Chấm dứt tình trạng dân sống dưới rừng nhưng khó khăn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải tính toán lại để Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ gỗ rừng trồng. Bên cạnh việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, không để tình trạng có 14 triệu ha rừng nhưng đóng góp cho phát triển nông nghiệp thấp, người dân sống dưới rừng còn khó khăn.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới phải toàn diện, đi vào chiều sâu, gắn với đô thị hóa bảo vệ môi trường, đem lại giá trị vật chất tinh thần cho người dân, phù hợp với từng vùng miền. Hiện nay, các thị tứ, thị xã thành phố thuộc tỉnh đều có kế hoạch mở rộng để đô thị hóa mạnh mẽ theo quy hoạch khu vực nông thôn.

"Đây là việc rất quan trọng để chuyển bớt nông dân ra đô thị. Khi trả lời chất vấn Quốc hội tôi đã nhấn mạnh vấn đề phát triển đô thị rất manh mún. Chúng ta không lo là không có việc làm: Họ tự nuôi mình, dịch vụ sẽ xuất hiện khi có quy hoạch phát triển", Thủ tướng nói nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khơi dậy tính tự lực của người nông dân, vì nếu nông dân ỷ lại thì không thể thành công. Ông đồng thời cho rằng, kinh tế nông nghiệp phải hội nhập sâu rộng, phải nhận diện rõ cơ hội, thách thức trong tình hình mới để đề xuất hướng chiến lược phát triển.

"Thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ. Mình làm nông nghiệp nên phải đặt ra lợi thế so sánh để thành công. Điều đầu tiên là phải khắc phục những tồn tại, yếu kém, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ của kỷ nguyên số trong nông nghiệp, như internet vạn vật, thanh toán điện tử..., khắc phục nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ rõ, "90% hàng nông sản Việt Nam là xuất thô, chưa qua chế biến, tỷ lệ thải loại rất cao, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản chế biến chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức", Thủ tướng đề nghị, phải hướng nền nông nghiệp Việt Nam sạch, an toàn, nghiêm trị những kẻ đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ từ trung ương đến địa phương, để người dân trên thế giới và gần 100 triệu dân Việt Nam yên tâm với sản phẩm nông nghiệp do Việt Nam làm ra. Nông nghiệp cũng phải thực hiện theo hướng sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh vì hiện các bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, ung thư... ngày càng nhiều.

Để tiếp tục chủ trương đẩy mạnh thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng phải sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ nông nghiệp và chủ động ứng phó khí hậu. Đầu tiên là chuyển đất lúa sang trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

"Đề nghị Ban chỉ đạo kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ quy định về tích tụ ruộng đất, chuyển bớt một phần diện tích đất lúa sang trồng sầu riêng, bưởi, cam... trên cơ sở vẫn đảm bảo an ninh lương thực", Thủ tướng nói.

Ông cũng cho rằng, rừng và đất rừng phải tính toán lại để Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ gỗ rừng trồng. Bên cạnh việc bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, không để tình trạng có 14 triệu ha rừng nhưng đóng góp cho phát triển nông nghiệp thấp, người dân sống dưới rừng còn khó khăn.

"Lai Châu, Điện Biên, Đắk Nông có rừng và đất rừng lớn nhưng đói nghèo và phá rừng cũng nhiều. Nếu rừng trồng với kích cỡ gỗ lớn, trong 10 năm thì 90% có độ che phủ. Khi đó, chúng ta có nguyện vọng xây dựng trung tâm nội thất thế giới từ gỗ rừng trồng", Thủ tướng nói.

M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-phu/cham-dut-tinh-trang-dan-song-duoi-rung-nhung-kho-khan-tintuc423784