Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục từ các chính sách đặc thù

Các chính sách hỗ trợ trẻ em bậc học mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT; giáo viên, nhân công chăm sóc bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học của Quảng Ninh thời gian qua đã thể hiện chủ trương đúng đắn trong phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung và phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Học sinh Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Minh Hà

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chủ trương, chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, đồng thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giáo dục đặc thù nhằm tạo cơ hội cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết về các chính sách đặc thù thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Trong đó có 8 nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, gồm: 3 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non; 4 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; 1 nghị quyết bổ sung một số đối tượng hưởng chính sách quy định tại các nghị quyết trên.

Các chính sách ban hành đã hỗ trợ trực tiếp vào các nội dung còn khó khăn, vướng mắc khi thực hiện phát triển giáo dục mầm non, phổ thông trong điều kiện kinh tế khó khăn của nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc, miền múi, hỗ trợ giáo viên mầm non.

Việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách trên trong những năm qua đã góp phần giúp các cấp học mầm non, phổ thông của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; tạo điều kiện cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn có cơ hội được học tập tốt hơn, góp phần phát triển bình đẳng giữa các vùng miền. Tỷ lệ huy động, tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày và chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục phát triển toàn diện đối với trẻ vùng miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.

Các nghị quyết được ban hành là điều kiện cần thiết để duy trì vững chắc và nâng cao chất lượng kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiểu học, THCS và nâng cao chất lượng sức khỏe trẻ em, giảm đáng kể tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, trẻ lưu ban, trẻ bỏ học. Các chế độ hỗ trợ ăn trưa đã góp phần nâng cao chất lượng ăn bán trú tại trường, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Các chế độ hỗ trợ học hè giúp trẻ được chăm sóc tốt hơn trong hè, cha mẹ yên tâm công tác.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, các chính sách của tỉnh hỗ trợ giáo dục đã từng bước đảm bảo công bằng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh; giúp sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt. Hệ thống các chính sách giáo dục đặc thù của Quảng Ninh được Bộ GD&ĐT đánh giá cao, được các địa phương trong cả nước đến trao đổi, học tập.

Một giờ lên lớp của thầy và trò Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ. Ảnh: Minh Đức

Theo con số thống kê của ngành Giáo dục, từ năm 2010 đến nay, đã có 73.029 lượt học sinh được hưởng các chính sách hỗ trợ từ các nghị quyết mà HĐND tỉnh đã ban hành, với kinh phí gần 95 tỷ đồng.

Tới đây, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành nghị quyết mới theo hướng hợp nhất các chính sách trên để đảm bảo phù hợp với các chính sách mới của Trung ương và của tỉnh về giáo dục; đồng thời kéo dài được các chính sách hỗ trợ giáo dục cho các xã, thôn đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nhưng đời sống, thu nhập của người dân chưa được nâng cao ngay lập tức; bổ sung thêm các đối tượng chưa có chính sách hỗ trợ…

Nếu được thông qua tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 của HĐND tỉnh sắp tới, nghị quyết mới về quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu được thực hiện từ ngay đầu năm học 2019-2020. Với số học sinh dự kiến trong năm học này, kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh là gần 60 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15 tỷ đồng/năm so với trước đây.

Qua đó, có thể thấy sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm hiện thực hóa mục tiêu hướng đến một nền giáo dục toàn dân, nơi mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201907/cham-lo-cho-su-nghiep-giao-duc-tu-cac-chinh-sach-dac-thu-2447217/