Chăm sóc làn da bị nám

Nám da là một căn bệnh phổ biến và khó chữa, là thủ phạm làm làn da của phái đẹp xuống cấp nhanh chóng.

(SGTT) – Nám da là một căn bệnh phổ biến và khó chữa, là thủ phạm làm làn da của phái đẹp xuống cấp nhanh chóng.

Có đến 90% phụ nữ sau tuổi 30 thường bị rối loạn sắc tố da và nám da rất đậm, đặc biệt là những quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Nám da thường xuất hiện trên hai má, sống mũi, trán, cằm với những đốm nâu từ nâu nhạt đến nâu sẫm. Tình trạng bị nám da khiến nhiều chị em mất tự tin bởi dù có trang điểm cũng không che được lớp nám. Một số người đã dùng các loại kem tẩy nám và lột da các loại nhưng không hết, thậm chí các lớp nám càng ngày càng đậm lên và ở sâu bên trong da.

Nguyên nhân

Nám da có thể do nhiều nguyên nhân. Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp, khoảng 70% người bị nám da. Nếu trong gia đình đã có người bị nám da thì khả năng bạn bị nám sẽ cao hơn những người khác.

Nguyên nhân đơn giản và phòng ngừa dễ hơn là lạm dụng mỹ phẩm. Rất nhiều chị em có thói quen sử dụng các loại mỹ phẩm, kem trộn với nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Các sản phẩm này khi mới dùng sẽ thấy da mờ nám và trắng lên nhanh chóng đồng thời bị bào mòn và trở nên yếu ớt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành nám da, đặc biệt là ở vùng mặt.

Cũng có những nguyên nhân mà để phát hiện ra và khắc phục rất phức tạp như do yếu tố nội tiết. Nám da có thể xảy ra do sự thay đổi của nội tiết tố bên trong cơ thể khi mang thai, rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là sau tuổi 30. Một nguyên nhân nữa là khi liên tục gặp phải những áp lực và căng thẳng thì da bạn cũng bị ảnh hưởng, mắc các vấn đề về nám, mụn, da bị lão hóa…

Dưới tác động của các tia UV trong ánh nắng mặt trời, làn da có khả năng bị nám và tối màu hơn. Không chỉ vậy, tia UV còn gia tăng hình thành các vết nám mới và nếp nhăn trên da, khiến da thô ráp, mẫn cảm hơn. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có tác dụng phụ gây nám da, sạm da như: thuốc tránh thai, thuốc chữa loạn thần clopromazin và thuốc chữa dị ứng phenothiazin, các loại thuốc nhóm kháng sinh cyclin.

Phương pháp điều trị

Theo PGS. TS. Bác sĩ Phạm Hữu Nghị, nguyên Chủ nhiệm Khoa Laser Y học và Thực nghiệm, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, nám da chia thành hai loại: thể nám tạm thời (tồn tại dưới một năm) và thể nám dai dẳng (trên một năm). Đối với thể nám dai dẳng, các phương pháp, công nghệ loại bỏ nám phổ biến hiện nay gồm chiếu tia laser, tia sáng sinh học và sóng siêu âm vào da. Dù kỹ thuật có khác nhau, các phương pháp này đều có mục đích lấy đi sắc tố sậm màu dưới da, đồng thời kích thích tăng sinh tế bào mới, cho da mau chóng phục hồi, sáng mịn. Cho dù với phương pháp nào, kết quả chỉ có thể nhận biết được sau nhiều tuần, nhiều tháng, cần kiên trì chữa trị.

Đối với trường hợp bị nám nhẹ, tạm thời, bạn có thể hỗ trợ làn da tự phục hồi bằng cách bổ sung thực phẩm cung cấp các chất chống lại gốc tự do như: Vitamin C, Vitamine, Beta carotene (có nhiều trong gấc, cà rốt…), Selenium (cá biển, lòng đỏ trứng gà, dầu ôliu, gan động vật). Ngoài ra, bạn còn có thể thẩm thấu chất dinh dưỡng chăm sóc da bằng cách đắp mặt nạ.

Cách chăm sóc sau khi chữa nám:

Rửa mặt với nước có độ ẩm vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Không trang điểm hoặc tự ý bóc vảy vùng da cần điều trị khi đang bong vảy.
Kiêng thức ăn cay nóng và các thực phẩm như hải sản, trứng, thịt bò, rau muống… cũng như hạn chế đồ uống có chất kích thích như rượu bia, cà phê…
Không đi bơi hoặc hoạt động thể thao trong quá trình điều trị.
Tránh ánh nắng mặt trời và bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF từ 30 trở lên.

Tâm Anh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/cham-soc-lan-da-bi-nam/