Chăn bò đọc sách nhắc kỷ niệm 'người tình' thời thơ ấu

Bóng dáng những trang sách vẫn ám ảnh tuổi thơ tôi, như sự níu giữ cho tâm hồn trong trẻo, như một lưu dấu buổi đầu cho 'cuộc tình duyên' đến tận bây giờ.

Hơn 30 năm đã qua của những chênh chao cuộc đời, biết bao thứ đi qua, biết bao thứ bỏ lại, nhưng những mảnh ký ức của thời thơ bé, vẫn còn in đọng lại trong tôi, như để vấn vương, để yên ủi cho tâm hồn ngày một chai sạn của những khúc khuỷu đường đời. Và trong dòng ký ức ấu thơ ấy, bóng dáng những trang sách vẫn ám ảnh tuổi thơ tôi, như sự níu giữ cho tâm hồn trong trẻo, như một lưu dấu buổi đầu cho “cuộc tình duyên” với sách đến giờ.

Còn nhớ dạo ấy, khi tuổi lên 8, tức là đứa bé tôi đây đang ngồi lớp 3 trường tiểu học ở miền quê Bắc Trung Bộ chiêm trũng. Học lớp ấy, chẳng nhớ có hơn gì chúng bạn hay không, nhưng cậu bé tôi lúc đó đã đọc thông viết thạo lắm rồi. Khi nhìn trang sách, mắt đọc nhẩm lướt rất nhanh và lật giở từng trang, từng trang sách chẳng kém gì người lớn. Kiến thức trong sách Tiếng Việt, sách Đạo Đức… cũng theo đó được “tiêu thụ” nhanh hơn chúng bạn. Mà càng đọc, càng thích, vì dù là sách giáo khoa, nhưng mở ra bao nhiêu hiểu biết mới mẻ cho trí óc dạo đó đang như trang giấy trắng chưa được cấy trồng ruộng chữ.

Từ sự hào hứng kiến thức qua những trang sách trên ghế nhà trường, đứa bé tò mò muốn biết nhiều hơn những gợi mở ban đầu. Dạo ấy đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi điện lưới còn chưa phủ khắp được hết các nhà, chiếc tivi trắng đen vẫn còn là một món giải trí xa xỉ vì cả làng cả xóm chỉ một vài nhà có; chiếc radio vẫn ậm ạch lúc có sóng lúc không; báo chí lại càng là một món hàng hiếm chẳng dễ tìm. Nhưng có một kho tàng công cộng có thể giúp ích cho thói ham đọc của đứa trẻ tôi. Ấy là thư viện xã.

Thư viện là một địa chỉ đáng tin cậy cho những người thích đọc sách, nhất là trẻ em.

Thư viện là một địa chỉ đáng tin cậy cho những người thích đọc sách, nhất là trẻ em.

Vốn con nhà nông, bữa ăn còn độn khoai, độn sắn thái lát và mỗi khi tiếng kèn bóp tay của người bán kem vang lên kích thích vị giác hoạt động cho đỡ thèm, thì lấy tiền đâu mua sách, mua truyện để thưởng thức. Thế là, thư viện xã là nơi thằng bé thèm đọc tìm đến. Tiếng là thư viện xã, nhưng trong lớp bụi thời gian ký ức dù có phủ mờ, tôi vẫn còn nhớ đó là một căn phòng cấp 4 trần thấp có phủ cót phía trên, rộng khoảng 20 mét vuông nằm sau trung tâm văn hóa xã. Nơi ấy có khoảng 5 kệ sách cao chừng 1 mét rưỡi được xếp sát tường. Cô thủ thư ngồi bên một chiếc bàn to như bàn giáo viên, luôn cắm cúi lật giở các tờ báo để xem, thời giờ rảnh rỗi chắc nhiều lắm, vì người đến đọc, mượn sách thật hiếm hoi.

Thuở ấy, trẻ con mượn sách thư viện chưa nhiều, nhưng tôi chẳng biết bằng cách nào thuyết phục và xin được bố mẹ 3.000 đồng làm cái thẻ thư viện, đóng tiền cọc để mượn sách về đọc. Mỗi lần mượn chỉ tối đa 3 quyển. Cứ mỗi lần vào thư viện, đứa trẻ tôi dạo ấy lại như Alice lạc vào xứ sở thần tiên vậy. Chẳng quan tâm gì mạng nhện phủ giăng trên các kệ sách, chẳng ngại ngần miệng thổi phù phù, tay lùa lớp bụi dày bay lên mù mịt trên các gáy sách. Và cũng chẳng so đo gì với các kệ truyện giấy trắng hay giấy đen. Tay thì lựa lựa, mắt thì ngắm nghía tìm những cuốn sách mình thích, cảm tưởng như trẻ con được mân mê thứ đồ chơi ưa thích vậy.

Ngoài những buổi đi học trên trường, cũng như bao trẻ em nông thôn khác, thời gian rảnh rỗi thì ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng gần như làm gì, chú bé dạo xưa cứ lãng đãng với công việc, vì tâm trí đang thả vào những trang sách còn đâu. Còn nhớ những khi đi chăn bò (cho bò ăn cỏ ngoài đồng ruộng), một tay dắt bò, một tay cầm theo cuốn sách đã mượn, chú bé tôi có dịp để đọc say mê. Chăn bò nơi ven các bờ đê, kênh mương, bờ sông, trong cái khung cảnh xung quanh mọi người làm đồng (nào người cày người bừa, nào người cấy hay trồng khoai...), còn đứa trẻ ấy thì tựa lưng ngồi gốc cây dừa hoặc gốc xoan tìm chút bóng mát, lần giở từng trang sách. Mặc kệ những âm thanh đời thường, mặc kệ người vật xung quanh, mắt cứ dõi theo con chữ và hồn thì như muốn hóa thân vào những nhân vật trong các câu chuyện.

Những tác phẩm hay, phù hợp góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Vẫn chưa quên mỗi khi được bố mẹ giao nhiệm vụ nấu cơm, cũng là một cái thú không kém phần thi vị. Chú bé tôi một tay đút rơm vào bếp cho lửa cháy đều, tay kia lại lật những trang sách được để bệt xuống đất ngay cạnh bếp, mắt không rời con chữ. Ấy thế mà chưa lần nào, cơm sống hay khê, cũng chưa lần nào một trang sách bị lửa hỏi thăm. Vì nếu không giữ sách cẩn thận, khi trả sách thư viện kiểm tra, sẽ bị phạt tiền chứ chẳng chơi. Và lại vẫn nhớ, trên mâm cơm gia đình quây quần bên chiếc chiếu, dẫu bao lần cha hay mẹ hoặc chị nhắc nhở thậm chí dọa nạt, đứa trẻ tôi khi ấy ngồi xếp bằng, vẫn một tay cầm bát, một tay cầm đũa, miệng vẫn và cơm đấy, vẫn húp canh đấy, nhưng mắt lại nghía sang đùi bên phải, nơi trang sách đang được mở ra. Còn biết bao nhiêu ấn tượng thú vị quanh cái thói mê sách dạo thơ bé, mà mỗi khi hồn tìm về cõi ký ức xa xăm, luôn nhắc nhớ.

Những truyện đọc dạo thơ bé ấy, nay vẫn còn “thoang thoảng” nhớ trong đầu, để giờ đây khi đã làm cha, tôi còn duy trì thói quen kể chuyện cho con trước khi bé chìm vào giấc ngủ, toàn là những truyện đã được đọc dạo ấy, nào những Dế mèn phiêu lưu ký, nào Lá cờ thêu sáu chữ vàng hay Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn,… Mà đâu chỉ thế, dạo đó dù đang tuổi nhi đồng, chú bé tôi đọc cả Thép đã tôi thế đấy, Tây du ký… Lẽ dĩ nhiên là với những sách dành cho người lớn, đọc thì nhiều, nhưng chẳng hiểu được bao nhiêu. Chỉ biết rằng, cứ thấy sách hay, là lại mượn về và có nhiều khi vì say với tác phẩm quá, mà dưới ánh đèn dầu, đứa bé ấy vẫn dán mắt vào những trang sách, mặc cho muỗi cắn dưới chân, mặc cho mồ hồi đầm đìa mỗi đêm hè, hay thỉnh thoảng rùng mình giữa cái lạnh đêm đông.

Để rồi chính từ niềm yêu thích sách từ dạo thơ bé ấy, góp phần nuôi lớn dần tâm hồn tôi. Cho đến hôm nay, khi tuổi tác đã gấp hơn 4 lần ngày ấy, tình yêu sách ngày càng lớn dần đến đắm đuối, mãnh liệt đến đỗi có khi nhắc đến sách, người vợ đầu gối tay ấp có lần nhắn tin rằng “em ghét người tình của anh”. Vâng, là sách - người tình bên tôi từ thơ bé.

Trần B.A

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chan-bo-doc-sach-nhac-ky-niem-nguoi-tinh-thoi-tho-au-post991243.html