Chấn chỉnh hoạt động các trung tâm đào tạo ngắn hạn

Đào tạo ngắn hạn là một trong các hình thức đào tạo cần thiết và hợp pháp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, do nhiều nguyên nhân, thời gian gần đây tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn đã để xảy ra không ít sai phạm đáng tiếc. Việc sớm có biện pháp chấn chỉnh hoạt động đào tạo ngắn hạn là rất cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người học cũng như góp phần gìn giữ môi trường giáo dục phát triển lành mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học, hình thức đào tạo ngắn hạn đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, đào tạo ngắn hạn là hình thức đào tạo được pháp luật công nhận. Hiện nay các trung tâm đào tạo ngắn hạn hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành... Hình thức đào tạo này khá hữu ích với người có nhu cầu bổ sung kiến thức, hoàn chỉnh bằng cấp. Tuy nhiên, với một số bất cập từ việc quản lý mà thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập, tiêu cực trong hoạt động của các trung tâm đào tạo ngắn hạn.

Trước hết, phải kể đến sự xuất hiện của nhiều trung tâm hoạt động không có giấy phép. Theo luật định, để được cấp phép hoạt động, ngoài các thủ tục theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục đào tạo ngắn hạn cần đáp ứng các điều kiện cụ thể về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ giảng viên. Song vì nhiều lý do (như: không đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định, trốn thuế...) không ít trung tâm cố tình hoạt động “chui”. Khi cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, thì không ít trung tâm đột nhiên biến mất như chưa từng tồn tại.

Bên cạnh đó, dù giấy phép hoạt động hết hạn, một số trung tâm vẫn không làm thủ tục gia hạn, hoặc chỉ làm thủ tục xin gia hạn cho cơ sở chính, còn các chi nhánh thì không có. Một hình thức “lách luật” khác là núp bóng hoạt động dưới dạng các câu lạc bộ, các hội nhóm nhưng bản chất là trung tâm đào tạo trá hình. Hoạt động của nhiều trung tâm không phép đã gây ra nhiều hệ lụy cho người học. Chưa kể, đây cũng là nơi xuất hiện các hành vi thiếu chuẩn mực, gây bức xúc dư luận, tiêu biểu như sự việc một giảng viên đã lăng mạ người học bằng ngôn ngữ thiếu văn hóa tại trung tâm MST (Hà Nội).

Mặt khác, những bất cập về chất lượng giảng dạy tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn cũng là vấn đề khiến xã hội lo lắng. Bởi có tình trạng một số “giáo viên”, thậm chí “giám đốc” trung tâm, là người không có bằng tốt nghiệp đại học, không có nghiệp vụ sư phạm, trình độ non kém nhưng vẫn tự tin đứng lớp và thu tiền. Để khoác tấm áo hợp pháp, các “trung tâm ma” thường dùng thủ đoạn thuê hoặc mạo danh một số giảng viên có uy tín đưa tên vào quảng cáo, chào mời nhằm thu hút, đánh lừa học viên.

Về đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực ngoại ngữ và tin học, đến hết năm học 2017 - 2018, ở TP Hồ Chí Minh có 683 trung tâm đang hoạt động với gần 1,2 triệu lượt học viên theo học mỗi tháng. Tại Hà Nội, tính đến tháng 9-2018, tổng số giáo viên của các trung tâm là 3.200 người, trong đó có 947 giáo viên là người nước ngoài. Tại Quảng Ninh, hiện có 63 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục; 10 trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc các trường cao đẳng, đại học, trong đó có 30 trung tâm ngoại ngữ hoạt động có sự tham gia của hơn 135 giáo viên người nước ngoài. Phần lớn các giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ.

Đáng nói, với khá nhiều trung tâm việc quản lý, thẩm định đánh giá khả năng sư phạm, kỹ năng giảng dạy của giáo viên nước ngoài như kiểm soát trình độ, bằng cấp của các giáo viên này như thế nào, có đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) hay không gặp không ít khó khăn, và gần như bị thả nổi. Thực tế, nhằm tiết kiệm chi phí, một số trung tâm ngoại ngữ đã thuê khách du lịch “bụi” đến giảng dạy khiến chất lượng đào tạo khó bảo đảm.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, mới đây Bộ GD và ĐT có Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT (Thông tư) ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học (có hiệu lực từ ngày 10-10-2018). Theo đó, giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn “có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn: “có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp”.

Đối với trung tâm tin học, Thông tư quy định giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy tin học khi đạt một trong các tiêu chuẩn “có bằng cao đẳng sư phạm tin học trở lên; có bằng cao đẳng tin học trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, giáo viên là người nước ngoài dạy tin học phải “có bằng cao đẳng tin học trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy tin học phù hợp”, giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể) “có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp”... Tuy nhiên, theo thống kê của Vietnam Teaching Jobs (một trang mạng tìm giáo viên bản địa giảng dạy tại Việt Nam), thì khoảng 70% giáo viên nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chưa đủ bằng cấp hoặc kinh nghiệm giảng dạy. Vì muốn có giáo viên nước ngoài để thu hút học viên, nhiều trung tâm khá dễ dãi trong việc tuyển giáo viên mà bỏ qua các yêu cầu cần thiết như: kiểm tra đầu vào, sát hạch khả năng sư phạm... Thậm chí, nhiều nơi còn chấp nhận cho giáo viên dạy “chui”, không yêu cầu điều kiện, bằng cấp phù hợp.

Ngoài ra, tình trạng các trung tâm sử dụng tràn lan giáo viên người nước ngoài còn khiến phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng bất bình thường là núp bóng dưới danh nghĩa hoạt động giáo dục, đào tạo nhưng thực chất một số trung tâm đã bị các thế lực thù địch xâm nhập, lợi dụng, cài cắm, đưa người vào thực hiện mục đích truyền bá luận điệu sai trái, thu thập tin tình báo, phá hoại kinh tế...

Trong khi đó, luật pháp Việt Nam quy định rõ ràng rằng để được cấp phép, chương trình giáo dục thực hiện tại các trung tâm đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng yêu cầu: thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Do không được rà soát ngay từ đầu, việc quản lý các trung tâm đào tạo ngắn hạn hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì địa bàn rộng, lực lượng rà soát mỏng, sự phối hợp giữa các ban, ngành cùng thanh, kiểm tra còn hạn chế. Chưa kể, công tác giám sát chất lượng đào tạo, các quy trình thi kiểm tra, cấp chứng chỉ ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, nghiêm túc. Cũng phải nói rằng, để xảy ra tình trạng này còn có nguyên nhân quan trọng từ chính người học. Không ít người đi học chủ yếu để đối phó, học vì sính bằng cấp, theo trào lưu chứ không từ nhu cầu thật sự của bản thân... Đó là chưa kể các điều kiện khác như cơ sở vật chất, trang thiết bị… ở nhiều trung tâm chưa đáp ứng đúng điều kiện theo yêu cầu khi cấp phép, gây khó khăn cho người học, ảnh hưởng không nhỏ chất lượng đào tạo...

Đã có nhiều biện pháp được nêu ra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm đào tạo ngắn hạn, trong đó có biện pháp kiểm tra, rà soát thường xuyên về giấy phép hoạt động, chất lượng đào tạo. Song ở nhiều địa phương, giải pháp này thực hiện thiếu đồng bộ, chưa nghiêm túc, thậm chí là không xuể vì số lượng các trung tâm quá lớn do mọc lên quá nhanh. Riêng tại Hà Nội, ngày 12-10-2018, Sở GD và ĐT đã có chỉ đạo kiểm tra đột xuất các trung tâm đào tạo ngắn hạn trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Sở GD và ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với Ban kiểm tra liên ngành các quận, huyện, thị xã kiểm tra đột xuất đối với khoảng 30% số trung tâm. Dù có ý kiến cho rằng đây chưa thật sự là một giải pháp căn cơ nhưng thiết nghĩ vẫn là điều hết sức cần thiết.

Cũng từ năm học này, Sở GD và ĐT Hà Nội yêu cầu các trung tâm đào tạo ngắn hạn nghiêm túc tuân thủ quy định công khai về các điều kiện bảo đảm chất lượng trên trang thông tin của ngành giáo dục, làm căn cứ cho cơ quan quản lý và cộng đồng giám sát. Cùng với Hà Nội, hiện nay Sở GD và ĐT ở các địa phương khác trên cả nước cũng đang từng bước thắt chặt khâu thẩm định cơ sở vật chất, chương trình, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn. Đặc biệt, các trung tâm phải bảo đảm đã được cấp giấy phép theo đúng quy định mới được hoạt động.

Để biện pháp quản lý có hiệu quả, các Sở GD và ĐT nên công khai trên trang mạng của Sở danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động tại địa phương, kèm theo số điện thoại, tên của người đứng đầu, giúp người có nhu cầu đào tạo lựa chọn, được bảo đảm các quyền lợi phù hợp. Các trung tâm không đăng ký hoạt động hoặc đã bị thu hồi giấy phép cũng cần được công khai thông tin để người có nhu cầu học biết, và tránh bị lừa đảo. Đồng thời, mỗi người học cũng cần xác định rõ ràng mục tiêu, những quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia bất kỳ chương trình học nào, từ đó lựa chọn trung tâm có uy tín, chất lượng để quá trình theo học có chất lượng, hiệu quả thiết thực.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38188902-chan-chinh-hoat-dong-cac-trung-tam-dao-tao-ngan-han.html