Chân dung người vô gia cư thành chủ chợ lớn nhất SG

Ông Quách Đàm (1863-1927) sang Việt Nam với hai bàn tay trắng, từng có giai đoạn sống vô gia cư. Làm việc rất cần cù, ông đã tạo nên cơ nghiệp khổng lồ, trở thành người chủ của chợ Bình Tây, khu chợ lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa.

Sân sau Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đang lưu giữ một bức tượng có lịch sử khá đặc biệt với tuổi đời gần 100 năm. Đó là tượng ông Quách Đàm, một thương gia giàu có, là người có công xây dựng nên chợ Bình Tây nổi tiếng của Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ông Quách Đàm (1863-1927) là người Hoa quê ở làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc. Ông sang Việt Nam với hai bàn tay trắng, từng có giai đoạn sống vô gia cư. Ông khởi nghiệp từ nghề mua bán ve chai, sau đó kèm thêm việc mua bán da trâu, vi cá và bong bóng cá.

Làm việc rất cần cù, khi đã có một số vốn, Quách Đàm bước vào nghề mua bán lúa gạo và trở nên giàu có. Ông đã tạo nên Thông Hiệp, một cơ sở kinh doanh danh tiếng ở khu vực Chợ Lớn ngày ấy. Từ giai đoạn này, việc làm ăn của Quách Đàm ngày một phát đạt, thịnh vượng.

Đến đầu thế kỷ 20, vùng Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán khiến khu chợ cũ (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) quá tải. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó dự định xây dựng chợ mới nhưng chưa tìm được đất.

Hay tin, ông Quách Đàm bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp mặt bằng, xây dựng chợ mới bằng bê tông cốt thép tặng nhà cầm quyền, chính là chợ Bình Tây ngày nay.

Đổi lại việc xây chợ, ông xin xây dựng mấy dãy phố lầu xung quanh chợ và dựng đài thờ cùng tượng mình ở chính giữa chợ sau khi ông qua đời.

Ông Quách Đàm qua đời năm 1927, lúc chợ chưa xây xong. Sau khi chợ Bình Tây hoạt động, khu đài thờ và bức tượng của ông đã được hoàn tất theo ý nguyện và được khánh thành vào ngày 14/3/1930.

Tượng ông Quách Đàm được làm bằng đồng theo lối tả thực với tỉ lệ 1/1, đặt trên đài đá hoa cương giữa sân chợ Bình Tây. Tác giả bức tượng là nhà điêu khắc người Pháp Paul Ducuing (1867-1949), người từng làm bức tượng vua Khải Định ngồi trên ngai vàng tại lăng Khải Định ở Huế.

Hình ảnh ông Quách Đàm được thể hiện với tay trái cầm các cuộn văn bản ghi lại những khoản tài trợ mà ông dành cho vùng Chợ Lớn.

Tay phải của ông cầm một cuộn giấy ghi các chữ Pháp "Écoles, marchés, oeuvres, assistance", nghĩa là "Trường học, thị trường, việc làm, hỗ trợ", khái quát các cống hiến của ông cho xã hội.

Ngực thương gia Quách Đàm gắn rất nhiều huy chương do chính quyền đương thời trao tặng vì những đóng góp của ông.

Lễ khai mạc đài thờ Quách Đàm đã được chủ trì bởi M. Eutrope, người đại diện cho Thống đốc Nam Kỳ (vắng mặt ở Sài Gòn) và M Renault, thị trưởng của Chợ Lớn. Rất nhiều người Pháp, Hoa và Việt đã tham gia buổi lễ này.

Do những biến động thời cuộc, cách đây nhiều thập niên, tượng đồng của ông Quách Đàm đã được di dời về Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Bức tượng đã được đề xuất đưa trở về vị trí cũ sau khi cuộc trùng tu đang tiến hành ở chợ Bình Tây hoàn tất.

Mời quý độc giả xem clip: Vẻ đẹp kiến trúc TP HCM.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chan-dung-nguoi-vo-gia-cu-thanh-chu-cho-lon-nhat-sg-1104311.html