Chăm lo gia đình - nền tảng xây dựng xã hội phát triển lành mạnh

Trước những tác động sâu sắc của quá trình toàn cầu hóa hiện nay, gia đình và văn hóa gia đình đang đứng trước nhiều thách thức cần phải giải quyết.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có những chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân về công tác quản lý gia đình thời gian qua.

Phóng viên (PV): Năm 2006, công tác quản lý Nhà nước về gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em được đưa về Bộ VHTT&DL. Sự thay đổi đó khiến công tác quản lý Nhà nước về gia đình có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa bà?

Bà Trần Tuyết Ánh: Phải khẳng định rằng, công tác quản lý Nhà nước về gia đình thời gian qua có rất nhiều thuận lợi khi những vấn đề của gia đình được gắn với các vấn đề của văn hóa. Chính gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa. Mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình là văn hóa gia đình. Mối quan hệ ứng xử này quyết định gia đình có hạnh phúc không, có giảm bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình hay không. Đây là động lực để phát triển gia đình, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Một gia đình trẻ tham gia Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2018. Ảnh: LAN DỊU.

Hiến pháp năm 2013 có 7 điều quy định liên quan đến gia đình. Điều đó cho thấy vai trò của gia đình ngày càng được quan tâm. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP quy định về công tác gia đình, đây được coi là “xương sống” của quản lý Nhà nước về gia đình và chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó công tác gia đình có khoảng 20 bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về gia đình được đặt trong một bộ nên chức năng, nhiệm vụ chỉ hạn chế ở cấp vụ, trực thuộc bộ về mọi mặt. Chẳng hạn, về kinh phí hoạt động từ Trung ương tới địa phương đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra. Lĩnh vực gia đình chỉ được 0,49% chi từ ngân sách của Bộ VHTT&DL. Ở địa phương, lĩnh vực gia đình cũng chưa có riêng mục chi thường xuyên nên thường phải lồng ghép với chương trình khác như Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… để có kinh phí chi cho các hoạt động. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước về gia đình thiếu nhân sự ở cả Trung ương và địa phương cũng là trở ngại lớn để thực hiện nhiệm vụ...

PV: Năm 2018, công tác gia đình hướng vào những vấn đề trọng tâm nào, thưa bà?

Bà Trần Tuyết Ánh: Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tháng 6, Bộ VHTT&DL tổ chức chuỗi hoạt động, sự kiện phong phú, như: Sơ kết 5 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại Việt Nam lồng ghép với sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 11/2013/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; Ngày hội Gia đình Việt Nam; Chương trình “Gia đình chạy vì tương lai”; sinh hoạt chuyên đề “Giá trị văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”; tuyên truyền cổ động trực quan về chủ đề và thông điệp Ngày Gia đình Việt Nam… Ngoài ra, tại khu vực phía Nam tổ chức Ngày hội Gia đình miền Đông Nam Bộ thường kỳ hằng năm. Tại ngày hội này, 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ luân phiên đăng cai tổ chức và mời các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch...

PV: Để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, theo bà chúng ta cần những thay đổi gì?

Bà Trần Tuyết Ánh: Dưới tác động của thời kỳ bùng nổ thông tin và cuộc sống xã hội hiện đại, những luồng văn hóa ngoại lai, tệ nạn xã hội từng giờ, từng phút đều có thể tác động tới gia đình. Tuy xã hội đã có những thay đổi đáng kể về nhận thức, nhưng nhiều người cho rằng vấn đề gia đình chưa đến mức cấp bách, quan trọng như giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội khác. Thực tế cho thấy, nếu từng thành viên không quan tâm tới tổ ấm của mình, gia đình trục trặc thì chưa nói đến những vấn đề khác, bản thân mỗi người trong gia đình sẽ bị ảnh hưởng tới cuộc sống, tâm lý, tình cảm, sức khỏe… Đó là những vấn đề nhỏ nhưng có thể gây ra những tác động lớn đến sự phát triển lành mạnh của mỗi công dân và toàn xã hội.

Xu hướng quản lý Nhà nước là không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, giới tính, tất cả đều được tuyên truyền giá trị cốt lõi của văn hóa trong gia đình. Dù gia đình một thế hệ, nhiều thế hệ, hay gia đình đơn thân… đều có những giá trị chung truyền thống cần được bảo tồn vì họ đều có một tổ ấm để về, để nương náu và là động lực trong cuộc sống. Lĩnh vực gia đình rất rộng, hầu như tất cả những gì liên quan tới gia đình đều gắn với vấn đề của xã hội. Vì vậy, quản lý gia đình cũng cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chăm lo xây dựng gia đình là góp phần xây dựng xã hội phát triển lành mạnh.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

HUY AN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cham-lo-gia-dinh-nen-tang-xay-dung-xa-hoi-phat-trien-lanh-manh-542529