Chân dung samurai mở ra kỷ nguyên mới của Nhật Bản

Tokugawa Ieyasu là samurai nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản với tư cách người thành lập nên chính quyền Mạc phủ Tokugawa được trị vì bởi các shogun.

Tokugawa Ieyasu (1542-1616) tên gốc là Matsudaira Takechiyo, là con trai một lãnh chúa của tỉnh Mikawa. Vào thời gian này, nước Nhật rối loạn vì nội chiến, với những mối thù giữa các lãnh chúa đã tồn tại gần một thế kỷ.

Năm bốn tuổi, Ieyasu bị gửi đi làm con tin đảm bảo cho liên minh giữa gia tộc của mình và gia tộc láng giềng Imagawa. Ông được nuôi dạy tại đó với nền giáo dục dành cho tầng lớp quý tộc.

Năm 1567, Ieyasu trở thành người đứng đầu gia tộc Matsudaira sau cái chết của cha và liên minh với Oda Nobunaga. Ông đổi họ của mình thành Tokugawa – tên gọi của vùng đất quê hương của gia tộc mình và đổi tên thành Ieyasu. Từ đó ông được biết tới với tên gọi Tokugawa Ieyasu.

Trong khoảng 15 năm tiếp theo, Ieyasu tiếp tục liên minh với Nobunaga, đồng thời mở rộng ảnh hưởng và sự giàu có của mình. Lúc này ông đã đạt được danh tiếng to lớn về quân sự.

Khi Nobunaga bị ám sát năm 1582, Ieyasu chiếm được thêm nhiều đất đai, và liên kết với người nối dõi của Nobunaga là Toyotomi Hideyoshi. Hideyoshi giao Ieyasu cai trị vùng phía Đông Nhật Bản nhằm kiềm chế Ieyasu. Ieyasu đặt đại bản doanh của mình tại thành Edo (nay là Tokyo).

Ieyasu trở thành một trong những người đỡ đầu cho con trai của Hideyoshi sau khi ông này qua đời trong một chiến dịch ở Triều Tiên. Những lãnh chúa quân sự hàng đầu tại Nhật bắt đầu âm mưu chống phá nhau và cuộc nội chiến nổ ra. Đội quân phía Tây được thành lập để chống lại Ieyasu.

Năm 1600, Ieyasu đánh bại Đội quân phía Tây trong trận Sekigahara, từ đó nắm quyền thống trị Nhật Bản. Năm 1603, Thiên hoàng Go-Yozei (vốn không có thực quyền) trao cho Ieyasu tước hiệu shogun, mở ra thời ký Mạc phủ Tokugawa. Nhật Bản được thống nhất dưới tay Ieyasu.

Ieyasu cố gắng thiết lập lại ổn định trong nước và khuyến khích ngoại thương, bao gồm cả việc trao đổi tặng phẩm với vua James I của Anh và các hoàng đế Châu Âu khác. Chỉ tới thời những người kế vị Ieyasu, Nhật Bản mới hoàn toàn tự cô lập, tách biệt khỏi các tiếp xúc với bên ngoài.

Ieyasu qua đời vào ngày 17/4/1616. Ông được phong thánh và lăng thờ ông ở Nikko trở thành một trong những đền thờ quan trọng nhất ở Nhật Bản.

Mời quý độc giả xem clip: 13 điều chỉ có tại Nhật Bản.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chan-dung-samurai-mo-ra-ky-nguyen-moi-cua-nhat-ban-1228954.html