Chân dung nhà văn bị kiện tụng, tù đày vì quan hệ đồng tính

Oscar Wilde là nhà văn từng bị kiện tụng, tù tội vì những mối quan hệ đồng tính và ồn ào cá nhân.

Oscar Wilde, tên đầy đủ là Oscar Fingal O'Flahertie Wills Wilde, là nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông sinh tại Dublin, Ireland, ngày 16/10/1854 và mất tại Paris vì viêm não, ngày 30/11/1900.

Oscar Wilde đã từng thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray của mình rằng "Nghệ sĩ là người sáng tạo ra cái đẹp”, và mục đích cuối cùng trong mọi sáng tạo của ông là sự hiện diện của cái đẹp dưới mọi cảm thức, mọi trăn trở.

Cuộc đời của Oscar Wilde cũng có rất nhiều điều thú vị, được tác giả Robert Schnakenberg thu thập và kể lại trong cuốn sách Bí mật cuộc đời các văn hào.

Zing.vn xin trích đăng những mẩu chuyện thú vị xung quanh cuộc đời nhà văn duy mỹ cực đoan này.

Bìa sách Bí mật cuộc đời các đại văn hào.

Bìa sách Bí mật cuộc đời các đại văn hào.

Oscar Wilde và Ernest Hemingway

Oscar Wilde và Ernest Hemingway có điểm gì giống nhau ư? Không nhiều, ngoại trừ đều có tiền sử mặc quần áo của con gái. Gần như trong suốt cả tuổi thơ, cả hai người đàn ông này phải mặc quần áo con gái theo mệnh lệnh của hai bà mẹ.

Mẹ của Wilde, phu nhân Jane Wilde, là một nữ thi sĩ lập dị, thích khoác lên mình những bộ cánh lạ thường, mỗi bộ đều đi kèm với một bộ tóc đính đầy châu ngọc và lông chim.

Có vẻ như bà thèm có một cô bạn chưng diện cùng mình, bà cảm thấy mình đã bỏ lỡ mất điều gì đó khi không sinh được một cô con gái. Để bù lại, bà giả vờ Oscar là một cô con gái, che giấu giới tính của cậu bé đằng sau một loạt những chiếc đầm diêm dúa thời Victoria.

Nhưng xin bạn chớ vội kết luận hãy nhớ rằng không có mối liên hệ nào giữa việc làm này và đồng tính luyến ái đâu nhé - mặc dù nó có thể lý giải khá nhiều cho vụ tạo dáng khoe vẻ nam tính của Hemingway. Có ai đó nói đến việc bù đắp quá tay chưa nhỉ?

Với chính trị

Trong lần đi nói chuyện ở nước Mỹ, Wilde muốn gặp một người hơn bất kỳ ai khác. Không, không phải Walt Whitman, mặc dù hai người đúng là đã gặp nhau và trao nhau một nụ hôn. Đó là Jefferson Davis, cựu tổng thống của Chính phủ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ. Rốt cuộc Wilde cũng có được cơ hội này vào ngày 27 tháng sáu năm 1882, khi ông đi qua Beauvoirm Missisippi, trên đường đến Montgomery, Alabama, để thực hiện buổi diễn thuyết về “Nghệ thuật trang trí” tại nhà hát opera địa phương.

Cặp đôi trông có vẻ khập khiễng này lại tìm thấy nhiều điểm tương đồng. Wilde nhận xét về những sự giống nhau giữa miền Nam nước Mỹ và quê hương Ai Len của ông như sau: Cả hai đã chiến đấu để giành được quyền tự chủ, và cả hai đều đã thất bại. Sau đó ông tiếp tục tuyên bố rằng “những nguyên tắc mà theo đó Jefferson Davis và miền Nam bước vào cuộc chiến tranh không thể bị đánh bại”.

Oscar Wilde đã từng chịu cảnh kiện tụng, ngục tù vì quan hệ tình dục đồng tính.

Về buổi diễn thuyết, nó lại là một mối thất vọng. “Một nhóm đông tụ tập với sự hiếu kỳ bệnh hoạn sẽ chào đón ông,” tờ Selma Times tuyên bố trong một bài báo bình luận trước sự kiện.

Tờ Montgonmery Advertiser cũng vô cùng nóng lòng muốn nghe những điều mà nhà văn trào phúng lừng danh này sẽ mang đến. “Không một quý bà quý cô nào từng nghe nói đến ngài Wilde lại không nóng lòng muốn gặp và nghe ông nói; và, người ta nói rằng, “ông tôn thờ phái đẹp”. Thế nhưng những bình luận về mỹ học của người đàn ông Ai Len với ngữ giọng lạ này như nước đổ lá môn với những khán giả miền Nam. “Bài nói chuyện này có bản chất kỳ dị đến nỗi ta cần phải nghe trực tiếp mới có thể hiểu được,” tờ Advertiser sau cùng chốt lại, “và đừng nên cố đưa ra một bản tóm tắt nội dung hay thậm chí là một phác thảo ngắn gọn”.

Bị kiện tụng, tù tội vì đồng tính

Trong cuộc đời của mình, Oscar Wilde nhiều lần bị kiện tụng, tù tội vì quan hệ đồng tính. Trong các phiên tòa xử tội thiếu đứng đắn của mình, Wilde vẫn tự tin là ông sẽ chiến thắng. Một ngày nọ, khi ở ngã tư Piccadilly Circus, ông tình cờ gặp lại một người bạn có vẻ lo lắng khi nói về chủ đề này. Wilde cố trấn tĩnh bạn mình. “Anh đã nghe nói về vụ kiện của tôi rồi à?” ông hỏi. “Đừng lo lắng quá. Mọi chuyện ổn cả. Tầng lớp lao động sẽ sát cánh với tôi… đến từng cậu bé một”.

Sau khi được thả ra khỏi nhà tù, Wilde cố gắng một gần cuối cùng để chứng tỏ sự “đứng đắn” của mình với công chúng Anh. Ông cùng người bạn Ernet Dowson, một nhà thơ, đi đến một nhà thổ ở Pháp. Dồn hết lại, họ chỉ đủ tiền để cho một người dùng thử dịch vụ ở đây.

Dowson khuyến khích Wilde thử một lần cho biết, khăng khăng rằng ông sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì tới tiếng tăm nếu có được một trải nghiệm “lành mạnh” hơn - tức là quan hệ với nữ giới.

Lời đồn đại về chuyến đi đến nhà thổ này lọt ra ngoài, và chẳng bao lâu một đám đông đã bu kín ngôi nhà tai tiếng này. Khi Wilde bước ra ngoài, ông kể với Dowson: “Lần đầu tiên trong mười năm nay và nó sẽ là lần cuối. Giống như thịt cừu để lạnh vậy.” Sau đó ông quay sang nói với đám đông: “Nhưng hãy kể điều đó ở Anh ấy, bởi nó sẽ hoàn toàn hồi phục lại nhân phẩm cho tôi.”

Oscar Wilde và người tình đồng tính Alfred Douglas.

Sự bất bình của công chúng về tội “biến thái” được gán cho Wilde còn tiếp diễn sau khi ông qua đời. Năm 1912, một bức tượng tưởng niệm khắc họa ông như một con nhân sư đang bay được dựng lên trên phần mộ của ông ở nghĩa trang nổi tiếng của Paris, nghĩa trang Pere Lachaise. Nhưng bộ phận sinh dục khổng lồ của bức điêu khắc rõ ràng đã khiến một vị khách vô danh nào đó viếng thăm nghĩa trang chướng tai gai mắt, hắn ta lấy búa đập tan cái phần ấy đi.

Bức tượng nhân sư ở trong tình trạng phi giới tính như thế đến năm 2000, khi nghệ sĩ đa phương tiện có tên leo Johnson đã đặt làm lại bộ phận đó bằng đúng kích thước thật của người quá cố và gắn nó vào phần tượng đã bị đập tan tành của Wilde, trong buổi lễ kéo dài bốn mươi phút được đặt tên một cách vô cùng phù hợp là Re-membering Wilde (Tưởng nhớ Wilde).

Trích sách "Bí mật cuộc đời các đại văn hào"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/oscar-wilde-nha-van-bi-kien-tung-tu-day-vi-quan-he-dong-tinh-post883187.html