Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng: Những ghi nhận tích cực

Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) tại cộng đồng đã giúp cho người bệnh tâm thần được điều trị và chăm sóc ngay tại gia đình; giảm tải cho các cơ sở điều trị chuyên khoa. Đồng thời, người dân không còn kỳ thị, xa lánh người bệnh tâm thần, điều này cũng giúp cho người bệnh mau bình phục và tái hòa nhập với cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn T (khu 5, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều) đã kiểm soát được hành vi sau một thời gian điều trị bệnh tại cộng đồng.

Đông Triều được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt Chương trình chăm sóc SKTT tại cộng đồng. Hiện thị xã đang quản lý, điều trị cho 770 bệnh nhân. Tính đến tháng 9/2020 tỷ lệ bệnh nhân ổn định, lao động và tự phục vụ bản thân, tái hòa nhập với cộng đồng chiếm 82,24%.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng Y tế thị xã, cho biết: 100% xã, phường trên địa bàn đã triển khai mô hình chăm sóc SKTT dựa vào cộng đồng, nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc số bệnh nhân chưa được đưa vào quản lý; quản lý tốt số bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc SKTT vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Thị xã thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các trạm y tế phường, xã; đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thông về SKTT, tránh tư tưởng phân biệt đối xử, coi thường, miệt thị người bệnh.

Tại phường Hưng Đạo, nơi số người bệnh tâm thần nhiều thứ 2 toàn thị xã đã thực hiện rất tốt công tác điều trị ngoại trú. Ông Nguyễn Văn T (khu 5, phường Hưng Đạo) chia sẻ: Tôi bị tâm thần phân liệt 20 năm. Trước đây không kiểm soát được bản thân, hay đi lang thang khiến người nhà phải đi tìm. Nay được y bác sĩ ở Trạm Y tế phường quan tâm theo dõi, tư vấn, tôi đã chấp hành việc uống thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn, nên bệnh tình tiến triển tốt, kiểm soát được hành vi của mình.

Còn ông Trần Duy Ch (khu 2, phường Hưng Đạo) trước đây ngày nào cũng xuất hiện cơn động kinh, nhưng từ khi được các bác sĩ từ tuyến tỉnh, thị xã, Trạm Y tế phường khám, tư vấn cho gia đình và bản thân, ông thực hiện rất điều độ chế độ điều trị bệnh tại nhà. “Đến nay, cả tháng có khi chỉ xuất hiện 1-2 cơn. Tôi có thể làm mọi việc gia đình” - Ông Trần Duy Ch chia sẻ.

Bác sĩ Trạm y tế phường Hưng Đạo, TX Đông Triều, đo huyết áp cho ông Trần Duy Ch (khu 2, phường Hưng Đạo).

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hưng Đạo, cho biết: Hiện phường có 70 bệnh nhân tâm thần được lập danh sách, quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc. Các bệnh nhân được Trạm khám, phát thuốc đều đặn từ ngày 5 đến ngày 10 hằng tháng. Để thực hiện tốt chương trình chăm sóc SKTT tại cộng đồng, Trạm tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức đến người bệnh và gia đình họ; phối hợp với khu phố, cộng tác viên thực hiện rà soát để phát hiện các đối tượng bị bệnh tâm thần, nhằm kịp thời tư vấn, điều trị.

Tích cực thực hiện chương trình chăm sóc SKTT tại cộng đồng, nhiều năm nay TX Đông Triều không có trường hợp người bệnh tâm thần mất kiểm soát, gây rối loạn, hoặc gây hại đến mọi người trong cộng đồng.

Theo thống kê của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, 177 xã, phường của 13 huyện, thị xã, thành phố (đạt 100%) đã triển khai hoạt động bảo vệ SKTT tại cộng đồng. Tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại cộng đồng đạt khoảng 99% so với số lượng bệnh nhân ước tính của địa phương. Số bệnh nhân được điều trị ổn định tại gia đình khoảng 85%. Số bệnh nhân tái phát phải đi viện điều trị trong đợt cấp tính vào khoảng 3,4-4% và nhanh chóng trở lại cộng đồng để tiếp tục điều trị ngoại trú. Trung bình hằng năm chỉ có khoảng 1-1,5% số bệnh nhân có hành vi gây hại, gây rối.

Y bác sĩ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh tập huấn về sức khỏe tâm thần và trầm cảm cho người dân xã Việt Dân, TX Đông Triều.

Hằng năm, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh đều về các xã, phường tiến hành khám, tư vấn và đổi sổ cấp thuốc cho bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân có hồ sơ quản lý đều được hưởng chế độ bảo trợ xã hội của tỉnh. Kinh phí triển khai hoạt động bảo vệ SKTT tại cộng đồng 5 năm qua (2016-2020) là gần 5,5 tỷ đồng (đạt 47,3% so với nhu cầu thực tế).

Theo đánh giá của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, nhận thức của người dân về bệnh đã được nâng lên rõ rệt. Người bệnh tâm thần đi lang thang ngoài xã hội đã ít đi. Gia đình có người bị bệnh đã hiểu được quyền lợi được cấp phát thuốc tại y tế địa phương hằng tháng. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc đều đặn, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã hòa nhập rất tốt, có thể lao động và nuôi sống bản thân.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/cham-soc-suc-khoe-tam-than-tai-cong-dong-nhung-ghi-nhan-tich-cuc-2504084/