Chậm ra nghị định, ai phải bồi thường thiệt hại?

Để các giao dịch nhà, đất đỡ ách tắc trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ cho phép các địa phương đăng bộ trên những mẫu giấy cũ.

Song đến giờ Chính phủ vẫn chưa phản hồi, đồng nghĩa với việc đang có rất nhiều người dân chưa thể thực hiện các quyền luật định đối với nhà, đất của mình. Theo Luật Nhà ở, quyền sở hữu nhà được chuyển giao cho người mua kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng được công chứng. Lý là vậy nhưng trên thực tế, người mua vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận là chủ sở hữu nhà nếu chưa hoàn tất khâu đăng bộ và được cấp giấy chứng nhận. Tại thời điểm này, khâu đăng bộ nếu được tháo gỡ thì cũng chỉ là một phần vướng mắc được giải quyết mà thôi. Vì khi nhà, đất đó được tiếp tục mang ra giao dịch thì cũng như những trường hợp chưa có miếng giấy “lận lưng”, người nhận chuyển nhượng buộc phải chờ cấp giấy mới. Là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ xây dựng luật. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện luật thông qua việc ban hành nghị định (do các bộ soạn thảo) quy định chi tiết thi hành luật. Từ mối liên hệ hết sức chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp cũng như những thứ tự trước sau tất yếu nói trên, trước khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định với báo chí: “Bộ đã thiết kế mẫu giấy mới để đưa vào sử dụng khi luật sửa đổi có hiệu lực”. Cam kết này chẳng qua là việc tuân thủ Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của luật cũng như việc ban hành các văn bản hướng dẫn đều nằm trong tầm kiểm soát và các cơ quan hữu quan được quyền chủ động sắp xếp. Nếu vì những nguyên nhân khách quan mà chưa thể trình Chính phủ sớm ban hành nghị định, tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan được phân công dự thảo nghị định) không tiên liệu, trình báo để Quốc hội lùi thời điểm có hiệu lực của toàn bộ luật (hoặc chỉ riêng phần cấp giấy chứng nhận mới) để không dẫn đến các ngưng trệ, xáo trộn? Ban hành văn bản pháp luật sai có thể làm giảm 10%-15% GDP của cả nước. Nhưng chậm ban hành văn bản khiến việc thực thi pháp luật bị trễ nãi cũng có thể gây ra những thiệt hại tương ứng hoặc cao hơn. Với việc luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực ngày 1-8 mà hơn tháng nay vẫn chưa có nghị định (nghe đâu sớm nhất cũng phải đến đầu tháng 10 mới có), Chính phủ đã có lỗi đối với dân và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì có lỗi với Chính phủ do không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng ai phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại phát sinh?

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=268567