện đại, phức tạp như ngày nay.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/cha-me-can-biet-dieu-nay-de-khong-gay-ap-luc-hoc-len-con-20180417094941224.htm