Chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số(DTTS) vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Bác sĩ Khoa Phụ sản (Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu) thăm khám cho phụ nữ mang thai.

Hiện Quảng Ninh có trên 162.500 người DTTS sinh sống, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, bản tại 113/186 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, trong đó có 208 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Huyện miền núi Bình Liêu hiện có tới 96% đồng bào DTTS sinh sống. Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu nỗ lực đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm hiện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mà trước đây chưa thực hiện được, như: Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, chụp cắt lớp, nội soi tai mũi họng, nội soi tiêu hóa, nội soi cổ tử cung, siêu âm 4D, phẫu thuật kết hợp xương... Các hoạt động dự phòng các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, béo phì, đái tháo đường, ung thư... được hướng dẫn, phát hiện sớm, điều trị, quản lý bệnh nhân tại cộng đồng, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân tại địa phương.

Bác sĩ Ngô Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, cho biết: Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó, Trung tâm tập trung đầu tư trang thiết bị, xây dựng đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế vừa có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức trong sáng, vừa có ý thức phục vụ nhân dân và người bệnh vô điều kiện, thể hiện đúng bản chất “lương y như từ mẫu”. Qua đó bảo đảm mọi người dân khi đau ốm đều được chăm sóc, chẩn đoán, chữa trị chu đáo; trong đó đặc biệt quan tâm đến người nghèo, đồng bào DTTS.

Bác sĩ CKI Bùi Văn Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, siêu âm thai kỳ cho phụ nữ mang thai.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Y tế đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến tỉnh (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa khu vực Cẩm Phả) thực hiện hỗ trợ toàn diện cho 4 Trung tâm Y tế tuyến huyện khó khăn là Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô, Ba Chẽ. Trong năm 2019, công tác hỗ trợ, chỉ đạo tuyến đã huy động vào cuộc cả hệ thống, gồm các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương và đơn vị y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị tuyến dưới. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vimec Hạ Long hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn...

Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao được tăng cường cho y tế cơ sở, trực tiếp tham gia công tác chuyên môn và quản lý tại một số địa bàn khó khăn. Ngành Y tế tỉnh còn quan tâm đào tạo, hỗ trợ chuyên môn; duy trì hoạt động của hệ thống Telemedicine để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, hội chẩn chuyên môn, hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa. Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện: Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả..., phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nâng cấp mở rộng vào cuối năm 2019; Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên khởi công dự án trong năm 2019. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh được nâng cao. Tại tuyến huyện, các đơn vị đã thực hiện được hầu hết những kỹ thuật theo tuyến, gần 20% kỹ thuật tuyến tỉnh, giảm chuyển người bệnh lên tuyến trên, từng bước giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS cơ bản được chữa bệnh ngay tại địa phương.

Đoàn Thanh niên Sở Y tế và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám bệnh lưu động và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu).

Cùng với đó, trung tâm y tế các địa phương phối hợp với các bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh lưu động, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân; trong 9 tháng năm 2019 đã tổ chức 14 đoàn khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 11.500 lượt người dân, chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn 39 xã khó khăn. Dự kiến năm 2019 sẽ khám bệnh lưu động cho khoảng 15.500 lượt người, qua đó sàng lọc, phát hiện, tư vấn cho hàng nghìn trường hợp người dân bị mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn. Tại Quảng Ninh, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt từ 80% (năm 2015) đến năm 2018 là 94,3% (cả nước đạt 87,5%), các vùng DTTS, miền núi, vùng khó khăn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 100%; có 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (tiêu chí mới).

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Tuấn khẳng định: Công tác khám, chữa bệnh ở các trung tâm y tế, trạm y tế vùng đồng bào DTTS đã phát huy được hiệu quả, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương, với chất lượng chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác chỉ đạo tuyến, phân công bác sĩ giỏi về cơ sở, duy trì khám chữa bệnh lưu động, mở rộng các dịch vụ y tế chất lượng về cơ sở...

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/cham-lo-suc-khoe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2460105/