Chấn chỉnh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 37, sáng 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, xem xét, quyết định việc thành lập bốn phường thuộc thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Sau khi nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tóm tắt Báo cáo sơ kết của Chính phủ, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH về 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Ủy ban Thường vụ QH ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo thi hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, một số thành viên của Ủy ban Thường vụ QH đã nêu lên những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng một số nội dung của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa, hoặc thiếu các quy định cụ thể để triển khai thực hiện, như việc xây dựng chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm mô hình đô thị, nông thôn; quyền giám sát, quyền quyết định chính sách dân tộc của QH... Có một số dự án luật bị lùi thời gian xem xét, vì vậy ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã biểu quyết thông qua việc thành lập bốn phường thuộc thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương); việc thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với tỷ lệ tán thành đạt 100%.

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019. Theo các báo cáo, năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng, như môi trường, đất nông - lâm trường, quyền lợi của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng... So với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%; số đoàn đông người giảm 0,6%, nhưng số lượt công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 4,3%. Trong 10 tháng vừa qua, tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận hơn 20 nghìn đơn thư các loại, trong đó có gần 6.700 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; gần 4.200 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của chánh án, phó chánh án và thẩm phán; 48 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án (chủ yếu liên quan các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án, vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc quy chế dân chủ cơ quan, đơn vị).

Thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 tại phiên họp, có ý kiến cho rằng, việc tiếp công dân của người đứng đầu địa phương năm qua dù đã chuyển biến nhưng chưa đạt định mức. Đặc biệt, xảy ra tình trạng người đứng đầu cấp xã tại một số địa phương thậm chí không nắm được cơ chế giải quyết ở cấp xã và quy định chuyển lên cấp huyện. Công tác tiếp công dân chưa được bảo đảm. Có những nơi, 100% cán bộ thuộc biên chế Ban tiếp công dân của huyện đều không được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, dẫn đến thực trạng cán bộ tiếp công dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật. Đây là một phần nguyên nhân gây ra các sai sót về quy trình, thủ tục giải quyết đơn, thư của công dân. Cụ thể, do lúng túng, không nắm vững kiến thức về pháp luật, cho nên một số nơi cán bộ tiếp công dân mặc nhiên sắp xếp mọi đơn, thư của công dân vào loại “kiến nghị, phản ánh” thay cho “khiếu nại, tố cáo”. Hành vi nêu trên có thể tiềm ẩn sự cố ý “lách luật” của cán bộ tiếp nhận đơn, thư, bởi các loại đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã có quy định rõ ràng về thời hạn và quy trình giải quyết còn kiến nghị, phản ánh thì không. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về thực trạng nhiều địa phương còn chưa quan tâm ưu tiên công tác tiếp công dân định kỳ. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị của Đảng, nghị quyết của QH liên quan công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đề xuất cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41534802-chan-chinh-cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao.html