Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát lậu trên lòng hồ Dầu Tiếng

Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (Bộ NN & PTNT) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước đề nghị chấn chỉnh việc khai thác cát và giảm mật độ các tàu trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Văn bản nêu rõ, hiện nay thực trạng “cát tặc” lộng hành, rút ruột lòng hồ Dầu Tiếng đang diễn ra hết sức phức tạp, buộc các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lý mạnh tay.

Dưới lòng hồ, hàng trăm chiếc tàu có trọng tải từ 60 – 100 tấn ra sức bơm hút cát từ đáy hồ lên tàu. Trên bờ hồ, hàng trăm xe tải chở cát hoạt động rầm rộ. Cứ cách 3 phút lại có xe tải vào nơi tập kết cát để hứng đầy thùng rồi ầm ầm lao đi kéo theo lớp bụi mù mịt. Nhiều xe chở cát có dấu hiệu cơi nới thùng nhằm tăng khối lượng chở quá tải trọng cho phép.

Tàu ghe hút cát trên hồ Dầu Tiếng một cách vô tội vạ khiến dòng nước có nguy cơ bị ô nhiễm.

Mặc dù bị người dân phản đối, song các xe chở cát vẫn ngang nhiên hoạt động. Địa phận xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương là điểm tập trung đông nhất với hàng chục ghe khai thác cát.

Theo Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa: “Theo quy định, mỗi ngày chỉ cho phép bơm hút cát từ lòng hồ có khối lượng 5.000m3. Thế nhưng, tính trung bình mỗi tàu có trọng tải 100 tấn bơm hút được khoảng 40m3 cát. Như vậy, tính nhẩm sơ 200 tàu bơm hút mỗi ngày ít nhất cũng “rút ruột” lòng hồ khoảng 8.000m3 cát”.

Ông Trần Quang Hùng PGĐ Cty TNHH MTV thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cho biết, qua kiểm tra có 240 tàu hoạt động khai thác ở hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, con số chính thức được cấp phép hoạt động khai thác chỉ khoảng 100 tàu.

Kết quả kiếm nghiệm nước trong hồ Dầu Tiếng của đơn vị này mới đây cũng cho thấy, nước ở tầng giữa trong lòng hồ bị vẫn đục bởi các chất rắn với chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng vượt 1,26 lần cho phép.

“Mùa khô đang đến gần, không có mưa nhưng nước trong hồ vẫn đục ngầu. Nếu chỉ tiêu chất rắn vượt ngưỡng từ 1,5 – 2 lần thì sẽ yêu cầu các tỉnh ngưng mọi hoạt động khai thác cát tại đây”, ông Trần Quang Hùng nhấn mạnh.

Hoạt động khai thác cát đã và đang gây ra nhiều tác động xấu đến tài nguyên nước cả về chất và lượng. Phần lớn các mỏ cát đều tập trung ở khu vực đầu nguồn, dưới những cánh rừng cao su. Do vậy, việc khai thác cát gây hệ lụy trước là mất đi hàng ngàn héc ta rừng đầu nguồn làm giảm khả năng trữ nước trong đất và gia tăng nguy cơ trôi trượt, sạt lở đất vào mùa lũ.

Bên cạnh đó, các hoạt động giao thông đường thủy ngày càng tăng áp lực đối với tài nguyên nước đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên ban đầu. Các thuyền bè trên khu vực lòng hồ khiến dòng nước dễ bị ô nhiễm dầu.

Được biết, hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi lớn và trọng yếu của Việt Nam. Hồ cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt, điều tiết thủy lợi cho người dân các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM... Tuy nhiên, những năm qua nạn khai thác cát lậu, lấn chiến lòng hồ diễn ra hết sức phức tạp. Trước thực trạng đó, các cơ quan ban ngành liên quan đang nỗ lực đưa ra các giải pháp bảo vệ lòng hồ và nguồn nước.

Huy Hùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chan-chinh-tinh-trang-khai-thac-cat-lau-tren-long-ho-dau-tieng-120647.html