Chặn dịch tả lợn: Hà Nội xin hỗ trợ bồi dưỡng cán bộ, Thái Bình tự lo

Hiện Hà Nội đã tiêu hủy 100.000 con lợn (gần 5% tổng đàn), giá 38.000 đồng/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tuy nhiên, mức bồi dưỡng cho nhân viên thú y đi chống dịch rất thấp, mỗi người chỉ được 100.000 đồng/ngày.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn ra sáng 13/5, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, thành phố hiện đứng thứ hai cả nước về số đàn lợn với hơn 1,9 triệu con. Hiện Hà Nội đã tiêu hủy 100.000 con (gần 5% tổng đàn), giá 38.000 đồng/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ.

Các địa phương dự kiến phải chi hàng trăm tỷ do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh minh họa

Các địa phương dự kiến phải chi hàng trăm tỷ do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh minh họa

Các xã, thôn của Hà Nội đang cố gắng không để lợn chết, lợn bệnh bị quăng ra đường, ao, sông. Tuy nhiên, ông Sửu cho biết, mức bồi dưỡng cho nhân viên thú y đi chống dịch rất thấp, mỗi người chỉ được 100.000 đồng/ngày nhưng cứ đêm khuya có báo động là phải đi. Trong khi lao động tự do còn được trả 250.000-300.000 đồng/ngày. Vì vậy, Hà Nội đề nghị chính phủ và Bộ NN&PTNT có hỗ trợ về bồi dưỡng cho lực lượng thú y.

Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả lợn Châu Phi. Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết toàn tỉnh có quy mô tổng đàn lợn khoảng 1 triệu con nhưng đến nay Thái Bình đã tiêu hủy 300.000 con lợn với 14.900 tấn. Dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ, chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch”, ông Xuyên cho biết.

Về mức hỗ trợ, tỉnh đã thống nhất hỗ trợ 80% giá thị trường bởi nếu hỗ trợ cao hơn giá thị trường thì các hộ chăn nuôi sẽ bỏ bẵng. Cũng theo ông, ngoài 100.000 đồng hỗ trợ lực lượng thú y trực tại hiện trường thì tỉnh còn hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người, các ngày nghỉ, ngày lễ thì hỗ trợ 300.000 đồng.

“Không thể để anh em suốt mấy tháng trời đằng đẵng mà không hỗ trợ hợp lý”, ông nói.

Còn tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn, với tổng đàn 1,2 triệu con. Đến nay đã có 13 huyện có dịch, tiêu hủy trên 5.400 con lợn. Hiện 18 xã của 5 huyện đã công bố hết dịch, tức là qua 30 ngày.

“Chúng tôi tổ chức giám sát hàng ngày, cho nên cứ phát hiện có lợn chết trong vùng dịch là tổ chức tiêu hủy ngay và lập biên bản kiểm kê theo quy định. Còn ngoài vùng dịch thì lấy mẫu để xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy ngay, kể cả chưa có kết quả, không để lợn chết mà không tiêu hủy.

Thanh Hóa cũng nằm trên trục giao lưu Bắc Nam, do đó chúng tôi lập chốt để kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Nếu các phương tiện vận chuyển gia súc không đủ thủ tục thì chúng tôi buộc phải tiêu hủy”, ông Quyền nhấn mạnh.

Ông Quyền cũng kiến nghị, trong quá trình chỉ đạo, phải duy trì quyết liệt, không địa phương nào được chần chừ để dịch bệnh lây lan, nếu không dịch sẽ lây lan rất nhanh và rất nguy hiểm. Đồng thời đề nghị Trung ương hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch bệnh, cân đối cấp kinh phí để các địa phương chi trả kịp thời cho người chăn nuôi.

Qua ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới nếu không làm tốt bệnh tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo 3 hướng: nơi nào bị rồi thì tái bị; lan rộng sang các vùng chưa bị và hướng vào các hộ lớn mà chúng ta đang cố gắng cầm cự.

“Đến lúc đó thì vô cùng thảm khốc và điều này càng nhân lên vì diễn biến thời tiết năm nay rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, thiệt hại sẽ là rất lớn, không chỉ về kinh tế mà nhiều mặt, đe dọa cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số CPI. Chính vì thế cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng cũng cho rằng với tình hình dịch bệnh, thảm dịch như hiện nay phải ứng xử bằng nguồn lực, chế tài tài chính phù hợp. Đồng thời có chính sách thu mua thịt lợn sạch để có nguồn thực phẩm sạch dự trữ, giảm tải nguy cơ rủi ro, bất ổn thị trường nếu dịch xảy ra trên diện rộng.

“Thủ tướng đã nói là dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm. Bởi đây là bệnh vô cùng nguy hiểm, vi rút tồn tại lâu trong môi trường nên địa phương phải xây dựng kịch bản ứng xử như thế nào, không thể để tình trạng xử lý, tiêu hủy lợn bệnh như thời gian vừa qua. Đã đến lúc lực lượng vũ trang, quân đội công an phải là lực lượng nòng cốt vì tính kỷ luật rất cao”, Bộ trưởng đề nghị.

D. Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chan-dich-ta-lon-ha-noi-xin-ho-tro-boi-duong-can-bo-thai-binh-tu-lo-post299293.info