Chân dung ông Mahathir Mohamed, Thủ tướng 'mới mà cũ' của Malaysia

Theo hãng tin CNN, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã vượt mặt 'học trò' cũ là Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak trong cuộc bầu cử toàn quốc, qua đó chấm dứt 6 thập kỷ cầm quyền của liên minh Barisan Nasional.

Ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamad sẽ là nguyên thủ quốc gia lớn tuổi nhất thế giới, nhiều hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump 21 tuổi và gấp đôi tuổi của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Là người đã giúp Malaysia trở thành một trung tâm thương mại và thế lực kinh tế lớn ở Đông Nam Á, ông Mahathir rời chính trường từ năm 2003, song ông đã quyết định trở lại để đánh bại ông Najib.

Ông Mahathir Mohamed đã đắc cử Thủ tướng sau khi đảng của ông giành chiến thắng.

Ông Mahathir Mohamed đã đắc cử Thủ tướng sau khi đảng của ông giành chiến thắng.

Điều đáng chú ý đó là chính ông Mahathir là người đã giúp liên minh chính trị Barisan Nasional thống trị lâu như vậy, khi ông từng là lãnh đạo của liên minh này và nắm quyền điều hành đất nước trong 22 năm, từ năm 1981 đến 2003.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Mahathir nói rằng việc ông tham gia tranh cử là “điều mà tôi phải làm”. “Tôi không thể chấp nhận nhìn đất nước bị hủy hoại bởi những kẻ ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân, những kẻ đi đánh cắp tiền của công”, ông nói.

Ông Mahathir đang nói về bê bối biển thủ công quỹ hơn 3,5 tỉ USD từ công ty đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia do nhiều giám đốc cấp cao của công ty tiến hành dưới thời ông Najib Razak.

Cơ hội cuối cùng

Trong bối cảnh đối thủ đáng gờm nhất của ông Najib là cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim đang bị ngồi tù do bị cáo buộc tham nhũng, phe đối lập đã rất yếu thế trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Tuy nhiên ông Mahathir bất ngờ tham gia tranh cử, nói rằng ông không phiền “để phe đối lập lợi dụng” để đánh bại ông Najib. Ông cũng nói thêm rằng ông sẽ nhường chức cho ông Anwar sau khi có được lệnh ân xá từ Hoàng gia Malaysia, qua đó cho phép ông làm Thủ tướng.

“Tôi năm nay đã 92 tuổi và sắp sang tuổi 93”, ông Mahathir cho biết. “Tôi sẽ không còn sống lâu và đã chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên chừng nào tôi còn có thể cống hiến cho đất nước, tôi sẽ tiếp tục và sẽ hỗ trợ ông Anwar nếu đảng mong muốn”.

Sự ủng hộ của ông Mahathir đối với ông Anwar Ibrahim đã khiến nhiều người bất ngờ. Trong quá khứ khi còn là Thủ tướng, ông Anwar đã từng bị bắt giữ với những tội danh tham nhũng mà nhiều người nhận định rằng chúng có động cơ chính trị.

Người ủng hộ ông Mahathir vui mừng trước chiến thắng của ông.

Đến năm 2015 ông Anwar lại bị bắt sau khi bị cáo buộc những tội danh dâm ô dưới thời ông Najib, tội danh mà ông khẳng định có động cơ chính trị. Nhiều khả năng ông sẽ được thả vào tháng 6 tới sau khi thi hành phần lớn án tù của mình.

Tương lai bất định

Đối với ông Mahathir và ông Anwar, cuộc bầu cử này nhiều khả năng sẽ là cơ hội cuối cùng. Việc ông Anwar trở thành Thủ tướng sau khi ông Mahathir đắc cử là điều mà vài tháng trước không ai có thể nghĩ đến, song vào lúc này nó đã trở thành hiện thực.

Nhiều khả năng Malaysia sẽ trải qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần và nhiều tháng trong sự bất an, khi một liên hiệp các đảng phái mới được thiết lập và hiện vẫn chưa rõ ông Mahathir sẽ nhường chức cho ông Anwar hay một chính trị gia khác như thế nào.

“Vấn đề trước mắt hiện nay đó là liệu ông Mahathir có thực sự sẽ nhường lại vị trí Thủ tướng của mình cho ông Anwar như đã hứa hay không”, bà Fung Siu, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Công ty nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit cho biết.

Bà cho hay theo hệ thống chính trị của Malaysia hiện tại, cho dù được ân xá, ông Anwar vẫn phải giành được một ghế trong Quốc hội trước khi nhậm chức. Thêm vào đó, “sự thay đổi ở cấp độ lãnh đạo sẽ khiến thị trường tài chính bất ổn, đặc biệt là khi quá trình này kéo dài quá mức”.

Phản ứng của ông Najib Razak sau khi thất bại trong cuộc bầu cử toàn quốc.

Cựu lãnh đạo cứng rắn

Là người đứng đầu trước đây của liên minh Barisan Nasional, ông Mahathir đã giữ chức vụ Thủ tướng Malaysia trong 22 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2003. Từng là một bác sĩ, ông được công chúng đặt cho biệt danh là “Dr.M”.

Ông gia nhập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UNMO) vào năm 1946, khoảng hơn một thập kỷ trước khi Malaysia tuyên bố độc lập khỏi Anh. UNMO sau đó trở thành chính đảng lớn trong liên minh chính trị Barisan Nasional. Ông được bầu làm Thủ tướng vào năm 1981 và giữ chức cho đến tháng 10/2003 để nhường vị trí cho ông Abdullah Ahmad Badawi.

Sau khi nghỉ hưu, ông Mahathir đã liên tục chỉ trích ông Abdullah và đến khi ông Najib nắm quyền, những lời chỉ trích của ông ngày càng trở nên gay gắt.

Trong thời gian nắm quyền, ông Mahathir đã có những chính sách cứng rắn và sẵn sàng đánh bật các đối thủ chính trị và những người chỉ trích chính sách của ông. Theo nhà nghiên cứu Yang Razali Kassim, nhiều vấn đề trong chính trị Malaysia hiện nay mà ông Mahathir và các đồng minh lên án trong chiến dịch nhằm đánh bại ông Najib thực tế đều do chính ông Mahathir gây ra.

“Thật bất ngờ khi người đã nghiền nát đối thủ chính trị của mình khi còn nắm quyền giờ đây sau khi đã nghỉ hưu lại trở thành người đứng đầu không chính thức của một phong trào nổi dậy của nhân dân”, ông Kassim nhận định.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chan-dung-ong-mahathir-mohamed-thu-tuong-moi-ma-cu-cua-malaysia-post261931.info