Chân dung người lính Cụ Hồ

Bật khóc khi nhớ lại kỷ niệm cách đây 67 năm, đó là lúc tìm thấy di vật của đồng đội, là cánh tay, là mảnh áo, mảnh quần tại Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) - địa danh lịch sử khắc ghi thời kỳ chiến đấu dũng cảm, kiên cường của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những giọt nước mắt lăn trên gương mặt sạm màu sương gió và tuổi tác của ông Thái Hữu Hoành, cựu TNXP, người lính Cụ Hồ cùng những hồi ức đó theo ông suốt cuộc đời.

“Đâu cần thanh niên có”

Trong câu chuyện với bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Sơn La về truyền thống của lực lượng, bà Mai nhắc đến ông Thái Hữu Hoành, một trong những cựu thanh niên xung phong từng tham gia phục vụ chiến đấu tại cầu Tà Vài (Yên Châu) và tại “túi bom” ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn), sau đó nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường C (nước CHDCND Lào). Bà Mai nói: Ở ông Hoành hội tụ đủ tinh thần xung kích tình nguyện của TNXP, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và khi trở về với đời thường, ông lại tiếp tục phát huy truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới. Từ thông tin đó, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Hoành tại tổ 11, phường Quyết Thắng (Thành phố) để được nghe câu chuyện về một thời khói lửa oanh liệt khắc sâu trong trái tim người lính già.

Ông Thái Hữu Hoành (đứng giữa) tại Chương trình vinh danh doanh nhân doanh nghiệp xuất sắc ba miền năm 2014.

Ảnh: Tư liệu

Ông Hoành năm nay đã 84 tuổi. Mái tóc bạc trắng; những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt cương nghị; đôi bàn tay lốm đốm những nốt đồi mồi do tuổi tác. Xởi lởi pha nước mời chúng tôi, ông cười hiền hậu: Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là được trở về quê hương. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng tôi không thể quên và luôn tự hào về thời gian tham gia lực lượng TNXP và chiến đấu ở chiến trường C, vì tôi đã được góp công sức trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ngày 5/1/1954, lúc đó vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên trẻ Thái Hữu Hoành từ quê hương Nghệ An xung phong gia nhập lực lượng TNXP và được biên chế về Đại đội 292, Đội 34 TNXP Trung ương. Các đồng đội đã hành quân lên làm nhiệm vụ thông đường tại cầu Tà Vài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Cây cầu dài khoảng 60 mét, một bên là suối, một bên là núi cao. Đây là một trong những điểm trọng yếu mà địch bắn phá ác liệt hòng ngăn chặn việc hành quân của bộ đội và vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Hoành nhớ lại: Ngày 25/2/1954, bốn chiếc máy bay của địch quần đảo trên bầu trời khu vực cầu Tà Vài, trong 3 giờ đồng hồ, chúng ném bom na pan đốt cháy một vùng rộng lớn, sau đó chúng ném bom phá cho đất đá, cây cối bên sườn núi đổ ập xuống đường, xuống suối thành nhiều lớp, chồng chất lên nhau, rồi chúng ném bom nổ chậm và bom bi... chiếc cầu sắt bị bom đánh sập. Tại thời điểm đó, có ba đại đội TNXP làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Tà Vài, gồm: Đại đội 292; Đại đội 297 và Đại đội 407.

Ngày nào cũng vậy, ngớt tiếng bom là các chiến sỹ TNXP của ba đại đội lại khẩn trương sửa chữa, khắc phục, nhanh chóng tạo ra con đường mới. Khó khăn, nguy hiểm không làm giảm tinh thần của họ, các tổ phá bom nổ chậm tìm vị trí từng quả bom để xử lý, bảo đảm an toàn cho lực lượng; các bộ phận làm đập tràn, nhanh chóng mang những rọ đá cuội đã được chuẩn bị trước, đóng cọc, xếp rọ đá thành hai hàng, rồi buộc các bó cây dài 3 mét để ngang lên trên tạo thành con đường trên dòng suối. Để thông đường, bảo đảm việc vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường, các chiến sỹ TNXP đã trải qua “75 ngày đêm địch phá, ta lại sửa, ta đi, không để một giờ nào mạch máu giao thông ngừng chảy”.

Bồi hồi xúc động, ông Hoành trầm giọng kể: Tại Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn), địch đánh phá ác liệt, thả không biết bao nhiêu quả bom, mặt đường chỉ là những hố bom chi chít; nhiều TNXP đã anh dũng hy sinh. Ngày 14/3/1954, Đại đội 292 được điều động lên hỗ trợ trọng điểm Ngã ba Cò Nòi. Cùng với việc phá bom nổ chậm, san lấp hố bom để thông đường, chúng tôi còn tổ chức tìm di vật của đồng đội đã hy sinh. Kể đến đây, ông Hoành bật khóc, những giọt nước mắt lăn trên gương mặt sạm màu sương gió và tuổi tác, giọng nghẹn ngào trong nước mắt, ông bảo: Di vật còn lại của đồng đội chỉ là những mảnh quần, mảnh áo, riêng tôi đã tìm được 1 cánh tay của đồng đội.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đội 292 TNXP tiếp tục hành quân lên Lai Châu mở tuyến đường từ Lai Châu ra cửa khẩu với Trung Quốc. Hằng ngày, tiếng mìn nổ phá đá, tiếng cuốc, tiếng xẻng va vào đá chát chúa; gian nan, vất vả, nhưng ông Hoành và các đồng đội vẫn hăng say lao động, lấy lời Bác dạy làm kim chỉ nam trong thực hiện nhiệm vụ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Sau khi hoàn thành tuyến đường này, chàng trai Thái Hữu Hoành trở về quê hương Nghệ An.

Tự hào là người lính Cụ Hồ

Dường như tinh thần xung kích, tình nguyện, khao khát được cống hiến cho quê hương, đất nước đã ăn sâu vào suy nghĩ và trở thành những hành động cụ thể của người thanh niên Thái Hữu Hoành. Chính vì vậy, trở về quê hương chưa được bao lâu, tháng 3/1958, chàng trai Hữu Hoành đã tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ông được biên chế về Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 335. Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở chiến trường C (nước CHDCND Lào), giúp nước bạn Lào giải phóng dân tộc.

Ông Thái Hữu Hoành giới thiệu những kỷ vật thời kháng chiến.

Ông Hoành kể: Tại chiến trường C, tôi đã tham gia các chiến dịch: Cánh đồng Chum; giải phóng Luông Nậm Thà; giải phóng Xiêng Khoảng... Cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt, sự sống và cái chết luôn cận kề, chứng kiến nhiều đồng đội anh dũng hy sinh, tôi và các đồng đội khác càng thêm chắc tay súng để chiến đấu thêm phần của đồng đội, với ý chí quyết chiến, quyết thắng... Sau 15 năm trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường, tham dự 6 chiến dịch, với mấy chục trận chiến đấu, năm 1973, tôi được cấp trên điều động về xây dựng Trung đoàn 82, được phân công đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tổ chức Trung đoàn. Đơn vị có nhiệm vụ phối hợp giúp nước bạn Lào giữ vững vùng giải phóng, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ trên địa bàn 6 tỉnh Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam; giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở cách mạng.

Sau nhiều năm tham gia chiến đấu trên các chiến trường, năm 1976, ông Hoành được điều động về nhận nhiệm vụ tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La và trải qua nhiều chức vụ công tác. Dù ở cương vị công tác nào, ông Hoành cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đến tháng 12/1987 ông được nghỉ chế độ hưu trí.

Tỏa sáng trong cuộc sống đời thường

Ngay sau khi trở về địa phương, từ năm 1989 đến năm 2006, ông Hoành tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ phường Quyết Thắng, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy. Khi về nghỉ, ông được nhân dân tổ 16, phường Quyết Thắng (hiện là tổ 11 và tổ 12) tín nhiệm bầu làm tổ trưởng; sau đó được các đảng viên trong Chi bộ bầu làm bí thư chi bộ tổ. Trong 12 năm liên tục như vậy, ông đã cùng với cấp ủy, ban quản lý tổ vận động nhân dân phát triển kinh tế phù hợp với xu thế đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, vận động nhân dân góp công, góp tiền đổ bê tông các tuyến đường ngõ xóm.

Cùng tham gia câu chuyện với chúng tôi tại gia đình ông Hoành, bà Đào Thu Bồn, tổ 12, phường Quyết Thắng, bảo: Đã 25 năm, nhưng người dân xóm công nhân giao thông tổ 12 vẫn nhắc lại câu chuyện ông Hoành đã đến từng gia đình vận động bà con tham gia góp tiền, góp sức đổ bê tông tuyến đường từ cổng Công ty cổ phần In bây giờ đi xóm công nhân giao thông (nay là đường Nguyễn Du) dài khoảng 600 mét. Đó là năm 1996, khi đó, bà con trong xóm chưa góp được tiền, ông Hoành và Ban Quản lý tổ đã ứng trước kinh phí để làm đường. Nhờ sự nhiệt tình và trách nhiệm của những người “đứng mũi chịu sào” của tổ nên các hộ dân trong xóm đã có con đường đi khang trang, sạch đẹp thay thế tuyến đường đất nhỏ, hẹp.

“Gia tài” của những năm tháng tham gia lực lượng TNXP, tham gia chiến đấu ở các chiến trường bảo vệ Tổ quốc và thời gian góp công, góp sức xây dựng cuộc sống mới ở địa phương của người cựu TNXP, người lính già Thái Hữu Hoành, gồm: Huy hiệu Đảng 60 năm; 28 Bằng khen của các cấp, các ngành; 10 Huân chương Kháng chiến, Huân chương chiến Công các hạng... Với ông Hoành đó là những ký ức một thời oanh liệt không thể quên, còn với thế hệ trẻ, đó là niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; là động lực để tiếp bước cha anh xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác Hồ kính yêu mong ước.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chan-dung-nguoi-linh-cu-ho-42122