'Cha mẹ vô điều kiện': Hình phạt và phần thưởng là lối giáo dục sai lầm

Mọi sự hướng dẫn của cha mẹ dành cho con cái phải được thực hiện trong hơi ấm của tình mẫu tử, trong cảm giác an toàn và yêu thương vô điều kiện.

Đó là thông điệp mà Akfie Kohn – tác giả người Mỹ với 14 cuốn sách và rất nhiều bài báo về hành vi của con người, chủ đề giáo dục và phương pháp nuôi dạy trẻ, nhắn gửi tới những người làm cha, mẹ qua cuốn sách “Cha mẹ vô điiều kiện”.

Dựa trên những bằng chứng khoa học khả tín, Akfie Kohn đã phân tích những sai lầm của lối giáo dục con cái dựa trên kiểm soát hành vi mà ông gọi là mô hình cha mẹ vô điều kiện. Đọc cuốn sách, cha mẹ sẽ chột dạ nhận ra, dù vô tình hay hữu ý, mình đã từng phạm phải những sai lầm này.

Các bậc cha mẹ thường dùng các phần thưởng và hình phạt để khuyến khích hành động mà họ cho là tích cực và ngăn chặn những gì cho là tiêu cực.

Cha mẹ kiểm soát quá mức mọi hành vi của trẻ. Và bằng áp lực thành tích, cha mẹ biến con mình trở thành cỗ máy nhỏ bé, khuyến khích sự cạnh tranh thay vì hợp tác.

Bởi vậy dẫn đến, các bậc cha mẹ dễ dành nhiều công sức để buộc con cái không kháng cự và phải làm theo những gì mình muốn. Trong đó, nhiều cha mẹ dùng tình yêu thương để kiểm soát trẻ như một phương pháp nuôi dạy con: “Giữ lại tình yêu khi trẻ hư hoặc quan tâm và yêu chiều khi trẻ ngoan”.

Cuốn sách Cha mẹ vô điều kiện

Hậu quả của việc sử dụng hình phạt hay phần thưởng với trẻ

Và hậu quả của phương thức kiểm soát tình yêu thương, tác giả Akfie Kohn dẫn ra nghiên cứu của nhà tâm lý học Martin Hoffman cho rằng: “Mặc dù không gây ra mối đe dọa về thể chất hay vật chất đối với trẻ, nhưng nó có thể tàn phá tình cảm nhiều hơn so với sử dụng quyền lực bởi đe dọa bỏ rơi hoặc cô lập là điều đáng sợ nhất”.

Việc kiểm soát yêu thương chỉ có thể tạo ra sự vâng lời tạm thời. Tác giả cuốn sách cũng dẫn ra kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà tâm lý học khác cho thấy, hình thức kỷ luật này sẽ đặt trẻ vào trạng thái cảm xúc không thoải mái trong một thời gian dài hơn so với việc đánh đòn.

Theo Akfie Kohn, không có nhiều nghiên cứu khoa học về phương pháp kiểm soát tình yêu thương, nhưng số ít các nghiên cứu đều có phát hiện nhất quá đáng lo ngại. Rằng trẻ bị kiểm soát tình yêu thương “thường có ít niềm tin vào bản thân”,”tinh thần nghèo nàn” và “dễ tham gia vào các hành vi phạm tội”. Với những trẻ em lớn tuổi khi bị đối xử theo cách này dễ bị trầm cảm hơn so với những đứa trẻ đồng trang lứa khác.

Tuy nhiên, hậu quả lâu dài nhất của biện pháp kiểm soát tình yêu thương là nỗi sợ hãi. “Nhưng nỗi sợ này không giống như nỗi sợ bóng tối mà hầu hết mọi người đều vượt qua. Thay vào đó, đây là một kiểu lo sợ kéo dài ngay cả khi sự việc đã qua đi”.

Tác giả cuốn sách cũng dẫn ra, kết quả nghiên cứu cách nuôi dạy con kinh điển được công bố năm 1957 cho thấy, “hình phạt được chứng minh là phản tác dụng bất kể cha mẹ dùng nó để ngăn chặn sợ bướng bỉnh, phụ thuộc thái quá, chứng đái dầm hay bất cứ điều gì”. Đặc biệt, sử dụng hình phạt đối với trẻ em có ảnh hưởng đến sự phát triển đạo đức của chúng.

Các nghiên cứu sau này cũng chứng minh, hình phạt thể xác nói riêng có tính tàn phá vô cùng lớn – cụ thể là việc đánh đòn, tát hoặc các cách khiến cơ thể đau đớn như một hình thức kỷ luật. “Các hình phạt thể xác làm trẻ trở nên ngày càng hung hăng và dẫn đến hàng loạt hậu quả tai hại khác”.

Một thực tế mà các bậc cha mẹ không nhận thức được hoặc có thể không thừa nhận là, phần thưởng hay yếu tố khích lệ là một hình thức kỷ luật khác của tình yêu có điều kiện.

Tác giả cuốn sách cho rằng, phần thưởng cũng giống như hình phạt, thường có thể giúp cha mẹ “mua” được sự vâng lời nhất thời từ trẻ. Nhiều thí nghiệm cũng chứng minh rằng, “phần thưởng không chỉ kém hiệu quả mà còn thường xuyên phản tác dụng”.

Bên cạnh đó,tác giả “Cha mẹ vô điều kiện” cũng chỉ ra. Hậu quả của việc khen ngợi trẻ cũng tồi tệ không kém hậu quả của những tặng thưởng khác. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “những người được khen ngợi khi làm tốt một nhiệm vụ mang tính sáng tạo thường làm rất dở ở nhiệm vụ tiếp theo”. Bởi sự khen ngợi sẽ tạo ra áp lực phải “tiếp tục làm tốt” và chính điều này đã cản trở người ta làm tốt quá trình tiếp theo. Và thực tế, yếu tố khích lệ không mang lại kết quả nào khác ngoài thành tích.

“Hậu quả của việc khen ngợi là trẻ em trở nên ít có khả năng hoặc không sẵn sàng tự hào về những thành tích của mình hoặc không thể xác định cái gì là thành tích. Trong trường hợp cực đoan, chúng có thể trở nên nghiện lời khen”.

Như câu nói được tác giả sử dụng làm lời đề từ cuốn sách: “So với muôn vàn định chế trên thế giới, mỗi sinh linh bé nhỏ quý giá hơn biết bao”; trẻ em vì thế cần được yêu thương về chính con người chúng, bất kể chúng là ai. Và khi được yêu thương vô điều kiện, trẻ có thể chấp nhận bản thân mình, thậm chí cả những thất bại, sai lầm của chính mình.

Nguyên lý cha mẹ vô điều kiện

Khi trẻ cảm thấy mình được cha mẹ yêu trong những điều kiện nhất định, trẻ sẽ rất khó chấp nhận bản thân. Vì vậy, để con phát triển tốt về thể chất và đạo đức, hãy tìm cách để con cảm nhận được rằng tình yêu thương cha mẹ dành cho là vô điều điều kiện.

Trong “Cha mẹ vô điều kiện”. Akfie Kohn đưa ra 13 nguyên tắc chung giúp cha mẹ có thể tìm thấy con đường đúng đắn trong việc thể hiện tình yêu với con. Đó là: Hãy đối diện với chính mình; Hãy xem lại yêu cầu của bạn; Hãy để tâm đến mục tiêu dài hạn; Đặt mối quan hệ với con lên hàng đầu; Hãy thay đổi cách nhìn; đừng chỉ thay đổi hành vi; Tôn trọng trẻ, Hãy thành thực; Nói ít đi, hỏi nhiều hơn; Để tâm đến độ tuổi của trẻ; Hãy tìm cho trẻ động cơ tốt nhất, phù hợp với thực tế; Đừng khăng khăng nói “không” nếu không cần thiết; Đừng cứng nhắc, đừng nóng vội.

Yêu thương vô điều kiện là cha mẹ luôn tiếp tục cố gắng hết sức để cho đi, dù những cố gắng đó chưa chắc được ủng hộ hay đền đáp. “Đôi lúc trẻ có thể cư xử với chúng ta theo cách khá giống với kiểm soát tình yêu thương. Chúng có thể hét lên “Mẹ đi đi” hay “Con không yêu mẹ”, nhưng nhiệm vụ của người làm cha mẹ là giữ bình tĩnh, tránh cư xử giống trẻ và cần hiểu rằng đó chỉ là “một cách giải phóng cơn giận của trẻ”.

“Quan hệ giữa cha mẹ và con không phải là một mối quan hệ giữa hai người có quyền lực ngang nhau. Chỉ một cử chỉ nhỏ cho thấy bạn bớt yêu thương con sẽ có ảnh hưởng tới trẻ lớn hơn nhiều so với những gì câu nói “Con ghét mẹ” gây ra cho bạn”.

Để trẻ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện, cha mẹ cần ngừng việc đe dọa trẻ bằng những biện pháp trừng phạt như phạt trẻ ở một mình, kiểm soát tình yêu thương hay dùng phần thưởng, những lời khen ngợi đối với trẻ. Đồng thời, hãy ngừng “hối lộ” để trẻ vâng lời bằng việc đáp ứng những thứ chúng cần.

Mà “tình yêu thương của cha mẹ không cần trả giá bằng bất cứ điều gì. Nó chỉ đơn giản và thuần khiết là một món quà. Đó là điều mà mọi trẻ em đều xứng đáng được hưởng”.

Thục Linh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/cha-me-vo-dieu-kien-hinh-phat-va-phan-thuong-la-loi-giao-duc-sai-lam-d11790.html