Chậm hủy chuyến của hàng không Việt tăng, giảm thế nào trong 5 năm gần đây?

Trong giai đoạn từ 2015 đến hết tháng 8/2019, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện tổng cộng hơn 1,24 triệu chuyến bay...

Trong năm 2018, tỷ lệ đúng giờ của nhiều hãng hàng không nổi tiếng thế giới khác cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn với các hãng hàng không Việt Nam

Trung bình có 14,3% chuyến bay chậm

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không dân dụng quốc tế IATA, có khoảng trên dưới 100 nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến bay. Trong số này, ngoài nguyên nhân khách quan khó có thể can thiệp được như: thời tiết, chính trị, xung đột vũ trang… thì những nguyên nhân thuộc về chủ quan như: Kỹ thuật chưa đảm bảo, sắp xếp lịch bay chưa hợp lý, tổ bay, thủ tục hành khách, hành lý... là có thể khắc phục được.

Phó trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng không VN Vũ Hồng Quang cho biết, trong giai đoạn gần 5 năm, từ 2015 đến hết tháng 8/2019, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện tổng cộng hơn 1,24 triệu chuyến bay. Trong số này này, có 177,1 chuyến bay bị chậm chiếm 14,3% và 5.565 chuyến bay bị hủy chiếm 0,4%.

Chia theo các hãng hàng không, Vietnam Airlines thực hiện 581,8 nghìn chuyến với tỷ lệ chậm là 12,6%, hủy là 0,5%. Vietjet thực hiện 445 nghìn chuyến với tỷ lệ chậm là 16,1% và hủy là 0,2%. Jetstar Pacific Airlines thực hiện 150,8 nghìn chuyến với tỷ lệ chậm 19,2% và hủy là 0,7%. VASCO thực hiện 53,6 nghìn chuyến với tỷ lệ chậm 4,6% và hủy 1,5%.

Riêng Bamboo Airways mới khác từ đầu năm 2019 đã thực hiện trên 10 nghìn chuyến bay với tỷ lệ chậm là 6,5% và chỉ có 2 chuyến hủy chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Phân tích kỹ số liệu, ông Quang cho biết số chuyến bay chậm hủy của các hãng hàng không Việt thời gian gần đây đã có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu như năm 2015, tỷ lệ chuyến bay bị chậm của Vietnam Airlines là 14,2% thì đến năm 2018, con số này chỉ còn 10,8%. Tương tự, với Vietjet, con số này lần lượt là 17,4% và 15,8%. Tỷ lệ của Jetstar là 20,6% và 18,5%.

Đề cập đến nguyên nhân gây chậm hủy chuyến, ông Quang cho rằng, do khách quan từ thời tiết là yếu tố tác động trực tiếp tới tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là khi khai thác mạng đường bay tới các cảng hàng không địa phương.

“Với đặc điểm mạng cảng hàng không gồm 22 cảng kéo dài từ Bắc đến Nam, từ vùng đồng bằng tới vùng núi, vùng biển, cao nguyên, hải đảo... thời tiết biến động liên tục”, ông Quang nói và dẫn ví dụ về tình trạng sương mù dày đặc khiến máy bay không thể hạ cánh tại Điện Biên, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng giai đoạn tháng 2-4 hàng năm; Hay mùa mưa kéo dài tại khu vực phía Nam với các trận mưa lớn vào các buổi chiều. Cùng đó là các trận bão lớn, nhỏ xen kẽ đổ bộ vào đất liền từ Vịnh Bắc bộ theo dọc bờ biển vào đến miền Trung, Tây Nguyên.

“Đặc thù khai thác mạng đường bay nội địa nối tiếp nhau, chỉ một cảng hàng không bị ảnh hưởng của thời tiết khiến chuyến bay bị vòng chờ, chuyển hướng, hạn chế khai thác... sẽ kéo theo hàng loạt các chuyến bay tiếp nối bị ảnh hưởng vì nguyên nhân tàu bay về muộn”, ông Quang khẳng định.

Ngoài nguyên nhân khách quan, ông Quang cũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay, trong đó có việc hạ tầng hàng không, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất chưa được cải thiện.

“Mới quản chỉ số đúng giờ chuyến bay đi không khác gì sờ 2 chân trước của con voi”

Đề nghị Cục Hàng không VN phải đánh giá lại tình trạng chậm hủy chuyến thực tế của ngành hàng không Việt Nam, xem đang ở mức nào, so với thế giới và khu vực ra sao, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành nói: "Phải biết mình đang ở đâu mới có thể định hình chính sách quản lý vĩ mô sau này như thế nào".

Theo ông Thành, nhu cầu hành khách không gì khác ngoài 3 cụm từ “an toàn, giá hợp lý và đúng giờ”. Tuy nhiên, 3 yếu tố đó không song hành với nhau, được cái này mất cái kia. Để giữ uy tín với khách hàng, bản thân hãng hàng không đã phải tìm mọi cách để cân đối các yếu tố trên. Không hãng hàng không nào muốn mất uy tín với khách.

“Về cơ bản, tình trạng chậm hủy chuyến của ngành hàng không VN là ở mức trên trung bình so với toàn cầu và khu vực”, ông Thành nói và cho biết thêm: Riêng Vietnam Airlines đặt chỉ tiêu xấp xỉ 90%, một mức khá cao.

Khẳng định không hãng hàng không nào muốn chậm hủy, ông Trịnh Ngọc Thành cho hay: "Cần đặt mục tiêu cụ thể cho vấn đề này. Cục Hàng không yêu cầu các hãng đặt mục tiêu về tỷ lệ chậm hủy chuyến, vậy có đặt mục tiêu cho toàn bộ ngành không, cho các hãng không? Hãng nào không đạt mục tiêu thì Cục Hàng không cần thực thi chính sách giám sát đặc biệt và có chế tài kèm theo".

Ông Thành cũng đề cập đến là câu chuyện chỉ số đúng giờ chuyến bay đi và chuyến bay đến. Rõ ràng, tỷ lệ chuyến bay đến của Vietnam Airlines bao giờ cũng thấp hơn chuyến bay đi khoảng 10%. Điều này có nghĩa là có 10% chuyến bay đi đúng giờ nhưng lại không đến nơi đúng theo kế hoạch. Vậy nguyên nhân do đâu, nghẽn ở khâu nào, trên trời, hay dưới đất?

“Chúng ta hiện mới chỉ quản lý chỉ số đúng giờ chuyến bay đi mà không có quản lý chỉ số đúng giờ chuyến bay đến thì mới là sờ 2 chân trước của con voi mà chưa sờ đến 2 chân sau”, ông Thành cho hay.

Trước đó, đại diện Vietnam Airlines cho hay, để điều hành bay đúng giờ như mục tiêu đề ra, hãng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là: phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN triển khai tối ưu đường bay, phương thức bay. Phối hợp sắp xếp tàu bay vào bãi đỗ phù hợp với thứ tự cất cánh sáng hôm sau nhằm giải phóng tàu bay trong thời gian sớm nhất. Thực hiện bay sớm đối với các chuyến bay đầu ngày và các chuyến bay có thời gian quay đầu trên tiêu chuẩn. Triển khai đóng cửa máy bay sớm 5-10 phút; rút ngắn thời gian phục vụ mặt đất đối với các chuyến bay đến muộn nhằm giảm ảnh hưởng chậm chuyến dây chuyền. Đặc biệt, hãng chú trọng công tác bố trí nguồn lực dự phòng tàu bay, tổ lái, tiếp viên phù hợp, nhất là vào cao điểm bay hè, bay Tết…

Số liệu từ OAG (Official Airlines Guide - một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu, đánh giá và xếp hạng về hàng không, thành lập năm 1929, trụ sở chính đặt tại Anh) về chỉ số đúng giờ của 250 hãng hàng không lớn nhất thế giới cho thấy: Trong năm 2018, tỷ lệ đúng giờ của nhiều hãng hàng không nổi tiếng thế giới khác cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn với các hãng hàng không Việt Nam như: Qatar Airways là 85,17%, KLM là 84,52%, All Nippon Airways là 84,43%, Singapore Airlines là 83,46%, Delta Air Lines là 83,08%, Emirates là 81,44%...

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong năm 2018 với gần 1,1 triệu chuyến bay khai thác, số chuyến bay đúng giờ cũng chỉ đạt 79,48%, tương đương với trung bình cứ mỗi 5 chuyến bay thì có 1 chuyến bay chậm giờ.

T.Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cham-huy-chuyen-cua-hang-khong-viet-tang-giam-the-nao-trong-5-nam-gan-day-d435986.html