Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất ở các thành phố lớn

Sáng 22-10, trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định: 'Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo'.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 12 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, với nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, tăng trên cả 3 lĩnh vực, quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỷ đô la Mỹ; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội...

"Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, diễn biến mức tăng trưởng kinh tế của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm (GDP quý I đạt 7,45%; quý II giảm còn 6,73%, quý III ước tăng và đạt 6,88%, trong khi theo dự báo đầu năm, quý sau giảm so với quý trước). Vì vậy, cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định" - Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu.

Ngoài ra, lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá hiệu quả việc điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa như kỳ vọng

Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ của Chính phủ cho thấy, sau ba năm (2016-2018), nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến, thể hiện qua những kết quả đáng ghi nhận. Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được cũng như một số hạn chế, vướng mắc theo báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Cụ thể, hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR) được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế năm 2018, tuy nhiên đều có xu hướng giảm so với năm 2017. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và một số công trình trọng điểm còn chậm. Hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác, làm cơ cấu vận tải chưa dịch chuyển đúng hướng và tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển. Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra nhiều đề nghị, lưu ý đối với Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020. Cụ thể, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước; kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban Kinh tế đề nghị chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn. Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, triển khai xây dựng sớm hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối đồng bộ. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm.

T.Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/916441/chan-chinh-xu-ly-nghiem-cac-sai-pham-trong-quan-ly-su-dung-dat-o-cac-thanh-pho-lon