Chân dung bất tử của tàn tro

Chiều Cát Tiên sao em buồn quá vậy / Gái đương thì hóa góa phụ bên sông (thơ Krajan Bri).

Một xứ sở lúc nào cũng oi nực, như rốn nắng, như thể bao nhiêu nóng dồn hết về đây. Này đây khắc nghiệt nhất miền sơn cước Tây Nguyên chứ đâu nữa.

Đất thì cổ xưa ngàn dặm, người thì thậm mới. Cũng có lưa thưa vài cái bòn, sok của người Maạ, S’Tiêng - được xem là sắc tộc bản địa - cũng đã thành khu phố, thôn, xóm, và ký ức của họ với miền Cát Tiên này hình như chỉ là Bri (rừng).

Một đền tháp nằm trên ngọn đồi cao nhất nhìn xuống dòng sông Đồng Nai. Sau khi khai quật, người ta đã dựng nhà sắt lợp tôn để bảo vệ

Một đền tháp nằm trên ngọn đồi cao nhất nhìn xuống dòng sông Đồng Nai. Sau khi khai quật, người ta đã dựng nhà sắt lợp tôn để bảo vệ

Nhạy cảm, chuyên nghiệp, ưa khám phá văn hóa cổ như người Pháp mà thời Đông Dương thuộc địa họ vẫn đánh dấu vùng này là chỗ hoang vu trên bản đồ không ảnh. Chau Yuan - người Việt - mới đến đã vỡ đất mở rẫy trồng cây, làm lộ dần ra hình dạng những đền đài. Ai bạo gan thì kiếm gạch cổ về xây chuồng heo, lát sân; người khác thì đào xuống sâu kiếm của.

Mười lăm cây số bên bờ sông Da Dơng (Đồng Nai) này, đều có dấu tích kiến trúc cổ. Những nhà khảo cổ học mơ mộng nhất của phương Nam đã có mặt ở vùng đất đúng rõ “ốc đảo” này, và bóc ra. Mười lăm cuộc khai quật lê thê suốt hơn 30 năm, kể từ 1985. Những đền tháp xuất lộ. Không ai có thể tưởng tượng được đền đài có thể có mặt ở chốn rừng núi thâm u, và xứ sở của nền văn hóa sơn nguyên thảo mộc. Bới ra từ đất, chao ôi, người ta thờ… thần. Không có dáng hình nào của vua chúa ở đây cả. Chỉ có những bộ ngẫu tượng linga - yoni nằm trên những bệ thờ.

Đây rồi, thứ tín ngưỡng mà với tôi là tín ngưỡng trong sáng, thuần khiết và cao cả nhất của con người.

* * *

Những đền đài đổ nát còn đó, còn cổ nhân đi đâu rồi. Họ gửi lại đống tro tàn, thông điệp thời thăm thẳm. Người bản địa Maạ không thừa nhận dân tộc mình là chủ nhân. Người S’Tiêng cũng vậy. Văn hóa của họ chỉ là rừng, tất cả những gì của rừng đều là Yang, thần linh. Họ không biết đến gạch, kỹ nghệ xây dựng. Họ không biết gì về Bà La Môn giáo, Brahma, Shiva, dù những đền đài kia từ lâu đã ở trên bản quán của họ.

Họ không lập đền để thờ thần linh nào cả, ngoài khi nghĩ đến Yàng nào thì mang gà, rượu, heo, trâu đến chỗ ấy mà cúng vọng. Họ không có chữ viết, trong khi trên đá của đền đài kia thi thoảng xuất hiện thứ chữ viết ngoằn ngoèo. Hay họ đến sau, hoặc buổi ấy đại ngàn mênh mông quá, huyễn hoặc quá, mà họ không quá bước đến những cánh rừng chủng nòi nào đó đến xây dựng.

Cho đến khi người Việt di cư lên gần đây, và những ngọn đồi trọc hiện ra.

Một khu đền tháp khác quy mô hơn và một bệ linga-yoni được dựng chòi để che

Ai, và con đường nào đã đưa đạo Bà La Môn đến vùng rừng núi lùi sâu vào lục địa này: thương gia, nhà truyền giáo, thường dân, hay bậc quân vương nào đó?

* * *

Có nhà sử học Việt cho rằng chủ nhân của nó là người Maạ, vì quá khứ sắc tộc này có thể từng đạt đến trình độ cao về kiến tạo xã hội cũng như văn hóa. Có người bảo nó là của người Founan (Phù Nam) ở hạ lưu sông Mê Kông khi đại cường quốc ven biển này bị biển đẩy lùi hoặc Chân Lạp xóa sạch mà kéo lên đây khởi tạo quốc gia mới. Có người lại bảo nó của Chămpa, bởi vương quốc Chămpa gần vùng rừng núi này, và hệ thống di vật tâm linh nội tại có nhiều tương đồng.

Cũng có người bảo thánh địa này là một gạch nối với cửa biển Cần Giờ buổi xa xưa, chủ nhân của nó có sự bang giao hải thương xa rộng mà những hiện vật văn hóa Kushana, Lưỡng Hà, Địa Trung Hải... qua con đường thủy của dòng sông lớn Đồng Nai - Sài Gòn đến với trung tâm thánh địa.

Chân dung một bộ linga-yoni

Gần đây, nghe nói những di chỉ kiến trúc như thế còn xuất hiện ở bên kia sông, nơi Bù Đăng (Bình Phước), Tà Lài (Đồng Nai) - cũng quê xứ của người Maạ, S’Tiêng - dù chưa ai khai quật. Nghĩa là thánh địa Bà La Môn ở miền sơn nguyên này đồ sộ lắm, chế ngự một không gian rộng lớn, mà đền đài Ấn giáo ở Mỹ Sơn chưa hẳn sánh kịp.

* * *

Vì sao chủ nhân của nó rời bỏ nơi này? Các nhà khoa học chỉ khai quật và công bố, mô tả bề mặt thuần túy của những hiện vật, đối sánh, và công bố những hiện vật đó xuất hiện thời điểm nào, mà với thánh địa ở Cát Tiên là khoảng thế kỷ IV - VII, hoặc IX - XI. Lịch sử như một bản hoang ca. Bể dâu đánh đố đời sau.

Xuất lộ ra một phế tích lặng câm

Bên cái bòn Go cách không xa các di chỉ, những người đàn ông Maạ già nua, sau bao năm thinh lặng đã nói ra: “Nó (những đền đài) là của giống người Brum”. Họ kể tôi những điều tiền nhân của họ đã kể cho thế hệ trước xa, rồi thế hệ đó kể cho thế hệ sau, sau nữa: “Có một cuộc đánh nhau dữ dội giữa Chau Brum (người Brum-NHT) và người mình. Chau Brum không cho người Maạ đến vùng rừng kia. Họ rất mạnh bạo, hùng dũng, chiếm và chế ngự nơi đó (chỗ có những đền thờ). Brum có kiếm, Maạ mình có xà gạt.

Rồi một ngày, K’Tiêng và K’Tăng - hai thủ lĩnh Maạ nghĩ cách đánh nó bằng bùa phép. Thế là tổ chức bắt được một Brum đi lang thang một mình và dùng ngải bôi vào kiếm của nó. Nó mang mùi ngải về, Brum nghe mùi này sinh ra đánh lẫn nhau, đánh rất dữ. Từ đó Brum tán loạn, bỏ chạy. Bỏ đi luôn. Đền đài nó để lại Maạ mình cũng không biết làm gì”.

Một khu vực đền tháp ở thánh địa cổ Cát Tiên

Đơn giản thế sao, với một thánh địa khổng lồ? Nhưng ít ra câu chuyện họ kể cũng nói lên yếu tố Brum ở miền Cát Tiên, mà giống người Brum, theo tất cả các sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên, chính là người Chăm.
Dẫu sao, chút huyền sử Maạ kia cũng là sự hé mở, hoặc chất liệu gia vị cho chiếc hộp đen chủ nhân của thánh địa bí ẩn lụi tàn ở Cát Tiên.

Tốt nhất, hãy cứ để nó là chính nó, không thuộc về đâu và không giống đâu, không của ai và không giống ai. Cho sự mong manh vĩnh cửu. Sự bất tử của tàn tro.

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chan-dung-bat-tu-cua-tan-tro-17254.html