Chăn nuôi 'có đạo đức', xu thế lạ trong chế biến thực phẩm Việt Nam

Ngoài các tiêu chuẩn về vệ sinh, giờ đây, chăn nuôi động vật cũng cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Ngành chế biến thực phẩm đang đặt ra chuẩn cao hơn cho nguyên liệu.

Mất 1 năm chuẩn bị, Công ty Vĩnh Thành Đạt mới được cấp chứng nhận toàn cầu Humane Farm Animal Care (HFAC). Đây được hiểu như chứng chỉ về đạo đức trong chăn nuôi hay phúc lợi động vật. Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn phải tuân thủ thì gà trong trang trại không được nuôi nhốt (cage-free), thay vào đó là nuôi thả. Gà mái tự do di chuyển, thể hiện các tập tính tự nhiên quan trọng của loài.

Khoảng 6.000 con gà tại Vĩnh Thành Đạt được yêu cầu có khoảng 1.100 ổ đẻ; 1.000m sào đậu; có khay đựng thức ăn, nước uống và sàn nuôi phải có lớp trấu cho gia cầm bới...

Với mô hình trên, giá trứng cao hơn khoảng 40% so với nuôi thông thường. Cụ thể, trứng gà nuôi “có đạo đức” bán ra tại hệ thống phân phối giá 5.000 đồng/quả thì trứng thường là 3.500 đồng/quả. Trứng nuôi theo mô hình này lần đầu xuất hiện và được cung cấp cho một số đơn vị như Co.op, MM Mega Market, Annam Naman, khách sạn Sofitel,...

Gà được nuôi theo chứng nhận HFAC, mô hình phúc lợi động vật. (Ảnh: NVCC)

Gà được nuôi theo chứng nhận HFAC, mô hình phúc lợi động vật. (Ảnh: NVCC)

Ông Anil Viswanathan - Tổng giám đốc Công ty Mondelez Kinh Đô Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp đi theo chuẩn HFAC với sản phẩm bánh bông lan sử dụng nguyên liệu trứng gà nuôi thả trong nước. Điều này nằm trong kế hoạch phát triển nguyên liệu thực phẩm bền vững tại Việt Nam, tiếp sau thị trường Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, vị này đánh giá, thị trường tiêu dùng Việt Nam có sự nhận biết về trứng gà nuôi theo chuẩn phúc lợi động vật chưa cao. Khách hàng chưa hiểu rõ nên chưa sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho sản phẩm mang tính nhân đạo, khác biệt trên thị trường.

Trái lại, một nghiên cứu do Tổ chức ESI Insights for World Animal Protection thực hiện chỉ ra, 67% người dùng toàn cầu cân nhắc, ưu tiên đến phúc lợi động vật khi mua sắm thực phẩm. Đáng chú ý, với nhóm khách Millennials (18-35 tuổi), tỷ lệ này lên đến 83%.

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT), thông tin, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã yêu cầu đảm bảo chứng nhận phúc lợi động vật thì mới được xuất khẩu sang một số quốc gia. Hiện, Bộ chủ quản đã ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi, đến năm 2030 có khoảng 20% gà chăn nuôi theo yêu cầu phúc lợi động vật, không chỉ gà mà còn có cả heo.

Theo bà Hạnh, các đơn vị bao tiêu sản phẩm cần vào cuộc để trang trại lớn có thể chuyển đổi dần sang mô hình chăn nuôi phúc lợi động vật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là chiến lược ưu tiên của Bộ NN-PTNT.

Đại diện Chương trình Phúc lợi động vật Đông Nam Á cũng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang phối hợp với tổ chức này để thực hiện chăn nuôi nhân đạo và sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Dẫu vậy, với kinh nghiệm của mình, đại diện Vĩnh Thành Đạt cho hay, rất khó để có được chứng nhận HFAC khi điều kiện đặt ra là trang trại chăn nuôi lớn phải tách riêng, làm mới hoàn toàn và việc tái kiểm tra, đánh giá thực hiện hàng năm. Nếu doanh nghiệp không có nền tảng phân phối sẵn tốt thì sẽ lỗ nặng ở giai đoạn đầu triển khai.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chan-nuoi-co-dao-duc-xu-the-la-trong-che-bien-thuc-pham-viet-nam-2086765.html