Châm cứu, bấm huyệt có chữa được bệnh hen?

Hen là bệnh mạn tính đường thở (phế quản) do viêm, co thắt và tăng tính phản ứng đường thở, gây ra các triệu chứng ho, khò khè, tức ngực, khó thở. Liệu sử dụng kháng sinh hay các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt có chữa được bệnh hen? Thuốc nào điều trị bệnh hen?

Kháng sinh, châm cứu, bấm huyệt có chữa được bệnh hen?

Theo PGS.TS.BSCK2 Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, châm cứu, bấm huyệt, thuốc y học dân tộc có tác dụng trong cắt cơn hen nhẹ, bệnh hen mới mắc và củng cố sức khỏe cho bệnh nhân hen.

Tuy nhiên điều trị hen nặng, điều trị dự phòng thì chưa có bài thuốc nào, công trình khoa học nào được thế giới công nhận và đưa vào hướng dẫn điều trị và dự phòng hen.

Châm cứu, bấm huyệt, thuốc y học dân tộc có tác dụng trong cắt cơn hen nhẹ.

Với kháng sinh, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, đây cũng không phải là thuốc đầu tay chữa bệnh hen. Kháng sinh chỉ được dùng trong đợt cấp của hen hoặc khi có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp (bội nhiễm).

Những loại thuốc nào dùng để điều trị bệnh hen?

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, có 2 nhóm thuốc để điều trị bệnh hen gồm nhóm cắt cơn và nhóm dự phòng.

1. Nhóm cắt cơn hen:

Nhóm thuốc cắt cơn dùng khi khó thở, dùng thời gian ngắn ngày gồm:

- Thuốc SABA dạng hít, uống, tiêm, tác dụng sau 2-3 phút, kéo dài từ 3-4 giờ.

- Corticoid đường toàn thân, tác dụng sau từ 1-3 phút, kéo dài 6 giờ.

- Thuốc kháng cholinergic, có tác dụng sau 3 phút, kéo dài 1 giờ.

- Theophyllin có tác dụng ngắn, sau từ 1-3 phút, kéo dài 4 giờ.

- Thuốc phối hợp Formoterol/budesonid khởi phát nhanh sau từ 2-3 phút.

2. Nhóm thuốc dự phòng hen:

Nhóm thuốc dự phòng dùng hàng ngày, cả khi không khó thở

- ICS: fluticasone, budesonide

- LABA: salmeterol, formoterrol…

- LAMA: Tiotropium

- Theophylline phóng thích chậm

- Kháng leukotrien: montelukast

- Cromoglycate

Có 2 nhóm thuốc để điều trị bệnh hen gồm nhóm cắt cơn và nhóm dự phòng.

- Thuốc phối hợp: LABA/ICS (salmeterol/fluticasone hoặc fomoterol/budesonide). Hai dạng thuốc xịt, hít kết hợp giữa LABA với ICS điều trị dự phòng hen phổ biến là Seretid và Symbicort, cách dùng như sau:

+ Seretid: Chứa salmeterol và fluticasone các hàm lượng: 25/50 μg cho trẻ em từ 4-7 tuổi; 25/125 μg cho trẻ em từ 7-12 tuổi; 25/250 μg, 50/500 μg cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Liều điều trị dự phòng thông thường người lớn và trẻ em trên 4 tuổi là ngày xịt từ 1-2 lần, mỗi lần từ 1-2 lần xịt.

+ Symbicort: Chứa fomoterol và budesonid các hàm lượng sau: 4,5/160 μg; 6/100μg; 6/200 μg; 9/320 μg. Liều điều trị dự phòng thông thường cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi là mỗi lần 1-2 hít, ngày từ 1-2 lần.

Symbicort không những dự phòng hen còn dùng để cắt cơn (SMART), tối đa 12 hít/ngày. Khi bệnh nhân hết khó thở thì trở về liều dự phòng.

Phương Lan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-cuu-bam-huyet-co-chua-duoc-benh-hen-169230625180940023.htm