Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động

Tổ chức các phong trào thi đua; các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; các hội thi; xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa... của các tổ chức công đoàn thời gian gần đây đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân và người lao động (NLĐ).

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Giờ nghỉ giữa ca sáng của công nhân lao động (CNLĐ) Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam, Cụm công nghiệp xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai (Hà Nội) ngày đầu tuần khá nhộn nhịp. Nhiều NLĐ tìm cho mình một chỗ nghỉ ngơi, uống nước, tranh thủ đọc báo, lướt web hay trò chuyện cùng nhau. Theo bà Phạm Thị Ngọc Châu, Chủ tịch Công đoàn công ty: Từ đầu tháng 7, công ty bắt đầu tăng thêm 10 phút giờ nghỉ giữa ca, cả ca sáng và ca chiều để CNLĐ có thêm thời gian nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe. Hiện nay, công đoàn công ty có hơn 600 đoàn viên. Ngoài việc tăng giờ nghỉ, công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: Tổ chức sinh nhật cho CNLĐ, hội diễn văn nghệ vào dịp 8-3, 20-10, các cuộc thi, tiệc cuối năm... Tất cả đều hướng đến việc chăm lo tốt hơn cho CNLĐ, góp phần cải thiện đời sống tinh thần.

13 năm gắn bó với Tổ dây chuyền gia công khí của Công ty TNHH Sunhouse Việt Nam, anh Nguyễn Đình Vượng chia sẻ về những năm đầu anh về công ty, lúc đó công ty mới thành lập nên hoạt động còn chưa nhiều. Những năm gần đây, công ty ngày một phát triển, đời sống tinh thần CNLĐ nhờ thế mà được nâng cao. Anh Vượng xúc động nhớ đến ngày sinh nhật được công ty tổ chức, rồi buổi trao phần thưởng học sinh đạt thành tích khá, giỏi trong năm học vừa qua cho con em Tổ dây chuyền gia công khí-nơi anh đang làm việc. “Món quà hay phần thưởng tuy nhỏ nhưng mang lại cho tôi giá trị tinh thần rất lớn. Tôi thấy NLĐ được công ty trân trọng”, anh Vượng tâm sự.

Công nhân lao động tại điểm đọc báo của Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, Hà Nội.

So với hơn một năm trước, đời sống văn hóa, tinh thần của NLĐ làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) đã có nhiều cải thiện. Tổ chức công đoàn của các công ty trên địa bàn đã chú trọng triển khai các hoạt động nhằm chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), cho biết: "Hằng năm, công đoàn công ty đều tổ chức nhiều sự kiện cho CNLĐ như: Hội diễn văn nghệ mừng các ngày lễ lớn, thể dục-thể thao, hội thi nấu ăn... Đại hội Thể dục-Thể thao của công ty vừa kết thúc thu hút hơn 900 CNLĐ tham gia. Đây là hoạt động hằng năm diễn ra trong hai tháng với nhiều bộ môn thi đấu như: Bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông...

Nhân rộng các điểm sinh hoạt văn hóa

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Quốc Oai hiện có 141 công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 6.552 NLĐ. Theo ông Bùi Văn Thụy, cán bộ phụ trách tuyên giáo LĐLĐ huyện Quốc Oai: Những năm qua, công đoàn từ huyện tới cơ sở thường xuyên làm tốt công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, LĐLĐ huyện chú trọng tới lợi ích NLĐ. Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện, bữa ăn giữa ca của CNLĐ đã được bảo đảm từ 20.000 đến 25.000 đồng/suất, đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 07C/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của NLĐ.

Thành lập các điểm sinh hoạt văn hóa là mục tiêu và giải pháp của LĐLĐ TP Hà Nội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Đây là mô hình sinh hoạt văn hóa cho kết quả tốt, đáp ứng nguyện vọng của CNLĐ, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội trong công nhân. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội cho biết: "Hiện nay, LĐLĐ thành phố đã thành lập 34 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trong đó 29 điểm tại đơn vị, doanh nghiệp; 3 điểm tại khu dân cư và 2 điểm tại KCN. Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa này còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho CNLĐ. Trong năm 2017, 34 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân của LĐLĐ thành phố đã duy trì hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, người lao động Thủ đô.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cham-lo-doi-song-van-hoa-tinh-than-cho-nguoi-lao-dong-545605