Chăm sóc người bị suy tim như thế nào mới đúng?

Người bị bệnh suy tim cần có chế độ ăn uống và tập luyện đúng cách để duy trì sức khỏe.

Tổng quan về bệnh suy tim

Bệnh suy tim cần có biện pháp chăm sóc đúng. Nguồn ảnh: Internet

Bệnh suy tim cần có biện pháp chăm sóc đúng. Nguồn ảnh: Internet

Suy tim là hậu quả của những tổn thương cấu trúc tim hay những rối loạn chức năng của tim dẫn đến tim giảm khả năng tống máu nuôi dưỡng các cơ quan (suy tim tâm thu) hoặc giảm khả năng chứa máu (suy tim tâm trương).

Phân độ suy tim theo hội tim mạch New York (NYHA) dựa theo các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân.

Độ I: Không gây hạn chế vận động thể lực, các vận động thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.

Độ II: Hạn chế vận động thể lực nhẹ. Bệnh nhân hoạt động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực và giảm khi nghỉ ngơi.

Độ III: Hạn chế vận động thể lực nhiều. Mặc dù khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có các triệu chứng mệt, khó thở...

Độ IV: Không vận động thể lực nào không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.

Những dấu hiệu thường thấy trên những bệnh nhân suy tim bao gồm:

Khó thở, thường khởi phát khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ khó thở tăng lên ở những giai đoạn sau của suy tim.

Ho thường xảy ra khi nằm, về đêm, có thể ho kèm theo đờm hồng.

Phù chân, báng bụng và tăng cân nhanh.

Nhịp tim thường nhanh.

Có thể kèm theo đau ngực, tăng lên khi gắng sức.

Cách chăm sóc người bệnh suy tim

Cải thiện chế độ ăn uống

Để giảm bớt các triệu chứng chán ăn, khó tiêu, người bệnh suy tim cần được cung cấp chế độ ăn uống theo những mục tiêu sau:

Chế độ ăn phải bao gồm nhiều loại trái cây, rau củ tươi.

Nên ăn thịt nạc như thịt gà (đã lọc bỏ da), cá.

Nên cho người bệnh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo.

Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, nhiều chất xơ.

Hạn chế natri dưới 1.500mg/ngày.

Hạn chế đường, chất béo bão hòa, rượu bia.

Thay vì dùng muối và các loại nước sốt (có chứa nhiều natri) để nêm nếm thức ăn, người nhà nên dùng các loại gia vị, thảo mộc tự nhiên như tỏi, cần tây, hương thảo, gừng, rau húng, mùi tây, vỏ cam quýt… để thêm hương vị cho món ăn, giúp người bệnh suy tim ăn uống ngon miệng hơn.

Hoạt động thể lực đúng cách

Lợi ích hoạt động thể lực:

Kiểm soát cân nặng.

Ổn định huyết áp và nhịp tim.

Ổn định đường huyết và mỡ máu.

Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.

Đặt ra mục tiêu tập luyện vừa phải, không quá sức. Khi mới tập cần tập nhẹ, tăng dần cường độ.

Tránh những hoạt động nặng như chạy bộ, nâng tạ, tránh những bài tập làm căng, duỗi, co cơ liên tục.

Nếu ngưng tập một vài ngày (do bị cảm, bận công việc, thời tiết xấu...), khi tập lại cần tập nhẹ hơn mức bình thường, tăng dần cường độ về bằng mức trước đó vào những buổi tập sau.

Tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.

Uống đủ nước. Nên uống nước ngay cả khi không khát, đặc biệt trong những ngày nóng.

Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi tập hoặc ngày hôm sau, thì cần giảm bớt cường độ tập luyện.

Nếu cảm thấy có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm cần đến bác sĩ kiểm tra.

Theo Bằng Lăng/Tiêu dùng

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/cham-soc-nguoi-bi-suy-tim-nhu-the-nao-moi-dung/20230419093933964