Chậm giám định trẻ bị xâm hại: Thủ tục hay đùn đẩy?

Chưa có thông tin chính thức về việc khởi tố vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy.

Chiều tối 18-4, nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho hay hiện cơ quan tố tụng quận 4, TP.HCM vẫn đang tiếp tục điều tra cẩn thận vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy.

Gian nan chuyện mẹ dắt con bị xâm hại đi giám định

Trong một diễn biến khác, sáng 18-4, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM đã tổ chức giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận Bình Tân. Báo cáo với đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Cẩm, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân, cho biết trong hai năm 2017 và 2018 trên địa bàn quận xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em (năm 2017: tám vụ, năm 2018: 10 vụ). Tất cả đã được CQĐT thụ lý và xử lý đúng quy định.

Tại buổi giám sát, đại biểu (ĐB) HĐND TP Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh một vụ trẻ bị xâm hại nhưng gặp khó khăn khi đi giám định. Đó là vụ một người mẹ có con gái năm tuổi bị xâm hại tại phòng trọ ở phường 14, quận Tân Bình vào ngày 14-4 mới đây. Người mẹ này dắt con đi từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm để giám định nhưng không được vì cơ quan này chỉ sang cơ quan kia. Hai mẹ con phải đi từ công an phường đến bệnh viện (BV), qua trung tâm pháp y, về lại công an quận rồi quay về công an phường… nhưng vẫn chưa giám định được.

“Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin khi trẻ bị xâm hại đã có. Vậy mà ngay giữa trung tâm TP, hai mẹ con phải đi lòng vòng suốt đêm thì đây là việc phải suy nghĩ. Việc giám định cần phải nhanh chóng, kịp thời mà phải đi lòng vòng thì còn gì để giám định? Người dân sẽ thấy họ không được bảo vệ” - ĐB Trâm nói.

Theo ĐB Tố Trâm, “công tác tuyên truyền đủ mọi hình thức mà người dân cảm giác họ không được bảo vệ, người phạm tội không được xử lý nghiêm khắc thì tuyên truyền coi như đổ sông đổ biển”.

Quang cảnh buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM tại quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

Quang cảnh buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM tại quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

“Vấn đề thủ tục chứ không phải đùn đẩy”

Về vấn đề này, ông Vương Anh Tài, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP), khẳng định: Khi bị xâm hại thì việc giám định pháp y phải được thực hiện ngay, hoàn toàn không được đùn đẩy. Bất cứ ngày đêm, có sự việc xảy ra cần giám định thì có thể gọi cho giám đốc trung tâm pháp y qua số điện thoại 0903001873 hoặc qua đường dây nóng của Sở Y tế… “Nhưng phải nói với công an quận để lập hồ sơ trưng cầu giám định. Đó là vấn đề để có đủ thủ tục chứ không phải đùn đẩy” - ông Tài phân trần.

Ông Tài cũng cho biết: Khi trẻ bị bạo hành, tất cả BV có chuyên môn đều có quyền giám định chứ không phải chỉ trung tâm pháp y. Còn nếu trẻ cần cấp cứu do không cầm máu được thì các BV chuyên sâu phải cấp cứu, chăm sóc điều trị ngay.

ĐB HĐND TP Trần Thị Hải Yến hỏi lại: Vậy phải có công an thì trung tâm pháp y mới giám định?

Lúc này Trung tá Nghiêm Văn Út, Phó Trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết: Khi có vụ việc xâm hại xảy ra thì công an phường đến tiếp nhận vụ việc ban đầu, công tác giám định được thực hiện cả ngày lẫn đêm, không có gì khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, phải có cơ quan công an đi cùng chứ nạn nhân không thể tự đi giám định.

Ông Chung Hùng Bang, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH TP), nhìn nhận quy trình xử lý vụ việc xâm hại trẻ em thì các ban, ngành liên quan chưa hiểu hết, hiểu sâu. “Nếu người dân lên BV trước thì BV có thể yêu cầu có giấy giới thiệu của công an là đúng chứ không phải sai. Tuy nhiên, nên có sự phối hợp, dẫn dắt, chỉ đạo, có thể khi phụ huynh đã đưa trẻ em đến BV để giám định thì BV có thể chủ động liên lạc với công an để hoàn thiện thủ tục hồ sơ và đảm bảo cho trẻ được giám định pháp y ngay chứ không thể đi chỗ khác” - ông Bang nói.

Rất tiếc, vụ việc nói trên xảy ra ở quận Tân Bình nên các câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng và hiện vụ việc vẫn đang được điều tra.

Không nên để trẻ ở nhà trọ một mình

“Rất nhiều vụ việc xâm hại xảy ra tại nhà trọ, như vụ mới xảy ra ở quận Tân Bình. Trẻ ở nhà trọ một mình không chỉ có nguy cơ bị người ngoài đến xâm hại mà bé có thể hiếu động đụng chạm đến mạch điện thì còn nguy hiểm nữa. Đây quả là điều bức xúc!” - ông Bang nói thêm.

Theo ông Bang, để tránh nguy cơ trẻ bị xâm hại cần xây dựng cơ sở giữ trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất miễn phí cho con của công nhân; con em của người dân nhập cư cũng cần được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, nói hiện nay tỉ lệ học sinh được học hai buổi/ngày ở quận Bình Tân chỉ đạt 30%, làm sao tăng thời gian này lên để tránh trẻ em ở trọ một mình. Bà Nhung gợi ý địa phương có thể rà soát, liên kết với các trường tư thục để đơn vị này giữ trẻ ở buổi thứ hai để dạy năng khiếu, ôn bài nhằm giải quyết việc trẻ ở nhà một mình vào buổi không đi học.

Chất lượng clip vụ ông Linh sàm sỡ không hề thấp

Liên quan đến vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, ngày 18-4, nguồn tin riêng của PV Pháp Luật TP.HCM cho hay về clip gốc vụ này khá rõ ràng. “Chất lượng clip ghi lại cảnh ông Linh gí ôm và hôn bé gái trong thang máy không hề thấp. Ngoài clip quay lại từ camera trong thang máy như đã biết, hiện còn có hai clip khác từ hai camera khác ghi lại hình ảnh liên quan đến vụ việc sàm sỡ này” - nguồn tin cho biết.

ANH TÚC

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cham-giam-dinh-tre-bi-xam-hai-thu-tuc-hay-dun-day-828764.html