Chân dung người chắp cánh cho Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga vĩ đại

Ngày cuối cùng của năm 1999, khi Tổng thống đầu tiên của nga là Boris Yeltsin chuyển giao quyền lực vào tay Thủ tướng Vladimir Putin, ông nói: 'Hãy gìn giữ nước Nga'. Từ việc đặt để này đã chắp cánh để ông Putin bay cao trên con đường chính trị và trở thành một vị tổng thống vĩ đại của Nga với 4 nhiệm kỳ.

Nếu không có Tổng thống Boris Yelsin, vị tổng thống dân bầu đầu tiên của nước Nga, thì Tổng thống Putin sẽ không có được bước đường chính trị thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Bởi vậy không ai khác, chính ông Yelsin là người chắp cánh cho Putin trở thành Tổng thống Nga vĩ đại.

Mặc dù tính cách và tư duy chính trị khác nhau, nhưng cho tới hôm nay, Tổng thống Putin vẫn bày tỏ sự tôn trọng cao đối với người tiền nhiệm là chính bởi, Yeltsin đã có một sự chọn lựa đúng đắn, rất trùng hợp với sự chọn lựa của đại đa số nhân dân Nga: đưa Putin lên làm người kế nhiệm. Hình ảnh Tổng thống Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Với số phiếu áp đảo là gần 80% Ông Putin chính thức tái đắc cử chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ lần thứ 4. Phát biểu trước người ủng hộ, ông Putin tuyên bố "thành công đang chờ đợi chúng ta" và kết quả này phản ánh niềm tin và hy vọng của nhân dân.

Sau khi Liên Xô tan rã, vị thế của Nga trở nên mờ nhạt, chính ông Putin đã kéo dậy nước Nga trỗi dậy và lấy lại sức mạnh của một Liên Xô hùng mạnh. Dấu ấn mạnh mẽ trong việc thu hồi Crimea, mạnh mẽ hỗ trợ Syria trong cuộc nội chiến cũng như vấn đề Đông Ukraine của Tổng thống Putin khiến không những Mỹ mà cả phương Tây từ lo sợ cho tới nể phục.

Thành công của ông Putin một lần nữa khiến giới quan sát nhìn nhận về vai trò của ông Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga. Hình ảnh Tổng thống Yeltsin và Thủ tướng Putin vào năm 1999.

Ngày 31-12-1999, ông Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và trao quyền tổng thống cho Thủ tướng V.Putin. Trước khi khép lại cánh cửa điện Kremlin, B.Yeltsin đã dặn V.Putin: "Hãy gìn giữ nước Nga".

Ông Yeltsin đã nhìn thấy ở ông Putin những gì để có thể tin tưởng mà bàn giao quyền lực cho người mà lúc đó không hẳn đã là thân cận nhất?

Theo những gì mà ông Yeltsin kể lại trong cuốn hồi ký Marathon Tổng thống (dẫn theo sách "V. Putin, sự lựa chọn của nước Nga"), ông đã tìm thấy ở Vladimir Putin "hiện thân của những gì mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga".

Ông Yeltsin viết: "Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Crime (dù đã bị thất bại), những vị tướng vĩ đại của Chiến tranh thế giới thứ hai... Đã có lúc, có thể là năm 93 hay sớm hơn nữa, vào năm 91, tôi đã phân vân: đang có một cái gì đó không hẳn như thế ở các vị tướng của chúng ta"

"Có cái gì đó còn thiếu ở họ: có thể, đó là sự mã thượng, tính trí thức, một cái cốt lõi nào đấy... Tôi ngóng đợi một vị tướng nào đó không giống như các vị tướng khác xuất hiện. Hay nói chính xác hơn, vị tướng giống như những vị tướng mà tôi đã được đọc trong sách. Tôi ngóng đợi... Và rồi thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện"

"Anh ấy đến và toàn xã hội nhìn thấy rõ hình ảnh chân chính, dũng mãnh và thông thạo nghiệp vụ của các quân nhân ta. Tên gọi 'vị tướng' ấy là... Đại tá Vladimir Putin", Tổng thống Yeltsin viết trong cuốn hồi ký của mình.

Dưới thời Tổng thống Yeltsin, ông đã nhiều lần phải thay đổi nội các với 6 đời thủ tướng, cho đến khi gặp được ông Putin. "Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử!", câu trả lời ngắn gọn của ông Putin khi được Ông Yeltsin hỏi về việc đặt ông vào chức vụ Thủ tướng Nga.

Trước câu trả lời có phần dứt khoát và phục mệnh, ông Yeltsin hỏi tiếp: "Còn nếu tôi đưa anh vào chức vụ cao nhất?" thì ông Putin thực sự lưỡng lự: "Tôi không biết, thưa Tổng thống! Tôi không nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng làm việc ấy...".

Phải mất công lắm thì ông Yeltsin mới thuyết phục được ông Putin nhận làm người kế nhiệm, vị trí mà rất nhiều "đệ tử ruột" lúc đó của vị Tổng thống thứ nhất của nước Nga cháy lòng mơ ước.

Tác giả sách "V. Putin, sự lựa chọn của nước Nga" nhận xét: "Quả thực là không phải ai cũng có "con mắt xanh" tinh tường như Boris Yeltsin.

Hoặc giả vị "trưởng lão Yeltsin" có một thính giác đặc biệt nhạy bén, tới mức phi phàm, để nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga trong thế kỷ XXI ở một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như Vladimir Putin lúc đó.

Boris Yeltsin, chính trị gia theo tư tưởng cải cách và là tổng thống dân bầu đầu tiên của Nga, người có vai trò quyết định trong sự tan rã của Liên bang Xô viết, để lại một di sản gây nhiều tranh cãi.

Ông vừa được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Nga vừa là người gây ra khó khăn vất vả cho người dân nước này sau khi Liên Xô tan rã.

Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Xô và từng có thời là đối thủ về quyền lực của Yeltsin, phát biểu rằng Yeltsin là người "gánh trên vai những sự kiện trọng đại nhất của quốc gia, và cả những lỗi lầm to lớn nhất".

Mặc dù các nỗ lực cải cách của Yeltsin diễn ra chậm chạp, ông đã xóa bỏ được sự kiểm duyệt của chính quyền với báo chí, cho phép công chúng chỉ trích chính quyền và chèo lái nước Nga đến với thị trường tự do.

Công cuộc tư nhân hóa nhanh chóng các tài sản quốc gia đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa tư bản gian hùng và một tầng lớp tài phiệt mới có sức mạnh chính trị.

Cũng chính những hành động của Yeltsin đã khẳng định rằng tình thế ở Nga sẽ không có thể trở lại thời kinh tế kế hoạch tập trung - cơ chế từng ngăn cản tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm kiệt quệ một đất nước có đầy nhân tài và tài nguyên.

Nói không quá, Yeltsin chính là nhân tố khiến Liên bang Xô Viết tan rã và cho phép các nước cộng hòa của nó trở thành các quốc gia độc lập.

Kỷ nguyên Yeltsin bắt đầu từ tháng 8-1991, khi ông leo lên một chiếc xe tăng (ảnh) và kêu gọi người dân Matxcơva phản đối cuộc đảo chính của phái tả muốn lật đổ Gorbachev.

Yeltsin trở thành một anh hùng trong mắt nhiều một phần người dân Nga và những người xem truyền hình trên thế giới khi đó. Kỷ nguyên Yeltsin chấm dứt bằng bài phát biểu từ chức của ông vào đêm giao thừa năm 1999, khiến cả thế giới ngạc nhiên.

Xoay chuyển con tàu Liên Xô với ngành công nghiệp quân sự nặng nề, nền kinh tế suy nhược, môi trường bị tàn phá, hệ thống y tế và giáo dục kém hiệu quả, là một sứ mệnh khổng lồ đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mạnh khỏe và đang thời sung sức nào.

Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin và Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin.

Gorbachev muốn duy trì Liên bang Xô viết bằng các chương trình công khai hóa và cải tổ, để chủ nghĩa cộng sản gần dân hơn. Nhưng Yeltsin lại cho rằng dân chủ, pháp trị và thị trường mới là giải pháp cho các vấn đề của nước Nga.

Ở Nga, công việc xây dựng một nhà nước mới đặt lên vai Yeltsin - một nhà cải cách tận tâm nhưng không hoàn hảo, một người có sức khỏe bấp bênh thường biến mất một cách bí ẩn vì những vấn đề của tim mạch và hô hấp, một người uống nhiều và thường suy nhược.

Những điểm yếu này gây cho người ta cảm giác về một cơ hội bị đánh mất.

Ông Yeltsin luôn là người sống sót, tồn tại được qua những biến cố: khai trừ khỏi Bộ chính trị Liên Xô năm 1987, đảo chính năm 1993, cuộc tấn công thất bại nhằm vào tỉnh ly khai Chechnya năm 1994, thách thức trong cuộc bầu cử năm 1996, sự sụp đổ của nền kinh tế năm 1998 và cuộc luận tội tổng thống năm 1999.

Ông cũng sống sót qua nhiều lần bệnh tật, gồm bệnh cúm, viêm phổi và phế quản, phẫu thuật bắc cầu tim, đột quỵ, chảy máu nội tạng, vô số loại bệnh khác và cả những lần suýt ngã trong các cuộc lễ lạt chính thức.

Bất chấp tất cả những điều đó, Yeltsin đã tạo ra những thay đổi căn bản về kinh tế: một nền kinh tế thị trường cho dù đầy rẫy méo mó và tham nhũng, một tầng lớp doanh nhân mới và trẻ, và tỷ lệ tội phạm giảm bớt trong những năm cuối sự nghiệp của ông.

Nhưng ông Yeltsin không thành công khi phải thiết lập một khung chính trị và kinh tế cần thiết cho một nước Nga phát triển vững vàng.

Sự nghiệp chính trị của Yeltsin cuối cùng bị phủ bóng bởi sự phản đối mãnh liệt - xuất phát từ chính những thay đổi mà ông đưa ra, cũng như từ cuộc chiến ở Chechnya, cuộc chiến mà ông không thể thắng và không muốn chấm dứt.

Qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi gia nhập đảng Cộng sản năm 1961, rồi đứng trên nóc chiếc tăng T-72 kêu gọi phản đảo chính năm 1991, ký thỏa thuận giải tán Liên bang Xô viết để lập nên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), cuối cùng khi Yeltsin rời chính trường, ông đã mỏi mệt.

"Tôi cảm thấy mình như một người đã chạy xong quãng đường 40 cây số", Yeltsin viết trong hồi ký về những tháng năm làm tổng thống.

"Tôi từ bỏ tất cả. Tôi đã dành cả trái tim và trí lực để chạy quãng đường maraton tổng thống. Tôi đã đi đoạn đường một cách trung thực. Nếu có phải biện hộ điều gì, tôi sẽ nói rằng: Nếu các bạn có thể làm tốt hơn, hãy làm đi. Hãy chạy 40.000 cây số. Hãy chạy nhanh hơn, tốt hơn, đẹp hơn, và thoải mái hơn đi. Bởi vì tôi đã chạy rồi".

Kể từ khi từ chức năm 1999 cho tới lúc qua đời vào năm 2007 ông không xuất hiện nhiều trước công chúng. Cho đến lúc này bỏ ra ngoài những cống hiến cũng như những tranh cãi về cuộc đời ông, người ta chỉ nhìn lại một B.Yeltsin đã tinh mắt nhận ra V.Putin để rồi đặt để vào vai vị quyền Tổng thống trẻ này câu nói "Hãy gìn giữ nước Nga".

Thực tế đã chứng minh rằng, Tổng thống Nga Putin thực sự là nhân vật mà nước Nga cần ở trên vị trí người cầm lái. Điều này không chỉ có lợi cho các tầng lớp nhân dân Nga mà cho cả người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Yeltsin.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-chan-dung-nguoi-chap-canh-cho-vladimir-putin-tro-thanh-tong-thong-nga-vi-dai/761639.antd