Chạm vào ước mơ 12: Hải 'robot' đến trường bằng đôi chân của mẹ

Không thể đi trên đôi chân của mình, Hải phải đến trường trên lưng mẹ. Khó khăn không làm em chùn bước với, không làm em thôi sáng tạo. Hải là nhân vật của Chạm vào ước mơ số 12.

Bao năm qua Hải đến trường trên lưng của mẹ - Ảnh: NVCC

“Bản thân em, nhóm trưởng của dự án là một người khuyết tật, còn được học tập đến ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của xã hội, cha mẹ, thầy cô. Việc làm ra con robot có thể lặp lại chuỗi thao tác của thầy cô trong việc giảng dạy, làm thí nghiệm; giúp cha mẹ đỡ nhọc nhằn trong việc nấu ăn, lau dọn nhà cửa…, là lời tri ân của em gửi đến xã hội, quý thầy cô và cha mẹ yêu mến”.

Hải được mẹ chăm sóc từng li từng tí

Đó là những dòng bộc bạch của Trần Phan Thanh Hải (học sinh lớp 11A11, Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM) trong phần “nguyên nhân lựa chọn đề tài” của dự án “Robot lao động đa ngành nghề và hỗ trợ người bị liệt toàn thân” (thực hiện cùng với bạn Nguyễn Lâm Tường, cùng trường).

Dự án này vừa đạt giải 3 Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức (năm 2017).

Thầy Nguyễn Hữu Hậu, giáo viên chủ nhiệm của Hải năm lớp 10A11, Trường THPT Marie Curie, cho biết: “Hải nói với tôi sức khỏe của em ngày một yếu, nên em dồn tâm sức thực hiện đề tài này, với mong ước làm ra con robot để lại giúp đỡ người mẹ đang mang trong mình 2 căn bệnh sỏi thận - tim mạch; giúp thầy cô thực hiện các thí nghiệm hóa chất độc hại và giúp những người đồng cảnh ngộ - bị liệt toàn thân như Hải”.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Lúc chào đời, Hải có vẻ bình thường. Nhưng khi dần lớn lên một chút, chân tay của Hải trở nên yếu đi, các cơ dần teo lại và rồi đến năm 4 tuổi, Hải không thể tự đi lại được trên chính đôi chân của mình. Gia đình đưa Hải đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi.

Lúc Hải lên 8 tuổi, mẹ em mới xin cho em vào học lớp 1, nhưng nhà trường không tiếp nhận, vì lý do: Hải bị khuyết tật.

Kể từ năm học lớp 4 đến nay, Hải đến trường bằng đôi chân của mẹ

“Đại diện nhà trường hướng dẫn tôi đưa con qua học ở trường chuyên biệt hoặc hòa nhập. Tại trường hòa nhập, Hải được xếp học lớp trẻ thiểu năng, trí não chậm phát triển”, chị Phan Thị Quỳnh Mai (mẹ Trần Phan Thanh Hải) nói.

Chị Mai biết con mình trí não vẫn phát triển bình thường nhưng dù giải thích thế nào cũng không ai tin, không ai cho Hải vào học lớp 1 với những đứa trẻ bình thường, đồng trang lứa khác.

Chị Mai nói thêm: “Lúc đó, tôi chua xót lắm, vì con ham học, mà đi xin thì không trường nào nhận”. Chị quyết định đưa Hải về quê ngoại ở Tiền Giang học và nhờ các cậu của em đưa rước. Cứ mỗi cuối tuần, chị lại về thăm Hải. Đến năm lớp 4, chị đưa Hải trở lại TP.HCM học tập.

Kể từ đó, Hải đến trường bằng đôi chân của mẹ. Gia đình Hải trước đây ở trong căn hộ trên tầng 5 thuộc một chung cư cũ tại Q.3. Ngày ngày, chị Mai phải cõng Hải mỗi bận lên hoặc xuống với 100 bậc thang. Mỗi lần như vậy, chị nghỉ mệt 3 lần.

Năm 2016 (lúc Hải học học kỳ 2 năm lớp 9), dù bị sỏi ở cả 2 quả thận, chị Mai vẫn không dám đi phẫu thuật, vì sợ mình ngã bệnh không có ai đưa Hải đi học.

Thận phải của chị Mai sau đó bị nhiễm trùng, buộc phải mổ gấp. Vài ngày sau, Hải cũng ngã bệnh, nghỉ học hơn 2 tháng trời, nhưng em vẫn thi đạt điểm vào lớp 10 với 38,5 điểm.

Chị Mai nói: “Giờ đây, hai mẹ con phải cùng khỏe mới có thể dìu dắt nhau được. Chị gái và ba của Hải không quen cách bồng nên rất bất tiện trong mỗi lần đưa rước Hải đi học. Ba Hải trước đây, cũng té từ tầng 5 chung cư xuống đất, nhưng may thay sống sót”.

Tiền thưởng đều dành cho mẹ

Sức khỏe ngày một yếu, cơ tay chân ngày một teo tóp nhưng Hải không bao giờ đầu hàng số phận.

Còn nhớ, lúc học lớp 8 ở Trường THCS Kiến Thiết Q.3, Hải đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM với dự án: “Hệ thống cửa khóa trong, tự động mở khi có số điện thoại cho phép”; đoạt nhiều giải thi cờ vua dành cho người khuyết tật.

Với dự án vừa đạt giải, Hải mất 3 tháng hè để học lập trình Android. Các linh kiện, thiết bị đều do một tay chị Mai đi mua ở chợ Nhật Tảo (Q.10).

“Tôi đi mua thiết bị cho con, tới giờ nhớ luôn tên các thiết bị, bo mạch… Cái nào không nhớ tên thì chụp hình lại, ra chợ mua cho Hải. Ra đó, thấy người mua hàng là phụ nữ thì chỉ có mình tôi”, chị Mai kể lại.

Khi thực hiện lắp ráp robot, Hải không đủ sức khỏe để bắt từng con ốc vít, ráp từng mạch điện, thiết bị thì chị Mai là người phải làm việc thay con.

Trước khi đến với cuộc thi cấp quốc gia, Hải đã đoạt giải nhất trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố. Trong lần đoạt giải nhất đó, đến sát ngày thi, robot của Hải bị trục trặc. Vậy là hai mẹ con thức trắng đêm để tháo ráp, sửa chữa.

“Sáng 7 giờ người ta tập trung, thì 7 giờ hai mẹ con mới sửa chữa xong robot. Ra điểm thi, tôi nói Hải cố gắng ăn cho có sức, nhưng Hải cứ mãi thuyết trình về dự án của mình. Đến trưa vừa về đến nhà, Hải cũng không ăn mà ngủ li bì”, chị Mai nói.

Robot vừa đoạt giải của Hải và Tường có thể giúp đút cơm cho người liệt toàn thân

Học bài hay bất cứ làm chuyện gì cũng vậy, Hải cố gắng làm cho xong mới nghỉ ngơi. “Có lần khuya quá mà con học bài, tôi kêu con ngủ, nhưng Hải nói mẹ ngủ trước đi. Trời càng về sáng, tôi ngủ quên, khi mở mắt ra thì thấy Hải vẫn còn ngồi đó học”, chị Mai cho biết thêm.

Nói về công trình vừa đoạt giải, Hải cho biết: “Đây là sản phẩm do em và bạn Nguyễn Lâm Tường (lớp 10D11) cùng làm. Dù chỉ đạt được giải 3 nhưng em cũng cảm thấy rất vui”.

Trong nhiều năm qua, được bao nhiêu tiền thưởng từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, em cũng đều đưa cho mẹ. “Tôi muốn mua cái gì cho Hải, con cũng không chịu. Hải nói mẹ cứ giữ đi, mua đồ bồi dưỡng cho mẹ đi”, chị Mai nói.

Thầy Nguyễn Hữu Hậu cho biết: “Trong 24 năm đi dạy, Hải khiến cho tôi có ấn tượng sâu sắc. Tôi thấy mình nhỏ nhoi so với những nỗ lực của Hải. Tôi nhớ có lần nói với Hải: lúc nào con mệt, con cứ ở nhà nghỉ, chỉ cần cho thầy hay, thầy sẽ mang bài vở cho con. Nhưng Hải chỉ nói: Lúc con mệt, thầy cho con cái bàn ở cuối lớp để nằm nghỉ, để con không phiền đến bạn bè học và thầy cô giảng bài. Con nằm nghỉ mà được nghe thầy cô giảng bài là tốt lắm rồi”.

“Ngày nào gặp thằng bé, tôi đều vui lắm. Lạ lắm, cứ mở miệng là em nó cám ơn. Mỗi khi gặp điều gì bế tắc trong cuộc sống, tôi lại nghĩ đến Hải. Hải khó khăn là vậy, hoàn cảnh là vậy mà em còn không một lời oán than, vậy thì những bế tắc của cuộc đời mình có là gì”, thầy Nguyễn Hữu Hậu cho biết.

Hải nói: “Hiện tại, robot mà em và bạn Tường cùng làm chỉ có một bàn tay. Em mong làm được con robot hoàn chỉnh, có 2 tay để tặng mẹ, tặng thầy cô và hi vọng về sau có thể giúp được nhiều người khuyết tật bị liệt toàn thân như em. Vì nếu không có mẹ, không có thầy cô, xã hội giúp đỡ thì em cũng sẽ không được đến trường, không được như ngày nay”.

Minh Luân

Trọng Thủy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/cham-vao-uoc-mo-12-hai-robot-den-truong-bang-doi-chan-cua-me-944404.html