Chậm đổi, khó gỡ thẻ vàng

Hội nghị đánh giá một năm triển khai Chương trình 'Doanh nghiệp (DN) hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp (IUU)', vừa tổ chức tại TPHCM hôm 25.9 đã cảnh báo nguy cơ hàng hải sản xuất sang EU phải tiếp tục chịu tăng chi phí thêm 5-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container nếu 'chiếc thẻ vàng' xuất khẩu vào khu vực này vẫn tiếp tục bị duy trì.

Ảnh minh họa

Trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu hải sản sang khu vực này chỉ đạt 252 triệu USD, giảm liên tục do bị tác động rõ rệt bởi thẻ vàng của EU. Về nguyên tắc, khi EU giơ thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của DN qua khu vực này giảm do các khách hàng lo ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này sẽ khiến DN mất thời gian, chi phí rất lớn.

Các DN xuất khẩu thủy sản cho biết, hiện nay để có nhật ký khai thác, chứng minh nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu. DN phải đi một vòng thông qua các đại lý, đầu nậu rồi mới tới ngư dân. Vì vậy cần phải có chiến dịch tuyên truyền để ngư dân hiểu việc cần thiết phải có nhật ký khai thác, thì DN mới xuất khẩu được thủy sản ra nước ngoài. Việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Vasep, cho biết việc khắc phục thẻ vàng EU gặp nhiều khó khăn vì hiện nay, Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar.

Hiện nay Thông tư của Bộ NNPTNT nhằm chống khai thác trái phép hải sản đã ra đời từ tháng 2.2018, nhưng triển khai không đồng nhất ở các địa phương. DN không xin được giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (NLTS) tại cảng cá do vướng mắc về quy định trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc NLTS. Vì vậy DN có thay đổi, nhưng chính quyền địa phương, ngư dân, lực lượng kiểm soát biển chậm đổi thì cũng vô ích. Cách đây 4 năm, Philippines cũng đã từng bị EU rút thẻ vàng, và đã nhanh chóng gỡ được chiếc thẻ này trong 10 tháng sau đó. Làm được việc này kinh nghiệm cho thấy, các cơ quan quản lý lẫn Chính phủ nước này đều vào cuộc thay đổi pháp lý, cũng như tiến hành các biện pháp kiểm tra như bắt buộc trang bị thiết bị giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động đánh bắt tàu thuyền trên biển.

TRIỆU HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/cham-doi-kho-go-the-vang-633558.ldo