Chăm lo cho đời sống người dân

Những năm qua, nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, tạo lập cuộc sống ngày càng tốt hơn. Hành trình thoát nghèo của họ cũng lắm gian nan, nhưng không hề đơn độc. Bởi lẽ, đảng bộ, chính quyền các cấp trong huyện luôn đồng hành, tiếp sức và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

An cư trong những ngôi nhà mới

Vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi theo cán bộ địa chính ghé thăm các hộ dân tại Khu tái định cư xã Sơn Bua. Niềm phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của các hộ dân khi về nơi ở mới. Hơn 3 năm trước, một cơn bão lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp 6 ngôi nhà và đe dọa an toàn của hơn 30 hộ dân ở thôn Mang He, xã Sơn Bua. Trước tình hình đó, huyện Sơn Tây đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư xã Sơn Bua, nhằm bố trí nơi ở, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân. Đến nay, địa phương đã tổ chức phân lô, bốc thăm, giao đất để người dân làm nhà và đã có 18 hộ dân chuyển về đây sinh sống.

Khu tái định cư xã Sơn Bua (Sơn Tây) được đầu tư khang trang, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp.

Đang tất bật trộn xi măng xây công trình phụ của ngôi nhà mới, anh Đinh Văn Thang phấn khởi cho hay, tôi mới dựng xong ngôi nhà sàn và đang hoàn thiện những công trình phụ để ổn định chỗ ở lâu dài. Gia đình tôi và người dân rất biết ơn chính quyền huyện, xã đã quan tâm đến đời sống của người dân khi khó khăn. Huyện đã kịp thời di dời, bố trí đất để chúng tôi xây dựng nhà ở, không còn phải lo lắng vì sạt lở núi. "An cư rồi nên giờ chúng tôi phấn đấu phát triển kinh tế, nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn”, anh Thang vui vẻ nói.

Vợ chồng ông Đinh Văn Thông, ở thôn Đắk Lang, xã Sơn Dung là hộ nghèo, ốm đau thường xuyên. Cả 2 vợ chồng chỉ biết dựa vào vài sào ruộng để lo cho cuộc sống. Ngôi nhà sàn gắn bó với gia đình ông Thông gần 30 năm qua đã xuống cấp, không có kinh phí sửa chữa. Khi được huyện Sơn Tây hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà sàn mới từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, ông Thông không giấu được xúc động. "Năm nay, tôi đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe yếu dần, nên không dám nghĩ mình sẽ ở trong căn nhà mới như thế này. Tôi rất hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, là động lực để tôi sống vui, sống khỏe hơn", ông Thông bày tỏ.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Trước đây, trên những triền đồi, anh Đinh Văn Trị, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên chủ yếu trồng cây mì, cây keo. Năm 2019, nhờ được Sở KH&CN phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây hỗ trợ 2.500 cây chuối mốc, phân bón và truyền đạt kỹ thuật chăm sóc, mà chỉ sau gần 2 năm trồng, số chuối này đã sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, mang lại cho anh Trị nguồn thu nhập khá. Anh Trị cho biết, từ bao đời nay, tôi cũng như nhiều hộ dân ở vùng cao này chỉ biết làm kinh tế dựa vào cây mì, cây keo, nên thu nhập rất bấp bênh.

Ông Đinh Văn Thông (giữa), ở thôn Đắk Lang, xã Sơn Dung được huyện Sơn Tây hỗ trợ xây dựng ngôi nhà sàn mới.

Từ ngày được hỗ trợ giống chuối, tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, mà tôi đã thay đổi tư duy làm kinh tế, biết tận dụng lợi thế đất đai để cải tạo, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. “Trên 2ha diện tích chuối mốc, mỗi năm, tôi có thu nhập hơn 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn nhân cây giống để bán cho nhiều hộ dân ở các xã lân cận và một số hộ dân ở huyện Kon Plông (Kon Tum). Nhờ đó, tôi có nguồn thu nhập ổn định, nên đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn”, anh Trị cho hay.

Nếu như những năm trước, bà Đinh Thị Gun, ở thôn Đắk Trên, xã Sơn Dung luôn đối mặt với cuộc sống thiếu trước hụt sau, thì hiện nay đã đổi khác. Có được điều đó là nhờ năm 2020, bà Gun được huyện hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản. Đến nay, bò cái đã đẻ 2 lứa, sau khi trừ hết chi phí, bà Gun thu về gần 20 triệu đồng. Bà Gun phấn khởi chia sẻ, chồng của tôi mất đã lâu, một mình tôi vất vả nuôi 5 đứa con nên những năm qua, gia đình cứ đối mặt với nghèo khó. Cuộc sống của các con cũng không mấy khá giả. Nhờ có huyện hỗ trợ bò, cỏ giống và làm chuồng trại, mà tôi có thêm thu nhập an dưỡng tuổi già, không phải phụ thuộc vào con cháu. Từ ngày có thêm nguồn thu nhập, tinh thần cũng như sức khỏe của tôi tốt hơn rất nhiều.

Những năm qua, từ nguồn ngân sách huyện và nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, dự án khác nhau, huyện Sơn Tây đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thông qua việc hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân... Từ đó, đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây đã thay đổi nhận thức, tư duy và có điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 120ha cây ăn quả được trồng tập trung ở các xã Sơn Liên, Sơn Bua và Sơn Long, hiện đã cho thu hoạch.

“Huyện Sơn Tây có hơn 80% là người dân tộc Ca Dong, đời sống và trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Do đó, huyện Sơn Tây xác định việc chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện đã và đang huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức tốt các hoạt động an sinh xã hội, tạo đòn bẩy giúp người dân thoát nghèo, thay đổi cuộc sống tốt hơn. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm khoảng 5,5% theo chuẩn nghèo đa chiều”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh.

Tiếp tục triển khai nhiều mô hình, công trình

Nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng trọt mà nhiều hộ dân khó khăn ở Sơn Tây có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Sơn Tây sẽ tiếp tục nhựa hóa, bê tông khoảng 10km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Xây dựng hoàn thành 10 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 9 trường học trên địa bàn. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 200 hộ dân; tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 350 hộ là người dân tộc Kinh, Ca Dong thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: MỸ DUYÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/14484/202303/cham-lo-cho-doi-song-nguoi-dan-3162096/