Chặn đứng lạm dụng quyền lực mới có thể 'triệt' được sân sau

Qua một loạt vụ việc, vụ án được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, chuyện 'sân sau' của quan chức giờ đây không còn là những 'dấu hiệu' hay 'nghi ngờ' của dư luận nữa mà đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại.

Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương (ảnh), nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư về những giải pháp cho tình trạng nêu trên.

[FLYCAM] Khu đất "vàng" 8-12 Lê Duẩn nhìn từ trên cao

Sân sau ở cấp nào cũng có

Hàng loạt vụ án được khởi tố, đưa ra xét xử thời gian vừa qua đều cho thấy có dấu hiệu cấu kết, thông đồng giữa quan chức với các doanh nghiệp (DN) để hình thành cái gọi là “sân sau”, “lợi ích nhóm”. Ông đánh giá thế nào về tình trạng nêu trên?

Theo dõi các vụ án tham nhũng kể từ Đại hội VI, khi đất nước đổi mới tới nay, tôi thấy rằng chuyện sân sau của quan chức ngày càng rõ ràng. Tới nay thì tình trạng này có thể nói là ở mức nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng. Từ những vụ như Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh cho tới gần đây là các vụ AVG, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc” rồi hàng loạt vụ việc ở TP.HCM mà mới đây 2 nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài vừa bị bắt... đều có thể gọi là “sân sau” cả. Phải nói là sân sau từ cấp ủy viên T.Ư, bộ trưởng trở lên chứ không chỉ cấp thứ trưởng hay lãnh đạo ở các tỉnh.

Chẳng hạn như hàng loạt vụ việc ở TP.HCM, từ khu đô thị Thủ Thiêm, vụ Phước Kiển hay 5.000 m2 đất ở số 8 - 12 Lê Duẩn, Q.1, thì không chỉ một mình Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín làm được mà phải là những người trên cả 2 ông này nữa. Sân sau ở đây là quá rõ rồi vì không có những quan chức này đỡ đầu, chống lưng, cùng nhóm lợi ích thì làm sao họ làm được những việc động trời như vậy?

Xâu chuỗi các vụ việc trong một thời gian dài thì nguyên nhân nào khiến tình trạng “sân sau” lại trở nên nở rộ như hiện nay?

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính bắt nguồn từ lòng tham của con người. Sân sau hay đỡ đầu, chống lưng, nhóm lợi ích thì cùng có chung một quy luật là sự cấu kết của quan chức và DN để mưu cầu lợi ích cho cá nhân. Tôi có lợi thì anh cũng có lợi. Tôi làm dự án này, tham ô được chừng này thì anh cũng có phần.

Nhưng quan trọng hơn, tôi cho là công tác lựa chọn cán bộ, kiểm soát quyền lực của cán bộ còn nhiều cái sai. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân cuối cùng vẫn là vấn đề con người. Chúng ta lựa chọn người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị mà không chuẩn thì dễ dẫn đến cái sai. Hãy hình dung đất nước giống như một kho thóc luôn có những con chuột rình rập, gặm nhấm, phá cái kho ấy. Muốn giữ cái kho ấy thì người giữ kho phải chuẩn. Nếu chọn người giữ kho mà không chuẩn thì anh ta tất sẽ không ngăn chặn được đàn chuột, thậm chí tiếp tay cho đàn chuột phá hoại.

Nếu nói con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì sẽ lý giải thế nào khi nhiều quan chức trong những vụ án vừa qua đã từng là những cá nhân xuất sắc, thậm chí có người còn là “anh hùng” như cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh khi được lựa chọn trở thành người đứng đầu, thưa ông?

Khi tôi còn làm công tác tổ chức, tôi cũng bị chất vấn về một trường hợp như vậy. Có một người tôi thấy xứng đáng, đề bạt làm bộ trưởng và Bộ Chính trị sau đó cũng đồng ý. Nhưng sau đó 2 năm, khi ông ấy đã trở thành bộ trưởng rồi thì có một việc nhỏ là ông ấy đã giành ngôi biệt thự của một bộ trưởng khác. Tôi khuyên nhưng không được nên bắt buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cho thôi chức ông này. Một đồng chí trong Bộ Chính trị khi đó đã hỏi tôi, tại sao 2 năm trước chính anh là người đề bạt mà 2 năm sau anh cũng chính là người đề nghị cách chức ông ta?

Tôi nói câu chuyện này để thấy rằng, khi có quyền lực trong tay thì chuyện lạm dụng quyền lực rất dễ xảy ra dù trước đó anh ta có là người có nhiều thành tích, có năng lực. Lòng tham khiến người ta rất dễ dùng quyền lực để thu vén cho cá nhân và sẵn sàng móc ngoặc, thỏa hiệp với những kẻ xấu để vụ lợi. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới từ năm 1947, chỉ 2 năm sau khi chúng ta giành được chính quyền, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc.

Cần cơ chế kiểm soát lạm dụng quyền lực

Như vậy, để giải quyết được triệt để tình trạng sân sau, nhóm lợi ích hiện nay thì mấu chốt vẫn là ở công tác lựa chọn cán bộ, thưa ông?

Nếu con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì nó cũng chính là giải pháp của mọi giải pháp. Nếu không chọn được trúng, đúng người, đúng việc thì tình trạng câu kết với những đối tượng bên ngoài để hình thành những sân sau cho mình sẽ không thể thuyên giảm. Nhất là trong nền kinh tế thị trường, hội nhập như hiện nay đang đẻ ra nhiều miếng đất cho những kẻ cơ hội, tham nhũng len lỏi vào bộ máy.

Cần phải loại bỏ được những kẻ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy. Để làm được điều này, tôi cho rằng công tác cán bộ cần phải thực hiện triệt để sự công khai, minh bạch và dân chủ. Bây giờ người dân biết hết từng ông cán bộ, quan chức nhưng chúng ta lại chưa có cơ chế để người dân tham gia góp ý. Tôi vào Sài Gòn, ngồi quán cà phê, người dân nói về những vụ việc của Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín đến nhức đầu. Vì thế tôi cho rằng, công tác cán bộ cần phải được công khai cho công luận, báo chí để người dân biết.

Chỉ có công khai, minh bạch và dân chủ thì mới chọn được cán bộ đúng, loại được những kẻ cơ hội, tham nhũng. Chúng ta đã đi hết hơn một nửa nhiệm kỳ và đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa XIII. Tôi cho rằng, nhân sự trong lần đại hội này sẽ quyết định sự sống còn của đất nước. Bây giờ người ta cứ nói chuẩn bị cán bộ cấp chiến lược là phải chọn người tài, đủ tiêu chuẩn tâm huyết nhưng câu hỏi quan trọng là chọn ai thì người ta lại chưa trả lời được.

Chúng ta đã có nhiều quy định để ngăn chặn tình trạng sân sau, nhóm lợi ích này nhưng việc thực hiện vẫn chưa hiệu quả?

Văn bản, quy định thì thời gian qua chúng ta không thiếu nhưng vấn đề ai là người thực hiện và thực hiện hiệu quả đến đâu. Chúng ta thấy công tác phòng chống tham nhũng 1 - 2 năm trở lại đây có những khởi sắc nhất định là nhờ tại Đại hội Đảng khóa XI, Ban Nội chính T.Ư trở thành thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng và Tổng bí thư trở thành người đứng đầu Ban chỉ đạo này. Nhưng chỉ một mình Tổng bí thư thì làm bao giờ mới hết được tình trạng tham nhũng?

Vì vậy tôi cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng sân sau của quan chức như hiện nay, cần có một cơ chế tổ chức kiểm soát lạm dụng quyền lực được Quốc hội phê chuẩn để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tình trạng này. Cơ chế tổ chức này có thể do Tổng bí thư đứng đầu và có quyền huy động các cơ quan hành pháp như công an, kiểm sát, kiểm toán để thực hiện việc thanh kiểm tra khi có dấu hiệu tham nhũng, sân sau. Bên cạnh đó, cũng phải hình thành cơ chế để những người đề bạt để xảy ra mà có hành vi tham nhũng, sân trước, sân sau bị cách chức, thậm chí khai trừ Đảng, khởi tố nếu vi phạm pháp luật.

Ảnh: Ngọc Thắng

Chúng ta giăng mắc rất nhiều cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra từ T.Ư xuống tận cấp ủy cơ sở rồi hệ thống tổ chức chính trị, xã hội có chức năng giám sát và phản biện nhưng chúng ta vẫn làm chưa tốt. Là do chúng ta chưa phát huy được hết vai trò của từng cơ quan này cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan này với nhau cho mục tiêu chống tham nhũng.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội

Ảnh: Ngọc Thắng

Chống sân sau, lợi ích nhóm là vấn đề cốt lõi trong công tác phòng chống tham nhũng. Vì đây là những vụ án gây tiêu hao tiền của của nhà nước rất lớn khi quan chức kéo bè kéo cánh, cấu kết với DN hình thành các lợi ích nhóm để thu lợi.

Ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Lãnh đạo có DN sân sau ngay trong nhà mình

Sự cấu kết, thông đồng để lợi dụng quyền lực, lợi dụng kẽ hở của chính sách, tạo ra các “nhóm lợi ích”, “sân sau”, công ty gia đình nhằm mục đích tư lợi đang dần lộ diện qua những vụ án tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng.

Cuối tháng 6.2017, tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư đã quyết định kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Một trong những sai phạm của bà Thanh được UBKT T.Ư nêu rõ là việc trong suốt nhiều năm giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng là cổ đông sáng lập. Bà Thanh còn là người ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho công ty của chồng mình đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, cấp phép và gia hạn cho công ty này kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng…

Trường hợp của bà Thanh có thể nói là điển hình cho “công ty sân sau”, “công ty gia đình” nhằm thu vén cá nhân.

Vụ việc Tổng công ty MobiFone mua 95% cổ phần Công ty AVG gây thất thoát cho nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng đã cho thấy có dấu hiệu cấu kết, lợi ích nhóm rất rõ của các quan chức, DN nhà nước với DN tư để tư lợi. Mới đây nhất, vụ việc 2 cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM bị bắt vì 2 khu đất vàng giao cho các DN tư nhân cũng cho thấy nhiều dấu hiệu của sự cấu kết theo dạng “sân sau”, “lợi ích nhóm” mà người ta nhắc tới lâu nay.

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 vừa qua đã chính thức xác nhận tình trạng “sân sau”, “lợi ích nhóm” nêu trên khi khẳng định: qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và DN tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga trình bày tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua cũng khẳng định, mặc dù luật Phòng chống tham nhũng đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành DN, không được để người thân kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách... nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và DN tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công.

Bà Nga cũng dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong góp ý cho đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, khẳng định: nhiều lãnh đạo tỉnh có cả DN sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin T.Ư, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia... và cho rằng Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có biện pháp nhận diện đầy đủ và xử lý đối với các nhóm lợi ích, sân sau cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Tư An

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/chan-dung-lam-dung-quyen-luc-moi-co-the-triet-duoc-san-sau-1031664.html