Chấn động scandal gián điệp xuyên thế kỷ giữa Mỹ-Đức-Thụy Sĩ

Hoạt động của tình báo Mỹ-Đức trong 75 năm qua được sự giúp đỡ đắc lực của thiết bị truyền phát thông tin mật do một công ty Thụy Sĩ sản xuất.

Vụ bê bối về tình báo giữa Hoa Kỳ và Đức, bao trùm một nửa thế giới, được các phương tiện truyền thông nước ngoài thảo luận sôi nổi suốt trong ngày 11/02. Theo đó, trong vụ bê bối gián điệp này, đã có tới 120 quốc gia chi đã trả hàng tỷ dollars bảo mật để nhận về cái kết đau đớn là chính mình trả tiền để giúp bí mật của mình bị đánh cắp.

Hãng truyền hình Đức ZDF và tờ báo Mỹ The Washington Post đã tiến hành một cuộc điều tra chung và thấy rằng, gián điệp hai nước này đã hoạt động vòng quanh 120 quốc gia trong 50 năm qua.

Và hoạt động của tình báo Mỹ - Đức được sự giúp đỡ đắc lực của thiết bị truyền phát thông tin mật do một công ty Thụy Sĩ sản xuất. Đó là công ty chuyên về các giải pháp mã hóa nổi tiếng thế giới mang tên Crypto AG.

Hoạt động gián điệp xuyên qua hai thế kỷ

Hoạt động gián điệp thế kỷ - đó là điều mà báo chí nước ngoài gọi sự hợp tác giữa Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong nhiều thập kỷ. Hai cơ quan tình báo này đã phối hợp với nhau để thu nhận thông tin bí mật từ cả đồng minh lẫn các đối thủ.

Đối với Hoa Kỳ, danh tiếng quốc gia này đã bị mờ nhạt bắt đầu từ vụ bê bối với “Người thổi còi” (hay còn gọi là “Kẻ phản bội nước Mỹ”) Edward Snowden, câu chuyện này không phải là điều gì mới. Người Đức cũng không nổi tiếng vì sự trong sạch của mình. Nhưng không ai ngờ Thụy Sĩ cũng có liên quan đến vấn đề này, theo logic thông thường, điều này không thể xảy ra do tính trung lập của quốc gia này trong cả chính trị lẫn quân sự.

Tờ Washington Post tiết lộ rằng, trong hơn nửa thế kỷ qua, các chính phủ trên thế giới tin tưởng vào một công ty, trao gửi bí mật về tình báo, quân sự và ngoại giao của họ.

Nhưng không ai biết rằng, công ty Crypto AG Thụy Sĩ lại thuộc sở hữu bí mật của CIA, trong mối quan hệ đối tác với tình báo Tây Đức, giúp họ có quyền truy cập vào thiết bị mã hóa, có thể dễ dàng bẻ khóa mã được các quốc gia sử dụng thiết bị của Cryptor AG để gửi tin nhắn, điện báo mã hóa.

Cả thế giới đang chấn động về scandal gián điệp giữa Crypto AG với tình báo Mỹ và Đức

Cả thế giới đang chấn động về scandal gián điệp giữa Crypto AG với tình báo Mỹ và Đức

Crypto AG tham gia thị trường thế giới bắt đầu từ Thế chiến thứ hai, ký hợp đồng đầu tiên chể tạo các máy mã hóa cho quân đội Hoa Kỳ. Tiếp theo, họ có các phát triển hàng đầu về mã hóa, tạo ra các chíp điện tử và phần mềm, trở thành công ty nổi tiếng trên thế giới.

Hơn nữa, sở dĩ các nước có nhu cầu cao đối với các sản phẩm công ty này bởi nó còn được đảm bảo bằng tính trung lập của chính phủ Thụy Sĩ.

Nhà phân tích chính trị Richard Aldrichcho biết, cho đến nay, đã có hơn 120 quốc gia trên thế giới chi trả hàng tỷ dollars cho công ty này, hy vọng rằng họ sẽ được bảo mật thông tin, nhưng thực ra là họ đang trả tiền để bí mật của mình bị đánh cắp. Trên thực tế, điều này thật khó ai có thể tưởng tượng nổi.

Trong số các khách hàng có đất nước Bắc Phi Libya; các quân đội khu vực châu Mỹ Latinh mà điển hình là Argentina; các nước châu Á như Arabia Saudi, Iran, Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Ấn Độ; những quốc gia châu Âu như Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và thậm chí là cả Tòa thánh Vatican cũng không phải là ngoại lệ.

Phơi bày bí mật về Chiến dịch Rubicon (Operation Rubicon)

Tất cả những nước này, trên thực tế đã trả tiền để thông tin bí mật của họ cuối cùng sẽ rơi vào tay tính báo Mỹ và tình báo Đức.

Họ đã mua lại Crypto AG vào năm 1971 thông qua một trong các quỹ đầu tư ở Liechtenstein. Chiến dịch chung giữa CIA và BND được mang tên “Rubicon” (Operation Rubicon).

“Chiến dịch Rubicon”, được bảo vệ cực kỳ cẩn thận, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không ai có thể lần ra mối liên hệ giữa CIA, BND với công ty Thụy Sĩ Crypto AG.

CIA và BND đã thu thập thông tin tình báo của hơn 120 nước, trong hơn 70 năm, nhờ các thiết bị của Crypto AG

Tuy nhiên, cả Washington và Berlin đều không qua được mắt Liên Xô, người Mỹ và người Đức không thể tiếp cận được mật mã của Liên Xô. Moscow đã nghi ngờ Crypto AG có quan hệ với phương Tây, và quyết định không mua thiết bị từ Thụy Sĩ và Trung Quốc cũng hành động tương tự.

Tuy nhiên, tình báo Hoa Kỳ vẫn có thể thu thập thông tin đường vòng, bởi họ có quyền truy cập vào mật mã của những quốc gia mà cả Moscow và Bắc Kinh có mối tương tác tích cực.

“Chiến dịch Rubicon chắc chắn đã giúp thế giới an toàn hơn một chút. Và tất nhiên, chúng tôi có rất nhiều thông tin không thể công khai” - cựu giám đốc tình báo Đức Bern Schmitdbauer sau này đã hé mở một phần về vai trò của chiến dịch này đối với Mỹ và Đức.

Trong cuộc đảo chính ở Chile năm 1973, Anh và Đức đã nắm được thông tin về thành phần, lực lượng tham gia đảo chính và thời điểm diễn ra cuộc đảo chính, ngay trong giai đoạn thảo luận kế hoạch.

“CIA có thể nắm bắt thông tin ngay cả trong quá trình chuẩn bị đảo chính ở Chile. Các dịch vụ bí mật của Hoa Kỳ có những kỹ năng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực này, vì vậy, họ có thể hỗ trợ và giúp thực hiện cuộc đảo chính” - Peter Kornbluh, nhà sử học của cơ quan lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói.

Còn mật mã Iran đã được theo dõi tích cực trong quá trình bắt giữ con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979.

Máy mã CX-52 được nhiều nước sử dụng là một sản phẩm của Crypto AG

Ba năm sau, trong cuộc đối đầu giữa Argentina và Vương quốc Anh trên Quần đảo Falkland, Đức và Mỹ đã chuyển cho London dữ liệu về lực lượng vũ trang của đối thủ, thu được từ mật mã Argentina, nó đã góp phần quan trọng mang lại chiến thắng cho nước Anh trong cuộc chiến năm 1982.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra

Tuy nhiên, vào những năm 90, Crypto AG đã bị nghi ngờ: Người đồng sáng lập công ty bị bắt gặp liên hệ với một đại diện tình báo Hoa Kỳ và đại diện bán hàng của hãng này đã bị bắt giữ ở Iran.

Người Đức, vì sợ bí mật tiết lộ, quyết định rời bỏ chương trình “Rubicon” và bán cổ phần của mình cho người Mỹ, những người tiếp tục đứng ẩn đằng sau Crypto AG cho đến năm 2018.

Nhà báo Fiona Endres cho biết, kết quả điều tra của giới báo chí cho thấy, chính quyền và các cơ quan tình báo Mỹ và Đức; chính phủ và các dịch vụ đặc biệt của Thụy Sĩ luôn là những đồng phạm. Các tài liệu cũng cho thấy, chính CIA đã viết rằng, các cuộc điều tra chống lại Crypto AG không bao giờ được chính thức thực hiện hoặc thực hiện một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, hiện nay những hoạt động khuất tất của công ty Crypto AG với giới tình báo Mỹ và Đức trên khắp thế giới đã bại lộ, khiến chính quyền Thụy Sĩ không thể cứ tỏ ra là mình vô can. Thụy Sĩ dự định sẽ điều tra vụ việc, tuy nhiên các nhà báo không còn tin tưởng vào sự khách quan và vô tư của quốc gia này nũa.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/chan-dong-scandal-gian-diep-xuyen-the-ky-giua-my-duc-thuy-si-3396787/