Chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh

Việc triển khai hệ thống kết nối nhà thuốc sẽ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thuốc và các hoạt động mua bán thuốc, góp phần chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh' - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tình trạng mua thuốc không theo đơn rất phổ biến (Ảnh: TL)

Công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả

Trong thời gian qua, hệ thống cung ứng và phân phối thuốc của Việt Nam đã phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng thuốc vẫn còn không ít bất cập, nổi bật là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Y tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến rất phức tạp. Riêng đối với các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng.

Số liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, trong năm 2017, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy 36.233 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng. Qua đó phát hiện có 575 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với 2.401 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm đã phát hiện 266 mẫu không đạt chất lượng. Trong khi đó, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2017 là 5 mẫu, trong đó có 4 thuốc tân dược và 1 thuốc đông dược. Trong đó 4 mẫu thuốc tân dược bị làm giả tập trung vào 2 hoạt chất là Lincomycin và Prednisolon được phát hiện ở 4 tỉnh/thành phố gồm: Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai và Kon Tum.

Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết được thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.

Có thể nói, thực trạng đáng báo động ở Việt Nam hiện nay, nơi đâu cũng có thể mua được thuốc kháng sinh vừa hại sức khỏe cho người dân, vừa khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao trên thế giới. Chưa kể, vì không có ai mặc cả khi mua thuốc nên rất khó quản lý giá thuốc, trừ một số loại thuốc đã được đấu thầu tập trung.

Dễ dàng mua thuốc kháng sinh bất cứ đâu (Ảnh: TL)

Sẽ có nhiều giải pháp trong thời gian tới

Trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm thống nhất quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối thuốc bảo đảm lợi ích người bệnh, người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc từ tháng 9 năm 2018; trong năm 2018 hoàn thành đối với các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã; phấn đấu trong năm 2019 hoàn thành đối với quầy thuốc.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 775 điểm cầu trên toàn quốc về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc quản lý bán thuốc ở Việt Nam thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới; tỷ lệ kháng kháng sinh Việt Nam đang ở tốp cao của thế giới; giá cả các loại thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ chưa được quản lý. Hiện nay, chúng ta không có công cụ nào để giúp người dân nhận biết được công dụng, cách sử dụng và thời hạn sử dụng thuốc. Điều này chúng ta cần khắc phục sớm.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã chính thức bấm nút triển khai hệ thống kết nối nhà thuốc. Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai hệ thống kết nối nhà thuốc sẽ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thuốc và các hoạt động mua bán thuốc, góp phần chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh. Từ đó, cơ quan quản lý dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến tay người tiêu dùng, giảm hồ sơ giấy tờ báo cáo, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc phải kê đơn không đúng quy định.

Nguyễn Mạnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/chan-chinh-tinh-trang-mua-ban-thuoc-khong-theo-don-va-lam-dung-khang-sinh-43673