'Chặn đường' quân đội Trung Quốc, Mỹ để chiến đấu cơ Singapore tới đảo Guam

Việc Mỹ cho phép Singapore thiết lập một cơ sở huấn luyện chiến đấu cơ ở đảo Guam cho thấy, Washington muốn tăng cường khả năng đối phó với sức mạnh quân sự cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Các chuyên gia nhận định, hiệp ước quốc phòng mới được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Singapore ký kết nhằm cho phép Singapore thiết lập một biệt đội huấn luyện chiến đấu cơ trên đảo Guam được xem là động thái thắt chặt quan hệ quân sự giữa hai nước.

Chiến đấu cơF-15SG của không quân Singapore tham gia một cuộc tập trận năm 2016. (Ảnh: EPA)

Chiến đấu cơF-15SG của không quân Singapore tham gia một cuộc tập trận năm 2016. (Ảnh: EPA)

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Faizal Abdul Rahman tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhấn mạnh, Singapore “luôn là người bạn thân” của Mỹ khi cùng tham gia với lực lượng do Mỹ đứng đầu tham chiến ở Afghanistan và cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Cũng theo ông Rahman, hiệp ước quốc phòng mới giữa Mỹ - Singapore chỉ là động thái tiếp nối quan hệ đối tác hoạt động và chiến lược. Theo logic, đảo Guam được chọn vì Singapore hiện vẫn mua và sử dụng các công nghệ quân sự của Mỹ.

Hôm 7/9, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã ký kết một thỏa thuận cho phép không quân Singapore triển khai các khí tài như chiến đấu cơ F-15SG và F-16 tới căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Trước đó, trong một thỏa thuận được Mỹ - Singapore ký kết vào năm 1990, quân đội Mỹ đã được phép tiếp cận các căn cứ hải quân và không quân tại Singapore.

“Không gian huấn luyện rộng lớn ở đảo Guam sẽ cho phép không quân Singapore cọ xát thực tế nhằm tăng cường năng lực cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore chia sẻ trong một tuyên bố.

Ông Brian Harding, một cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết, nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, đảo Guam sẽ tạo thêm cơ hội cho không quân Singaporehuấn luyện thực tế trong môi trường biển.

“Địa lý của Singapore cho thấy đảo quốc này cần có thêm những vị trí ở nước ngoài để huấn luyện. Trong những năm qua, Mỹ đã cho phép Singapore tiếp cận các cơ sở huấn luyện. Đây là động thái nhằm tăng cường quan hệ song phương cũng như các thương vụ mua bán vũ khí”, ông Harding nói.

Trong khi đó, hồi tuần trước, ông John C. Rood, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹphát biểu trước Thượng viện Mỹ rằng, Washington đã tìm cách mở rộng quan hệ quân sự với nhiều nước trong khu vực.

“Không một quốc gia nào ở Đông Nam Á ngoài Singapore có thể trở thành nơi Mỹ tăng cường sự hiện diện trong tương lai ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Rood dẫn chứng hơn 100 chiến hạm và từ 80 – 100 máy bay quân sự Mỹ đi qua đảo quốc Sư tử hàng năm.

Ngay tại Diễn đàn Quốc phòng quốc gia Reagan lần thứ 7 mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper cũng đã nhấn mạnh Washington hiện xem Ấn Độ - Thái Bình Dương là “khu vực ưu tiên” trong hoạt động cạnh tranh quân sự ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Theo ông Esper, Mỹ đang cân nhắc tái triển khai các binh sĩ từ Afghanistan và những khu vực khác để “cạnh tranh với Trung Quốc cũng như củng cố cam kết với các nước đồng minh và tiến hành tập trận, huấn luyện”.

Với hiệp ước quốc phòng mới, đảo Guam sẽ trở thành cơ sở quân sựthứ 7 của Singapore ở nước ngoài. Hiện, Singapore có 2 biệt đội hoạt động ở Arizona và Australia cùng 1 ở Idaho và 1 ở Pháp.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu ở Viện Ngiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Singapore cho hay, có rất nhiều lý do để Mỹ và Singapore tiến tới ký kết hiệp ước quân sự mới.

Theo ông Koh, đảo Guam tạo thành “điểm trung chuyển vô cùng thuận tiện” cho các chuyến bay từ Singapore tới Mỹ và “những điểm dừng chân này” cũng sẽ hữu ích cho hoạt động kỹ thuật và huấn luyện.

Trong khi ông Harding tin rằng, thỏa thuận mới giữa Mỹ và Singapore sẽ “khiến Bắc Kinh khó chịu”, ông Koh lại nhận định hồi tháng 10, Singapore cũng đã ký kết một hiệp ước quốc phòng nâng cấp với Trung Quốc mà theo đó hai bên sẽ tăng cường tập trận chung và đối thoại quốc phòng.

Do đó, theo ông Koh, hiệp ước đảo Guam chỉ nhằm “chắc chắn” Singapore là một phần của Mỹ.

“Singapore muốn thể hiện rằng, đảo quốc này vẫn tiếp tục ủng hộ các cam kết an ninh của Mỹ trong khu vực và là tín hiệu cho cam kết về mối quan hệ song phương giữa hai nước”, ông Koh nói.

Cũng theo ông Koh, việc Singapore và Trung Quốc ký kết hiệp ước hồi tháng 10 còn nhằm thể hiện với giới chức Bắc Kinh rằng, Singapore không nằm trong kế hoạch kiềm chế Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Ông Koh cho biết thêm, lâu nay, Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Singapore và Mỹ tạo ra không ít quan ngại nhưng thực tế là rất khó để có thể thay đổi mối quan hệ an ninh và quốc phòng suốt nhiều năm qua giữa Mỹ và Singapore.

“Điều mà Trung Quốc nên làm là khuyến khích Singapore tăng cường thêm các hiệp ước quốc phòng với Trung Quốc thay vì với Mỹ”, ông Koh kết luận.

Minh Thu (lược dịch)

Từ khóa: Chặn đường quân đội Trung Quốc Mỹ để chiến đấu cơ Singapore tới đảo Guam căng thẳng mỹ trung không quân singapore đảo guam hiệp ước quốc phòng chiến đấu cơ F-16 căn cứ không quân Andersen

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chan-duong-quan-doi-trung-quoc-my-de-chien-dau-co-singapore-toi-dao-guam-post324936.info