Chạm đến trái tim

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người ở bất cứ lứa tuổi nào trong xã hội bị ảnh hưởng.

Những câu chuyện cảm động về các em nhỏ, các y bác sĩ trẻ xung phong lên tuyến đầu chống dịch COVID-19 khiến chúng ta không khỏi xót xa…

Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tự tin trước giờ đi chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Trần Minh

Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tự tin trước giờ đi chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Ảnh: Trần Minh

Con ngoan đừng khóc nhé, chống dịch xong mẹ sẽ về…

Mới đây, một đoạn video ghi lại hình ảnh bé gái khóc ngặt vì nhớ mẹ được cộng đồng chia sẻ rộng rãi. Người đăng đoạn video cho biết: “Mẹ bé đang đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang. Khi đi, em vẫn còn đang ti sữa mẹ nên em nhớ mẹ lắm. Bình thường em ngoan nghe lời mọi người, mà nay đang chơi vui nghe thấy tiếng mẹ trên tivi cứ khóc rồi giơ tay đòi mẹ bế. “Chứng kiến cảnh này, ai cũng nghẹn ngào xúc động, không cầm nổi nước mắt... Ngay lập tức đoạn video đã gây xúc động mạnh mẽ và được chia sẻ khắp mạng xã hội với những lời lẽ trân trọng, ca ngợi và động viên các thầy thuốc áo trắng vững tâm chống dịch.

Nhìn thấy mẹ trên tivi, bé bỗng òa khóc...

Mẹ bé gái là điều dưỡng P.T.H - là 1 trong số hơn 100 y bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 vừa được điều động hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch khoảng 2 tuần nay. Do tính chất đợt công tác này rất cấp bách, chị H. phải gửi con gái bé bỏng cho người thân chăm sóc. Thế nhưng trẻ nhớ hơi mẹ, nhiều lúc con gái thức dậy nửa đêm khóc gọi mẹ. Chị H. nghẹn ngào nói: “Khi đến Bắc Giang, nhiều lúc tôi bị căng sữa, tức sữa. Những lúc ấy tôi lại nhớ đến con nhiều hơn...”.

Có nỗi nhớ nào day dứt khôn nguôi hơn mẹ nhớ con, chỉ muốn chạy thật nhanh về ôm con vào lòng cho thỏa lòng. Nhưng vì nhiệm vụ, vì công cuộc chống dịch vẫn đầy cam go, chị H. cũng như biết bao nữ nhân viên y tế khác phải nén lòng, gói ghém những nhớ nhung lại vì công việc chung. Ai cũng chỉ mong dịch bệnh sẽ mau qua để gia đình được đoàn tụ, mẹ con sum vầy.

Cán bộ nhân viên y tế là những người mẹ trẻ dù đang nuôi con thơ cũng đành dứt áo lên đường góp sức mình mong sớm đẩy lùi đại dịch. Những nữ cán bộ nhân viên y tế như chị H. càng khiến chúng ta thêm trân trọng, cảm phục và biết ơn; lan tỏa thông điệp về sự hy sinh cao cả của những thầy thuốc áo trắng xông pha trên tuyến đầu chống dịch.

Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác trong khu cách ly

Dịch bệnh không chừa ai, đến cả những em bé cũng bị ảnh hưởng. Nhìn lại những bức ảnh các em nhỏ trong các khu cách ly COVID-19 với bữa ăn, giấc ngủ không có bố mẹ bên cạnh, khiến chúng ta cay khóe mắt.

Chị em Nguyễn Thị Tuyết và Nguyễn Xuân Mai trong khu cách ly.

Bé N.V.M. ở thôn Tân Trúc, xã Tiên Sơn phải đi cách ly cùng với chú ruột ở khu cách ly 16 (Tiểu đoàn 16, Trường Sĩ quan Chính trị, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), vì cháu là F1. Cả bố mẹ, anh, chị của M. đều là F0 và đang được cách ly điều trị ở nơi khác. Trên mạng xã hội, hình ảnh cháu M. nằm ngủ, tự ăn một mình, trốn dưới gầm giường khiến ai ai cũng xúc động. Tuổi lên 3, M. chưa biết hết những gì đang diễn ra xung quanh mình, chắc cũng chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch COVID-19. Cháu vẫn sống, vui chơi hồn nhiên như đúng độ tuổi.

Cũng trên mạng xã hội có hình ảnh nhiều em nhỏ ở điểm cách ly thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nằm trên tấm chiếu nhỏ, đang ngủ ngon giấc mà không có bố mẹ, người thân bên cạnh. Một giáo viên ở điểm cách ly tại Trường phổ thông bán trú THCS Nà Khoa cho biết, có 41 em cách ly tập trung ở đây và các em đều là học sinh lớp 1-2, được đưa vào đây từ điểm nóng xã Si Pa Phìn, không có bố mẹ, người nhà đi cùng. Thấy được những khó khăn, thiếu thốn mà các cháu đang phải đối mặt ở khu cách ly tập trung, nhiều người đã kêu gọi và ủng hộ nhu yếu phẩm, đồ dùng để các cháu vượt qua trải nghiệm đáng nhớ này.

Xót xa hơn là trường hợp hai chị em Nguyễn Thị Tuyết (9 tuổi) và Nguyễn Xuân Mai (5 tuổi) phải cách ly với một người thân ở khu cách ly Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Mẹ và anh của hai cháu mắc COVID-19 và đang điều trị tại 2 nơi khác nhau. Còn bố của hai cháu là BN3055 vừa qua đời do bệnh nền kèm theo COVID-19. Ngày bố mất, chị em Tuyết, Mai cũng như anh trai và mẹ cũng không thể về chịu tang do phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Bao ngày qua, hình ảnh hai đứa trẻ ngơ ngác, tự chơi với nhau trong khu cách ly đã chạm đến hàng triệu trái tim người Việt.

“Trăng mật” trong tâm dịch của vợ chồng bác sĩ trẻ

Đối với đôi bạn trẻ có lẽ kỷ niệm không thể nào quên là đám cưới đầm ấm và kỳ nghỉ trăng mật đầy ắp dư vị ngọt ngào của tình yêu. Nhưng với vợ chồng bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh và Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thì kỷ niệm trăng mật của họ lại gắn liền với những ngày tháng chống dịch bên các đồng nghiệp và những người dân ở tâm dịch.

Vợ chồng bác sĩ Xuân Điệp-Mai Anh.

Cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ, vợ là Đinh Hoàng Mai Anh, công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, chồng là Nguyễn Xuân Điệp, bác sĩ Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

Tháng 1/2021 khi đám cưới vừa được tổ chức xong, vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp đã lên kế hoạch cho một kỳ trăng mật ngọt ngào để ghi dấu kỷ niệm “hai ta về chung một nhà”, chỉ chờ đến ngày xách vali lên đường... Nhưng đúng lúc đó, dịch COVID-19 bùng phát tại Đông Triều, Quảng Ninh. Không ngần ngại, vợ chồng bác sĩ quyết định gác lại kỳ trăng mật để xung phong cùng đồng nghiệp vào điểm nóng chống dịch.

Dịch bệnh ở Đông Triều tạm lắng, họ trở về bệnh viện rồi bị cuốn vào công việc, kỳ trăng mật phải lùi lại vào mùa hè. Thế nhưng, ngày 15/5/2021, khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã có thư ngỏ gửi tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ nhân viên y tế đến Bắc Giang “chia lửa” chống dịch. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển là cái tên đầu tiên trong số các đơn vị y tế cử cán bộ lên đường đến Bắc Giang chống dịch.

Là những người đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch tại Đông Triều, cặp đôi bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp lại có trong danh sách những người đầu tiên xung phong đến tâm dịch Bắc Giang.

BS. Điệp chia sẻ: “Đến Bắc Giang, vợ chồng em chủ động xin về cùng một nhóm để tiện chăm sóc, hỗ trợ nhau trong công việc và một phần để có thêm người động viên, chia sẻ khó khăn. Chứ kẻ đi, người ở thì lòng không yên, lại càng lo lắng hơn”. Công việc của vợ chồng BS. Điệp cùng các đồng nghiệp quay vòng từ lấy mẫu cho công nhân tại các nhà máy trong khu công nghiệp rồi di chuyển đến các nhà văn hóa thôn, khu phố, sân đình lấy mẫu cho người dân. Thậm chí còn đến từng hộ gia đình để lấy mẫu. BS. Mai Anh tâm sự: “Những ngày tham gia chống dịch tại Bắc Giang là những ngày làm việc đặc biệt nhất trong cuộc đời làm bác sĩ mà mình được trải qua. Giữa thời tiết nắng oi ả tháng 5, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng lớp khẩu trang dày khi trút bỏ quần áo ướt sũng như vừa từ dưới nước ngoi lên, chân tay nhăn nhúm, trắng bệch... Nhiều người dân thương cảm và còn trêu đùa, mặc như thế kia đến thở cũng mệt rồi chứ nói gì làm việc”. Nhưng nhờ sự động viên ân tình của người dân nơi đây, các bác sĩ vẫn làm việc quên mình. Khi được hỏi về 2 lần trăng mật bị lỡ, vợ chồng bác sĩ Điệp vui vẻ bộc bạch: “Có lẽ không ai được trải nghiệm trăng mật độc đáo như vợ chồng em”.

“Trăng mật” trong tâm dịch của vợ chồng bác sĩ trẻ

Đối với đôi bạn trẻ có lẽ kỷ niệm không thể nào quên là đám cưới đầm ấm và kỳ nghỉ trăng mật đầy ắp dư vị ngọt ngào của tình yêu. Nhưng với vợ chồng bác sĩ Đinh Hoàng Mai Anh và Nguyễn Xuân Điệp, cán bộ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí thì kỷ niệm trăng mật của họ lại gắn liền với những ngày tháng chống dịch bên các đồng nghiệp và những người dân ở tâm dịch.

Cả 2 vợ chồng đều là bác sĩ, vợ là Đinh Hoàng Mai Anh, công tác tại Khoa Nội tiêu hóa, chồng là Nguyễn Xuân Điệp, bác sĩ Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

Tháng 1/2021 khi đám cưới vừa được tổ chức xong, vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp đã lên kế hoạch cho một kỳ trăng mật ngọt ngào để ghi dấu kỷ niệm “hai ta về chung một nhà”, chỉ chờ đến ngày xách vali lên đường... Nhưng đúng lúc đó, dịch COVID-19 bùng phát tại Đông Triều, Quảng Ninh. Không ngần ngại, vợ chồng bác sĩ quyết định gác lại kỳ trăng mật để xung phong cùng đồng nghiệp vào điểm nóng chống dịch.

Dịch bệnh ở Đông Triều tạm lắng, họ trở về bệnh viện rồi bị cuốn vào công việc, kỳ trăng mật phải lùi lại vào mùa hè. Thế nhưng, ngày 15/5/2021, khi dịch bùng phát tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã có thư ngỏ gửi tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ nhân viên y tế đến Bắc Giang “chia lửa” chống dịch. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển là cái tên đầu tiên trong số các đơn vị y tế cử cán bộ lên đường đến Bắc Giang chống dịch.

Là những người đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch tại Đông Triều, cặp đôi bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp lại có trong danh sách những người đầu tiên xung phong đến tâm dịch Bắc Giang.

BS. Điệp chia sẻ: “Đến Bắc Giang, vợ chồng em chủ động xin về cùng một nhóm để tiện chăm sóc, hỗ trợ nhau trong công việc và một phần để có thêm người động viên, chia sẻ khó khăn. Chứ kẻ đi, người ở thì lòng không yên, lại càng lo lắng hơn”. Công việc của vợ chồng BS. Điệp cùng các đồng nghiệp quay vòng từ lấy mẫu cho công nhân tại các nhà máy trong khu công nghiệp rồi di chuyển đến các nhà văn hóa thôn, khu phố, sân đình lấy mẫu cho người dân. Thậm chí còn đến từng hộ gia đình để lấy mẫu. BS. Mai Anh tâm sự: “Những ngày tham gia chống dịch tại Bắc Giang là những ngày làm việc đặc biệt nhất trong cuộc đời làm bác sĩ mà mình được trải qua. Giữa thời tiết nắng oi ả tháng 5, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng lớp khẩu trang dày khi trút bỏ quần áo ướt sũng như vừa từ dưới nước ngoi lên, chân tay nhăn nhúm, trắng bệch... Nhiều người dân thương cảm và còn trêu đùa, mặc như thế kia đến thở cũng mệt rồi chứ nói gì làm việc”. Nhưng nhờ sự động viên ân tình của người dân nơi đây, các bác sĩ vẫn làm việc quên mình. Khi được hỏi về 2 lần trăng mật bị lỡ, vợ chồng bác sĩ Điệp vui vẻ bộc bạch: “Có lẽ không ai được trải nghiệm trăng mật độc đáo như vợ chồng em”.

Nữ điều dưỡng không thể về chịu tang mẹ do tham gia chống dịch

Mới đây khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân F0 điều trị tại BVĐK tỉnh Bắc Ninh, nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh (điều dưỡng của BV Sản Nhi Bắc Ninh được điều động tăng cường cho BVĐK tỉnh Bắc Ninh) nhận được điện thoại báo tin mẹ (ngoài 50 tuổi) mất đột ngột tại Hà Nội.

Ban thờ được bệnh viện lập nên để điều dưỡng Hà Thị Trinh bái vọng mẹ.

Đang là cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nên Trinh không thể rời khỏi bệnh viện, để ra Hà Nội tiễn biệt mẹ... Bên cạnh nữ điều dưỡng nhỏ bé này chỉ còn những người đồng nghiệp cũng đang ngày đêm phải chiến đấu với dịch COVID-19, giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Chia sẻ với nỗi đau đớn, mất mát này của nữ điều dưỡng khi mất đi người thân, bệnh viện đã tổ chức thăm hỏi, phân công cán bộ thường trực để chăm sóc, động viên tinh thần cho nữ điều dưỡng Hà Thị Trinh vượt qua đau thương quá lớn này. Đồng thời, lập một ban thờ vong ngay tại khu cách ly để chị Trinh có thể bái vọng người mẹ đã mất.

Khi dịch COVID-19 xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh từ đầu tháng 5/2021, Trinh cùng các đồng nghiệp trong khoa thực hiện tiếp nhận điều trị và chăm sóc bệnh nhân sản khoa và nhi khoa mắc COVID-19, những người thuộc diện F1 có triệu chứng ngay từ những ngày đầu có dịch. Sau khi được điều động tăng cường cho BVĐK tỉnh Bắc Ninh thực hiện công tác điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, Trinh ở lại bệnh viện, không về nhà trọ, cũng không về quê.

“Từ khi dịch bùng phát đến nay, điều dưỡng Hà Thị Trinh luôn xung phong nhận việc khó về mình cùng với tập thể các thầy thuốc trong khoa tham gia phòng chống dịch COVID-19. Là một điều dưỡng trẻ có năng lực, điều dưỡng Hà Thị Trinh luôn thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh. Đã rất lâu rồi, điều dưỡng Trinh chưa được về nhà thăm mẹ...” - BS. Phạm Thị Thanh Hương - Phụ trách Khoa bệnh Nhiệt đới - Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh bồi hồi chia sẻ.

Phạm Quỳnh - Lê Nguyên - Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-den-trai-tim-n195422.html