Chăm sóc cây có múi Khoa học, đúng thời điểm

Toàn tỉnh hiện có hơn 8.240 ha cam, hơn 5.272 ha cam, hơn 945 ha chanh. Hiện nay, nhóm cây có múi này đang trong giai đoạn ra hoa rộ và nuôi trái non. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng cả vụ. Giai đoạn này quả non rất dễ bị tác động bởi côn trùng, nấm bệnh. Do đó, người dân cần phải chăm sóc cây đúng quy trình, kỹ thuật để có một vụ bội thu.

Ông Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) phun chế phẩm vi sinh diệt trừ sâu bệnh trên cây bưởi.

Ông Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) phun chế phẩm vi sinh diệt trừ sâu bệnh trên cây bưởi.

Tại các diện tích cam sành của huyện Hàm Yên đã phủ một màu xanh của chồi non và điểm những chùm hoa trắng. Cây cam đang thời kỳ ra hoa rộ. Theo ông Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên), đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất của cả vụ cam, bởi vậy khâu chăm sóc cây trong thời kỳ này được người trồng cam đặc biệt quan tâm. Gia đình ông Hùng có 1 ha cam được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, ngay sau khi thu hoạch quả vụ trước, gia đình tiến hành tỉa cành và vệ sinh vườn, quét vôi quanh gốc để phòng trừ sâu bệnh xâm lấn; cỏ quanh gốc cam được để nguyên để giữ độ ẩm cho cây. Cây cam thời kỳ này cần nhiều dinh dưỡng, do vậy gia đình ông bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục để phục hồi chất dinh dưỡng cho cây ra chồi non trổ hoa. Để kích thích cây ra hoa, gia đình thường xuyên nước tưới cho diện tích cam ra hoa tự nhiên mà không dùng bất kỳ loại thuốc hóa học nào để kích thích cây. Ông Hùng nhận định, năm nay thời tiết thuận lợi mưa nhiều cam ra hoa sai hứa hẹn thêm vụ cam được mùa.

Cùng với việc chăm sóc cam, thời điểm này người dân huyện Hàm Yên đang tập trung chăm sóc hơn 914 ha chanh đang thời kỳ nuôi quả non. Ông Nông Văn Chuyền, thôn Pá Han, xã Phù Lưu cho biết, nếu chăm sóc tốt mỗi cây chanh từ 5 năm tuổi trở lên có thể cho thu từ 80-100kg quả mỗi năm, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg. Với 1.000 gốc chanh tứ thì của gia đình, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Thời điểm này diện tích chanh của gia đình đã đậu quả và nuôi quả non, giai đoạn này cây cần nhiều chất dinh dưỡng như kali, đạm, khoáng chất… Tranh thủ thời tiết mưa ẩm, gia đình bón phân để cây hấp thu chất dinh dưỡng nhanh hơn, cùng với đó trên cây chanh đã xuất hiện một số sâu bệnh hại như bọ xít nâu, rệp, thán thư, nhện đỏ… Những loại sâu bệnh này chích, hút làm rụng quả non.

Đối với cây ăn quả có múi thời điểm này là thời quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cả vụ, do vậy ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu của sâu bệnh hại, tùy thuộc vào mức độ để có các biện pháp diệt trừ.

Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) chăm sóc cam đang kỳ ra hoa đậu quả.

Xã Phúc Ninh (Yên Sơn) hiện có hơn 1.090 ha bưởi với năng suất hàng năm đạt 7,5 tấn/ha, thời điểm này bưởi đang thời kỳ cuối ra hoa rộ, tạo quả. Tuy nhiên, thời tiết mưa ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, nguy cơ lây lan ra diện rộng là không tránh khỏi. Ông Tô Văn Bình, thôn Thái Ninh cho biết, hiện nay diện tích bưởi của gia đình đang xuất hiện nhện đỏ chích quả non, để diệt trừ gia đình dùng chế phẩm vi sinh kết hợp tỏi, ớt, gừng ngâm theo tỷ lệ để phun cho cây. Ngoài phun thuốc trừ sâu bệnh thời điểm này, gia đình tiến hành siết gốc, bón thêm tro bếp để tăng thêm dưỡng chất nuôi quả non, hạn chế quả rụng.

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, trên các loại cây ăn quả có múi đã xuất hiện các loại sâu bệnh như bọ xít nâu, rệp sáp, thán thư, sương mai, phấn trắng, rệp đỏ … với mật độ thưa, tập trung tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa. Những bệnh phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp làm rụng hoa, rụng quả non. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, độ ẩm không khí cao.

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố thường xuyên hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, khi phát hiện sâu bệnh với mật độ dày sẽ tổ chức tập huấn nhanh cho nông dân về các biện pháp điều trị hiệu quả. Để hạn chế sự phát triển bệnh, người dân cần thường xuyên thăm vườn. Khi phát hiện bệnh hoặc đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới, tình hình sâu, bệnh trên các loại cây trồng tiếp tục tăng cục bộ ở những vườn đã có biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả thấp, hiện tượng rụng quả sinh lý tiếp tục xảy ra… Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, ngành Nông nghiệp khuyến cao người dân tập trung bón bổ sung dinh dưỡng để cây nở hoa thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/cham-soc-cay-co-mui%C2%A0khoa-hoc-dung-thoi-diem%C2%A0-156322.html