Chậm rãi thị trường liên ngân hàng

Trong quá khứ, thị trường liên ngân hàng từng là nơi các ngân hàng kiếm chênh lệch lãi suất với mức lợi nhuận cao, nhưng nay thì ngược lại. Điều này có thể thấy qua khoản mục đi vay và cho vay các tổ chức tín dụng khác tại các ngân hàng.

Tỉ lệ tổng quy mô đi vay và cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng trên tổng tài sản của một số ngân hàng

Tại VietinBank, chẳng hạn, báo cáo tài chính nửa đầu năm cho thấy khoản mục cho vay các tổ chức tín dụng (trong phần Tài sản) tính đến tháng 6.2014 là hơn 645 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 45.000 tỉ đồng và hơn 13.000 tỉ đồng vào thời điểm giữa và cuối năm ngoái. Trong khi đó, tại Eximbank, khoản mục đi vay các tổ chức tín dụng khác (trong phần Nợ) lại giảm tới 66,35% so với cùng kỳ, theo báo cáo tài chính quý II/2014.

Những con số đại diện trên phần nào cho thấy hoạt động đi vay và cho vay trên thị trường liên ngân hàng đang giảm dần và có vẻ như các ngân hàng đang khá hững hờ với thị trường này.

Thị trường liên ngân hàng vốn là thị trường dành riêng cho các tổ chức tín dụng với mục tiêu chính là trợ giúp thanh khoản lẫn nhau trong ngắn hạn. Đó là lý do vì sao phần lớn các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 tuần, trong đó chủ yếu là các khoản vay qua đêm. Cũng có những khoản vay có kỳ hạn dài hơn, nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ.

Hiện nay, nhu cầu vay mượn trên thị trường liên ngân hàng đang giảm dần. Theo thống kê của NCĐT, tổng quy mô cho vay và đi vay lẫn nhau của 8 ngân hàng niêm yết đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, tỉ lệ quy mô vay và cho vay trên tổng tài sản của các ngân hàng này đã giảm về mức 7,86% trong quý II/2014, trong khi năm 2013 là ở mức 10,39% và năm 2012 là 14,1%.

Các ngân hàng nhỏ cũng nằm trong xu hướng này. Chẳng hạn, ở Ngân hàng Kiên Long, quy mô vay và cho vay lên đến gần 4.300 tỉ đồng vào cuối năm 2013 đã giảm về mức hơn 1.200 tỉ đồng vào cuối quý II/2014. Tương tự với trường hợp của LienVietPostBank, OceanBank hay OCB.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 9, lãi suất bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống dao động trong khoảng từ 2,30%-3,42%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn mức lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng hiện nay và cũng thấp hơn mức lãi suất trái phiếu chính phủ (hiện phổ biến quanh mức 5%). Vì thế, dễ hiểu vì sao thị trường ngân hàng trở nên yên bình đến thế. Sự bình yên này khác hoàn toàn với khoảng thời gian 3 năm trước đây.

Năm 2011, các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có lúc lên đến mức 25%. Khi đó, các ngân hàng có vốn dư giả trong tay đã đem đi cho vay để hưởng chênh lệch. Một số thậm chí xem đây là cơ hội để kinh doanh mà quên một điều rằng thị trường này chỉ là nơi giải quyết thanh khoản tạm thời. Khi không vay được trên thị trường này (một phần do lãi suất quá cao), không ít ngân hàng buộc phải huy động ở thị trường dân cư với lãi suất lên đến gần 20% để đảm bảo thanh khoản cho mình. Hệ quả là sự rối loạn lãi suất ở thị trường tiền tệ.

Nhưng giờ tình hình đã khác khi mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh. Đến năm 2013 và qua nửa đầu năm 2014, khi thanh khoản trong hệ thống đã ổn định trở lại và vốn huy động ở các ngân hàng ngày càng dồi dào hơn thì thị trường liên ngân hàng cũng “vắng lặng” hơn trước.

Ngoài yếu tố thanh khoản đã ổn định, thị trường liên ngân hàng trở nên yên ắng một phần là do Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2012. Thông tư này quy định lại một số hoạt động trên thị trường liên ngân hàng nhằm thiết lập lại nguyên tắc cho cuộc chơi trên thị trường này. Cụ thể là quy định bắt buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro khi cho vay và có hợp đồng mua bán cũng như tài sản thế chấp. Trước đây, giao dịch chủ yếu là tín chấp và tình trạng nợ xấu xảy ra thường xuyên trên thị trường. Ngày nay, ít có ngân hàng nào nợ quá hạn 10 ngày nếu vẫn muốn tiếp tục giao dịch trên thị trường.

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, việc thị trường liên ngân hàng ổn định như hiện nay là một điều tốt vì nó cho thấy các ngân hàng đang thừa vốn. Nhưng ông cũng cho biết điều đó chưa thể khẳng định thị trường liệu có tránh được tình huống thất bại như đã xảy ra trong quá khứ.

Trước đây, một số ngân hàng gặp khó khăn không trả được nợ trên thị trường liên ngân hàng, dẫn đến việc nhiều ngân hàng khác thận trọng cho vay, gây méo mó bản chất của thị trường liên ngân hàng, với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ ngân hàng thặng dư sang ngân hàng thiếu hụt tạm thời. Vì vậy, theo ông Tuấn, chừng nào các ngân hàng khó khăn không thể đi vay vốn khả dụng thì coi như thị trường thất bại.

“Hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn và thị trường chưa thể kiểm chứng được mức độ đảm bảo thanh khoản của thị trường liên ngân hàng. Do đó, vấn đề nằm ở bản thân các ngân hàng chứ không phải thị trường liên ngân hàng”, ông Tuấn nhận xét.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=21395-cham-rai-thi-truong-lien-ngan-hang