CHẬM GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG: ĐIỂM NGHẼN ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vẫn chậm, tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế, ảnh hưởng khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023; trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương đến đâu; cần có giải pháp đột phá cho vấn đề này… là ý kiến của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ trình UBTVQH đã nêu: Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, ước thanh toán đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%). Tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra nhận định: Công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm. Số giải ngân vốn đầu tư đến ngày 31/1/2023 đạt 80,63% kế hoạch (cùng kỳ 2021 đạt 78,08% kế hoạch), nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì đạt 92,97% (cùng kỳ 2021 đạt 95,11%); trong đó vốn trong nước đạt 96,17% (cùng kỳ 2021 đạt 102,94%), vốn nước ngoài đạt 42,47% (cùng kỳ năm 2021 đạt 32,85%). Có 27/52 bộ, cơ quan và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 80%, trong đó có 08 bộ,cơ quan và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, hệ thống pháp luật đã được tích cực rà soát, hoàn thiện trong những năm qua. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chính sách chưa có tiền lệ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội . Thực tiễn cho thấy cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau, ví dụ như vấn đề đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt; có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt.

Điều đáng nói, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh.

Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh nhận định, tiến độ giải ngân Chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp, khả năng khó hoàn thành mục tiêu đặt ra. Việc giải ngân đầu tư công trong đó có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn và đạt kết quả chưa như mong muốn.

Trong bối cảnh đó, vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các nguyên tắc, những giải pháp hữu hiệu về quản lý nhà nước về kinh tế cần phải được tăng lên để giải quyết những vấn đề khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ, nhưng Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần chỉ rõ địa chỉ làm tốt trong giải ngân vốn đầu tư công, địa phương nào làm chưa tốt để tránh tình trạng làm việc cầm chừng, việc đùn đẩy công việc. “Có tình trạng địa phương thấy khó làm quá thì có văn bản hỏi trung ương, hỏi các bộ, ngành. Bộ, ngành lại trích theo điểm a, điểm b của luật và đề nghị làm theo luật”, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu thực tế.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm bày tỏ lo ngại về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, ảnh hưởng rất lớn, làm chậm và tắc nghẽn trong việc triển khai thực hiện ở cơ sở và tổ chức thực hiện theo mục tiêu chương trình đặt ra. Do vậy, Chính phủ cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đĐẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của GDP, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy dẫn dắt đầu tư tư nhân phát triển thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc định hướng phát triển các ngành trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp nên để hoàn thành mục tiêu giải ngân trong những tháng cuối năm là sức ép rất lớn. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị, Công điện nhưng nếu không chỉ đạo quyết liệt và không có giải pháp quyết liệt thì giải ngân đầu tư công sẽ vẫn chậm chạp, ì ạch; cần phải có giải pháp về công tác cán bộ đối với những nơi chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75611