Cha mẹ tranh đoạt quyền nuôi con sau khi có bản án ly hôn của tòa

Tòa án nhân dân huyện H ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Nguyễn Văn K (SN 1993) và chị Ngọc Thị B (SN 1995), giao con chung là cháu Nguyễn Văn M (SN 2016) của anh K và chị B cho chị B nuôi dưỡng.

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Anh K có quyền thăm nom không ai được cản trở. Chị B gửi cháu M ở nhà trẻ, cuối buổi chiều cùng ngày, anh K tự ý đến nhà trẻ đón cháu M về nhà anh K để nuôi dưỡng, lúc đó chị B cũng có mặt và ngăn cản nhưng không được. Sau đó chị B tiếp tục đến nhà K yêu cầu được đón cháu M nhiều lần nhưng anh K vẫn không trao trả cháu M cho chị B. Chị B đã làm đơn đề nghị lãnh đạo địa phương nơi anh K cư trú và chính quyền giải quyết việc này cho chị nhưng anh K cũng không hợp tác làm việc với đoàn công tác của UBND xã.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Nguyễn Văn K có phạm tội không?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội không chấp hành án

Trong vụ việc này, anh Nguyễn Văn K đã phạm tội không chấp hành án được quy định tại Điều 380, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ Quyết định của Tòa án nhân dân huyện H giao cháu Nguyễn Văn M cho chị B nuôi dưỡng, chứ không giao cho anh K. Theo tôi được biết khi quyết định của tòa án có hiệu lực về mặt pháp luật thì các bên cần phải tuân thủ theo quyết định của tòa án. Việc anh K tự ý đưa cháu M về nuôi dưỡng là không chấp hành Quyết định của Tòa án. Do đó theo tôi hành vi tự ý đưa cháu M về nuôi dưỡng của anh K đã vi phạm pháp luật, mà cụ thể ở đây là đã không chấp hành bản án của tòa án.

Nguyễn Thị An (Quy Nhơn - Bình Định)

Phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Trong vụ việc này, anh Nguyễn Văn K đã phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 153, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ sau khi ly hôn, anh K không được Tòa án giao cho nuôi dưỡng cháu M. Tuy nhiên, lợi dụng chị B gửi cháu M ở nhà trẻ, anh K tự ý đón cháu M về nhà mình nuôi dưỡng, khi chưa được sự đồng ý của chị B. Chị B đã đến nhà anh K đón cháu M nhiều lần đồng thời cũng được các đoàn thể ở địa phương đến hòa giải, khuyên bảo nhiều lần nhưng anh K vẫn không giao lại cháu M cho chị B, vì vậy tôi cho rằng K phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Đoàn Văn Hạnh (Ý Yên - Nam Định)

Hành vi của Nguyễn Văn K không cấu thành tội phạm

Trong trường hợp này, hành vi của anh Nguyễn Văn K không cấu thành tội phạm, bởi lẽ cháu Nguyễn Văn M là con chung của K và chị Ngọc Thị B, nên anh K cũng có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu M. Hành vi của anh K đến đón cháu M về nuôi dưỡng xuất phát từ tình cảm của ruột thịt của anh K với cháu M. Vì vậy tôi cho rằng không nên áp dụng các biện pháp hình sự với anh K và các cơ quan chức năng cần có sự hòa giải và giải thích cho anh K hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình.

Đỗ Quốc Bảo (Đình Lộc - Lạng Sơn)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung vụ việc, trước hết chúng tôi cho rằng hành vi của anh Nguyễn Văn K chưa đủ yếu tố cấu thành tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Bởi lẽ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người thực hiện hành vi này phải có các hành động như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi. Thủ đoạn khác ở đây có thể là lừa dối, bắt cóc... để chiếm giữ người dưới 16 tuổi. Trong vụ việc này, Nguyễn Văn K tự ý đón con đẻ của mình để về nuôi dưỡng nên theo chúng tôi không thỏa mãn điều kiện nêu trên.

Có thể thấy, Tòa án nhân dân huyện H ra Quyết định giao con chung là cháu Nguyễn Văn M (SN 2016) của anh K và chị B, cho chị B nuôi dưỡng sau ly hôn. Anh K có quyền thăm nom không ai được cản trở. Việc anh K tự ý đón cháu M về nhà nuôi, không giao cháu M cho chị B nuôi dưỡng là không chấp hành quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này trước hết phải giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục về thi hành án dân sự. Chị B phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền để yêu cầu thi hành án theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu anh K không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án căn cứ vào Điều 120, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 tổ chức cưỡng chế buộc anh K giao con cho chị B nuôi dưỡng.

Điều 120, Luật Thi hành án dân sự quy định: “Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định

1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.

Căn cứ vào quy định tại Điều 120, Luật Thi hành án dân sự nêu trên, trong trường hợp anh K không tự nguyện thi hành án và chấp hành viên đã thực hiện các thao tác quy định khoản 1, 2 - Điều 120 nêu trên nhưng anh K vẫn không tự nguyện thi hành và việc cưỡng chế anh K không thực hiện được thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý K về “Tội không chấp hành bản án” theo quy định tại Điều 380, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo quy định của pháp luật, tội không chấp hành án xâm phạm hoạt động đúng đắn, uy tín của các cơ quan tư pháp, lợi ích của nhà nước, tổ chức các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khách quan của tội không chấp hành án được thể hiện ở hành vi không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Về mặt chủ quan của tội phạm, tội không chấp hành án được thự hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội có điều kiện thi hành án và biết rõ mình phải có nghĩa vụ chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn cố tình không chấp hành án hoặc quyết định của Tòa án.

Như vậy, căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy: Hành vi của anh Nguyễn Văn K tự ý đón con về nuôi dưỡng được hiểu là không tự nguyện chấp hành thi hành án nên có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 120, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 hoặc bị xử phạt hành chính theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Sau khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì anh K mới có thể bị xem xét về tội không chấp hành bản án.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cha-me-tranh-doat-quyen-nuoi-con-sau-khi-co-ban-an-ly-hon-cua-toa/789557.antd