Chậm cổ phần hóa: Ta đã phê bình, kiểm điểm ai chưa?

Ông Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nhấn mạnh quan điểm này tại tọa đàm 'Nâng cao hiệu quả DNNN, minh bạch thông tin, đổi mới quản trị' do Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức.

Các đại biểu tham gia tọa đàm - Ảnh: LT

DN luyến tiếc, bộ, ngành chưa quyết liệt

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tồn tại quá lâu trong thể chế được ưu tiên, ưu đãi, bao cấp nên tư duy và thói quen vẫn chưa thay đổi được triệt để. Trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh có phần chưa thật sự bình đẳng, DNNN vẫn được ưu tiên, ưu đãi về số mặt như đất đai, vốn…

“Có ý kiến nhận định doanh nghiệp nhà nước là “sân sau” của các bộ chủ chủ quản hay các ngành chủ quản. Các bộ ngành đó dựa vào doanh nghiệp nhà nước để được lợi ích nhóm. Do đó cải cách DNNN còn nhiều lực cản”, ông Hồ nói.

Ông Phùng Văn Hùng (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, những năm qua DNNN dựa quá nhiều vào các ưu đãi như nguồn vốn, đất đai. Nhiều khi không được quan tâm nhiều tới đầu tư sản xuất, quản lý hiệu quả để đẩy sản xuất phát triển.

Việc cổ phần hóa chậm có nguyên nhân do tâm lý các lãnh đạo doanh nghiệp khi cổ phần hóa là từ bỏ quyền hạn của mình với các doanh nghiệp vẫn sự “luyến tiếc” còn cơ quan quản lý chưa nghiêm khắc. “Ta đã quyết liệt đấy nhưng đã phê bình, kiểm điểm, khiển trách ai trong lĩnh vực này chưa? Ta phải kiểm điểm cái này”, ông Phùng Văn Hùng nói.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng muốn cổ phần hóa DNNN hiệu quả thì phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xúat kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ Vinamilk chỉ làm sữa, Sabeco chỉ làm bia, nước giải khát chứ họ không làm bất động sản nên giá trị mới tốt, bền vững. Trước đây có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các DNNN có vị thế đất đai ở vị trí tốt mà anh không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản cả.

Do vậy, Chính phủ đã đi trước một bước, quy định các DNNN trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng việc khác, còn anh làm ngành nghề gì thì anh làm ngành nghề đấy.

“Trước đây là ta làm ào ào có bao nhiêu tài sản thì đưa luôn vào báo cáo để bán để tạo ra lợi thế giả tạo. Doanh nghiệp cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không phải”, ông Tiến nói,

Điển hình như Hà Nội, địa phương này có quyết tâm, đã sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi cổ phần hóa Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hóa để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào đây. Do đó, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Phải đổi mới mới tư duy, công khai minh bạch và nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn vào tiềm năng thì mới đầu tư, vì tiềm năng chứ không phải vì đất.

Ông Tiến cũng nêu, cổ phần hóa còn để thu hút công nghệ quản trị mới, vì vậy phải tìm được cổ đông đi cùng về công nghệ quản lý cho ngành tốt hơn. Trong trong 12 dự án thua lỗ đều là các dự án trọng điểm có các nhà đầu tư muốn vào. Ví dụ thép thì Hòa Phát rất muốn vào, nhưng họ yêu cầu phải tính đúng, tính đủ giá vốn, công khai minh bạch. Họ sẵn sàng đấu giá, chứ không thể trông cậy vào Khu gang thép Thái Nguyên đất đai rộng để làm bất động sản.

Theo ông Lưu Bích Hồ, đất đai là đại sự. Đúng là trước đây nó không vào túi của Nhà nước, mà nhiều khi bị chia đi chỗ khác. DNNN quản lý đất đai đó nên phải chuyển về Nhà nước. Việc công khai minh bạch là quan trọng để không đáng ngại.

PVN có nên bỏ vốn để giải cứu DN thua lỗ?

Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong 12 dự án có 4 dự án bắt đầu khôi phục lại, đã hoạt động sản xuất lại, có 2 doanh nghiệp bên hóa chất đã có lãi.

Trong 6 nhà máy hoạt động kinh doanh thua lỗ, sau khi cơ cấu lại 2 doanh nghiệp đã có lãi, đó là dự án Thép Lào Cai và DAP1. 4 dự án bắt đầu giảm lỗ, nhưng vẫn còn lỗ, đó là dự án về phân đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP 2 của Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất. 3 dự án trước đây dừng sản xuất, đến nay bắt đầu khởi động lại, bắt đầu sản xuất thử, trong đó có dự án xơ sợi Đình Vũ…

“Tuy nhiên, xử lý 12 dự án này vẫn còn rất khó khăn bởi chúng ta cương quyết làm theo thị trường. Ví dụ, có những dự án bán không được chúng ta phải chấp nhận phá sản; có những dự án không bán được, không khởi động được thì phải chuyển sang hình thức khác”, ông Tiến nêu.

Thời gian tới, quan trọng nhất là các doanh nghiệp, các bộ, ngành phải nói thẳng, nói thật, công khai tình hình minh bạch ra. Hằng năm nên báo cáo tiến độ. Có như vậy các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, Quốc hội, Chính phủ mới đưa ra được giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ này. Ngay vấn đề giải thể, phá sản cũng là một giải pháp tích cực, nếu duy trì lại không hiệu quả.

Về đề xuất của PVN là được dùng vốn của tập đoàn để thúc đẩy việc xử lý yếu kém, trì trệ ở đóng tàu Dung Quất, PVTEX... ông Tiến bình luận rằng “luật đã quy định, nếu anh góp vốn vào, vì đây là công ty cổ phần, thì với trách nhiệm của mình theo luật thì anh cũng phải góp tương đối, nếu không góp được thì anh phải có giải pháp gì để hỗ trợ”.

“Khi bỏ vốn vào, chúng ta phải quản lý được rủi ro đồng vốn bỏ ra. Có nghĩa là phải đánh giá được hiệu quả của nhà máy này sau khi bỏ thêm vốn vào mà hoạt động tốt thì chúng ta hãy bỏ vốn. Còn nếu bỏ vốn đơn thuần theo tính toán chưa cẩn thận thì không nên”, ông Tiến nêu.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết hiện đang quyết liệt yêu cầu Tập đoàn Hóa chất, Dầu khí báo cáo thật rõ, đánh giá lại toàn bộ các dự án này xem tính hiệu quả, khả năng hòa vốn ở đâu, có thể bán được sản phẩm không? Đây là một trong những vấn đề các tập đoàn còn đang lúng túng bởi nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ ra những vấn đề chưa phát hiện được.

Ông Lưu Bích Hồ nhận định, 12 dự án này đều là các dự án nhà máy cần thiết cho nền kinh tế, nên phải cố gắng khôi phục lại. Tuy nhiên, có những chỗ phải cải tạo lại, ví dụ thép không nhất thiết làm như cũ mà làm mới với các sản phẩm mới phù hợp với kỹ thuật mới.

“Tôi cũng đồng tình dùng vốn của PVN để xử lý các dự án yếu kém của Tập đoàn này, nhưng vẫn phải là công khai minh bạch”, ông Hồ nêu.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/cham-co-phan-hoa-ta-da-phe-binh-kiem-diem-ai-chua-96976.html