Chặn nước ngọt Crimea, Ukraine chơi ván bài bất lợi

Crimea đã có nguồn nước ngọt từ Nga, Kiev vẫn muốn bán nước ngọt qua Kênh Bắc Crimea.

Việc Ukraine ra điều kiện để nối lại nguồn nước ngọt đổ vào Kênh đào Bắc Crimea gần đây được nhắc lại khi Kiev tố cáo Nga "bỏ mặc" Crimea vì sự cố môi trường của nhà máy sản xuất titan.

Theo truyền thông Nga, việc cắt đứt nguồn nước ngọt chạy qua kênh đào Bắc Crimea đã diễn ra từ năm 2014 là một trong những biện pháp mà Ukraine muốn tác động tiêu cực đến bán đảo Crimea, nhằm gây ra những khó khăn trước và trong quá trình muốn sáp nhập vào Nga.

Một phần kênh đào Crimea từ Ukraine bắc sang bán đảo.

Không chỉ nước, Ukraine còn thực hiện các vụ phong tỏa điện, vận tải, lương thực đối với bán đảo này.

Khi Crimea chính thức thông qua kết quả phiếu bầu, đồng ý sáp nhập vào Liên bang Nga, Moscow đã khẳng định sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ bán đảo này những hoạt động dân sự cần thiết nhất.

Tháng 3/2018, khi tổng kết những thành quả 4 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga đã liệt kê đến việc Nga đưa vào vận hành 100 km đường ống mới nhằm cung cấp nước ổn định cho những người sử dụng ở Crimea.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Nga sẽ kết thúc việc xây dựng các đường dẫn “đa kênh” để làm đầy kênh đào nói trên, khắc phục hậu quả của việc Ukraine chặn dòng kênh này.

Dự án cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea đã được Nga chi số tiền lên tới 32 tỷ rúp (khoảng 470.000 USD).

Việc cải thiện hệ thống sử dụng nước đã cho phép các nhà nông nghiệp địa phương thu được trong năm 2017 một vụ bội thu về lúa mì – 1,7 triệu tấn.

Trước khi Nga cấp dự án nước ngọt cho Crimea, chính quyền bán đảo này cũng đã giới thiệu các biện pháp hợp tác mua lại nước ngọt từ phía Ukraine nhưng chính Kiev lại trả lại các hồ sơ từ phía Ukraine.

Kênh đào Bắc Crimea.

Chủ tịch Hội đồng kinh tế thường trực thuộc nghị viện Crimea Vitaly Nakhlupin cho biết chính quyền Crimea đề xuất phương án trả tiền nước ngọt trước cho Kiev, tuy nhiên Kiev đã hủy quá trình đàm phán.

Theo lời ông Nakhlupin, chính quyền Crimea đã 5 lần gửi hợp đồng cung cấp nước đến các cơ quan quản lý hữu trách của Ukraine nhưng đều bị trả lại vì những lý do nêu ra mà ông cho là “cường điệu”.

Kênh đào bắc Crimea được khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 1961-1971, bắt đầu từ hồ chứa Kakhovskoe và đến tận khu vực eo biển Kerch.

Khi bán đảo Crimea xảy ra một sự cố được cho là sương mù lưu huỳnh ở khu vực Bắc Crimea nghi là ảnh hưởng từ phát thải axit của nhà máy chế biến titan, chính quyền Ukraine đã nhắc lại việc sẽ mở lại tuyến nước ngọt cho Crimea nhưng kèm theo các điều kiện.

Thứ trưởng phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine Yuri Grymchak đã nhắc tới 3 điều kiện: Một là, Nga phải công nhận Crimea là “vùng lãnh thổ chiếm đóng”. Hai là, nếu có nguyện vọng Ukraine cấp nước ngọt cho Crimea thì "Nga phải gửi yêu cầu tới Ukraine và công nhận thực tế chiếm đóng Crimea". Sau khi Nga tuân thủ cả 2 điều kiện trên, hai bên mới có thể bàn bạc tiếp về chuyện "Nga sẽ trả bao nhiêu tiền cho việc cấp nguồn nước ngọt này".

Sau đó, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin cho biết nước ngọt của Ukraine sẽ không bao giờ chảy đến “vùng lãnh thổ bị chiếm đóng” dưới hợp đồng cung cấp mà đối tác của Kiev là “Crimea thuộc Nga”.

Ukraine đã chặn nước ngọt từ kênh đào Bắc Crimea cấp nước cho người dân trên bán đảo dù họ đồng ý mua nước.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đáp trả rằng, Kiev dường như đã nỗ lực trong việc ngăn chặn cung cấp năng lượng cho Crimea trong nhiều năm qua nhằm khiến cho một số hoạt động liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của Crimea bị đình trệ.

Đồng thời, bà Zakharova cảnh báo, bất cứ mối đe dọa nào từ phía Ukraine có liên quan tới cơ sở hạ tầng dân sự của người dân Crimea đều được coi là hành động “khủng bố quốc tế” theo luật của châu Âu.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chan-nuoc-ngot-crimea-ukraine-choi-van-bai-bat-loi-3365510/