Chăm lo người cơ nhỡ

Những ngày đại dịch COVID-19, cuộc sống người bình thường khó khăn thì cuộc sống người lang thang cơ nhỡ lại khốn khó hơn nhiều. Không thể về quê lại không biết mưu sinh bằng cách gì, chị Nguyệt làm nghề ve chai hỏi tôi: 'Có cách gì để nhận trợ cấp không bác?'.

Chị Út sống trong ngõ, không có nhà để trú tránh Covid-19

Một tuần kiếm được 18.000 đồng

Chị Nguyệt sinh năm 1967, quê ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh lên TPHCM thu lượm ve chai giấy lộn để mưu sinh. Những ngày bình thường, chị có thể kiếm được một trăm ngàn từ công việc mà không mấy người thành phố làm này. Nhưng dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã làm đảo lộn tất cả. Các cửa hàng đóng im ỉm, quán cà phê vắng tanh và cả những siêu thị cũng cả tuần… không có rác.

Sáng 31/3, chị ghé Siêu thị Lotte ở quận 7 để gặp mối hàng là một cô bé bán hàng trong siêu thị. Cô bé bê ra cho chị Nguyệt một mớ bao bì bỏ đi và bán cho chị tổng cộng 18kg với giá 18.000 đồng. Chị Nguyệt nói: “Suốt cả tuần nay đi khắp nơi không tìm ra ve chai, mãi tới hôm nay mới mua được chỗ này bác ạ”. Người thu mua đồng nát bảo: “Cứ mỗi cân em lời được 500 đồng chứ bao nhiêu đâu, mà chờ mãi mấy hôm mới gom được ngần này”. Nói xong, chị lại buông thêm một câu: “Nhưng bây giờ các vựa thu mua đồng nát đều đóng cửa hết rồi. Nhà em không biết phải làm gì với chỗ giấy vụn này!”.

Vợ chồng chị Nguyệt đều là những người đến thành phố từ một xã nghèo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chồng chị làm thợ hồ, đã thất nghiệp từ khi dịch nổ ra. Chị thì giờ chẳng thể nào tìm ra đồng nát nữa, khi mà các cơ sở sản xuất, những cửa hàng buôn bán đều đóng cửa hết cả rồi.

Hỏi đường về quê, chị Nguyệt bảo: “Chúng em muốn về cũng khó, vì giờ hạn chế đi lại, không tìm được xe về quê. Mà về quê cũng không biết sống bằng gì. Nếu sống được, chúng em đã chẳng lên đây đi làm phu hồ”.

Chị nhẩm tính, tiền ăn, tiền thuê nhà trọ mỗi ngày. Tính đến đâu thì ruột lại đau như cắt. Chị cứ hỏi: “Em nghe nói có tiền chính phủ, thành phố cho người nghèo, vậy chúng em là dân ngoại tỉnh, chúng em có được gì không?”. Tôi động viên chị: “Đã là chính sách thì ai là người Việt Nam trong diện được hưởng thì sẽ được thôi”.

Bán vé số cũng thất nghiệp

Xưa nay có câu “Thất nghiệp thì đi bán vé số” không ngờ có ngày đại dịch do vi rút corona gây ra, bán vé số cũng chịu cảnh thất nghiệp.

Thật là người quận 8, bị khuyết tật, nhà lại bị giải tỏa, thường bán vé số để nuôi ba đứa con thơ. Vợ anh chẳng làm gì vì phải trông ba đứa con, đứa lớn nhất mới 10 tuổi. Hôm nay, Thật ngồi bệt bên vệ đường, nhìn trời đất thở dài bảo: “Từ ngày mai, ngày mồng Một tháng Tư, vé số ngừng phát hành. Còn bán ngày hôm nay nữa thôi, nhưng em và mọi người buồn nản quá, không ai nhận vé số để bán nữa”.

Ngày bình thường, Thật bán vé số kiếm được 400-500 ngàn đồng. Đùng một cái, giờ các nhà tổ chức vé số đồng loạt ngừng bán số để phòng chống lây lan dịch, Thật phải chuyển sang bán kẹo.

Ít nhất phải tới giữa tháng Tư, các nhà phát hành vé số mới mở số trở lại. Sau một ngày bán kẹo thay cho vé số, Thật cho biết: “Từ thu nhập mỗi ngày 500 ngàn, giờ em có thu nhập mỗi ngày 20 ngàn!”.

Có lẽ thời bây giờ chẳng mấy ai còn mua kẹo từ những người bán dạo. Mua vé số là để cầu may, có người ngày ngày bỏ tiền triệu ra mua vé số, chứ chẳng ai lại suốt ngày đi ăn kẹo.

Thật nói: “Hàng tháng em nhận được tiền hỗ trợ người khuyết tật do thành phố cấp, nhưng số tiền ít ỏi, không đủ nuôi con. Giờ cả nhà nhìn vào mình em mà em lại thất nghiệp thế này, không biết phải sống ra sao”.

Mong một mái nhà

Chị Út là một người “vô gia cư” ở phường Cầu Kho, quận 1. Chị có hộ khẩu ở phường nhưng không có nhà nên cả chục năm nay sống trong ngõ. Kéo một cái mái lợp ra, che chắn bằng những tấm ván bỏ đi, đó chính là “nhà của chị”. Sáng sớm, dẹp mớ ván cũ, thành nơi bán giải khát. Những khi trời mưa thì nước ngập đến giường xếp. Hai mẹ con sống vậy từ lúc đứa con thơ dại nay nó đã trưởng thành.

Chị Út than vãn: “Dịch bệnh xảy ra, con trai tôi đang làm ở cảng, đâm ra thất nghiệp. Tôi thì bán nước trong ngõ, thực hiện chủ trương hạn chế tụ tập nên tôi chỉ dám bày ra vài cái ghế thôi. Mỗi ngày bán được có mấy khách”.

Nghe có chủ trương: “Nhà nào ở yên nhà đó để phòng chống dịch COVID-19”, chị Út bảo: “Mẹ con tôi chỉ mong có cái nhà ở. Nhưng chúng tôi không có nhà để mà về đâu. Chẳng biết đến khi nào chúng tôi mới có nhà”.

Năm trước, ngoài mẹ con chị Út thì còn một bà cụ nữa cũng che mái tạm mà ở trong ngõ. Mấy bà cháu đêm hôm thăm hỏi nhau. Nhưng nghe chị Út bảo “bà cụ đã bệnh mà chết rồi”. Bà cụ chết ở trong viện, nhưng đến lúc chết thì bà cũng chẳng có nhà đâu. Cuộc sống người ta lúc về già, gặp phải biến cố, thân cô thế cô chẳng biết nhờ cậy vào ai. Chị Út bảo: “Tôi trông chờ vào đứa con, nhưng gặp phải dịch COVID-19, nó lại đang thất nghiệp”.

Gần một tuần dịch bệnh gia tăng, chị Nguyệt không thu mua được đồng nát, giấy vụn

Quan tâm đến “những người dễ bị tổn thương”

Ngày 30/3, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn đã yêu cầu Phòng LĐTB-XH 24 quận, huyện và các đơn vị liên quan “quyết liệt tập trung những người lang thang cơ nhỡ vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, không để lang thang trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở LĐTB - XH rà soát các đối tượng là người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn thành phố để “hỗ trợ nơi lưu trú, khám và theo dõi sức khỏe”, cũng như đề xuất phương án “hỗ trợ kịp thời cho những người làm nghề bán vé số” bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng phát hành sổ số kiến thiết.

Bình Dương: Nếu khó khăn cứ lấy một phần

Nhiều tiểu thương ở Bình Dương chuẩn bị sẵn những phần quà là nhu yếu phẩm để ngay trước cửa tiệm với tấm bảng ghi “nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.

Cửa hàng tạp hóa chuẩn bị quà cho người gặp khó khăn

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong ngày 31/3, nhiều cửa hàng tạp hóa và cả nhà dân xuất hiện nhiều phần quà được chuẩn bị sẵn. Có hàng trăm phần thực phẩm như mì gói, đường, bột ngọt, bánh… được đặt ngay ngắn trước cửa tiệm tạp hóa, nhà dân. Tại phường Thới Hòa, TX Bến Cát, có một cửa hàng tạp hóa ở đường DK5A đã chuẩn bị hàng trăm gói quà. Họ để sẵn quà trước cửa tiệm với bảng ghi “nếu khó khăn cứ lấy một phần”. Chủ cửa hàng nói rằng, họ phải thuê ki-ốt, kinh doanh khó khăn, nhưng trong bối cảnh này sẽ có nhiều người khó khăn hơn.

Một số cửa hàng tạp hóa, nhà dân ngay trung tâm TP Thủ Dầu Một cũng chuẩn bị sẵn hàng trăm phần quà để nơi người dân dễ thấy mà không cần phải hỏi. “Mình khổ một, người ta khổ mười nên hỗ trợ nhau để mọi người cùng vượt qua thời dịch bệnh”, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ TP Thủ Dầu Một) nói.

Hỗ trợ công nhân, người bán vé số

Theo thống kê, Bình Dương hiện có hơn 200 khu nhà trọ miễn giảm tiền thuê cho công nhân. Một số chủ trọ giảm từ 20-50% tiền thuê, số khác miễn hoàn toàn tiền thuê phòng 2 tháng. Đặc biệt, có 2 cơ sở hứa với công nhân sẽ miễn phí tiền thuê trọ cho đến khi có thông báo hết dịch COVID-19.

Một số đại lý vé số đã hỗ trợ người bán vé số dạo khi công ty vé số ngưng phát hành. Đại lý vé số tên Thùy Dương ở TP Thủ Dầu Một đã phát tặng 300 phần quà cho người bán vé số dạo. Mỗi phần quà có tiền mặt 500 ngàn đồng và 1 thùng mì gói.

Công ty Cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường (TP Thủ Dầu Một) đã mua 5 tấn gạo kèm đường, dầu ăn… tặng công nhân phụ hồ trong thời gian cách ly. Tổng Công ty Becamex IDC đã ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 và giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn với số tiền 2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 15 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ở Bình Dương đã đăng ký hỗ trợ phòng, chống dịch với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Trần Nguyên Anh- Hương Chi

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cham-lo-nguoi-co-nho-1633201.tpo